.

Kỳ vọng vào sự đổi mới trong giáo dục

Cập nhật: 19:19, 12/08/2019 (GMT+7)

Vậy là học sinh (HS) các cấp trên địa bàn tỉnh đã trở lại trường sau kỳ nghỉ hè dài ngày. Tối hôm trước, con gái (năm nay lên lớp 5) trằn trọc khó ngủ. Hỏi tại sao, con bảo: “Con nôn gặp bạn Thư, bạn Linh quá. Mấy tháng rồi không gặp, con nhớ các bạn lắm”.

Trước ngày tựu trường hai tuần, con gái nhắc ba mẹ cho đi nhà sách mua sắm đồ dùng học tập. Mua về, con tự tay bao tập bằng giấy bóng kiếng để sách vở luôn sạch sẽ, đỡ bị hư gáy, rồi tự tay dán nhãn vở. Mẹ mua cho mấy bộ đồng phục mới, con cũng tự đi giặt vì cô dặn “Năm nay tụi con lớn nhất trường, phải làm gương cho các em khối dưới”. Rồi con lại thu dọn đống sách vở, đồ dùng học tập cũ và đồng phục cũ để gọn một chỗ và nhờ vả: “Tối ba chở đến cho cô H. ở đầu hẻm. Hôm trước con thấy cô ghé qua dặn con gom lại để cô gửi cho các em ở những nơi khó khăn”. Một sự thay đổi tích cực không hề nhẹ. Lòng tôi có chút hân hoan khi chứng kiến cô con gái bé bỏng mới ngày nào lẫm chẫm bước chân vào ngôi trường tiểu học, vừa đi vừa quệt nước mắt, giờ đã chững chạc, biết ý thức tự lập và chia sẻ cùng bạn. Thực ra, đó là kết quả từ những giờ học đạo đức trên lớp, những buổi ngoại khóa, những câu chuyện “Quà tặng cuộc sống” trên ti vi, những trang sách “Hạt giống tâm hồn” mà con gái đã được tiếp cận gần đây.

Bộ đồ dùng học tập mới với con gái tôi có thể là điều hiển nhiên, bình thường, cũng như bao đứa trẻ khác ở thành phố này khi bước vào năm học mới. Nhưng, lời nhờ vả của con nhắc tôi nghĩ đến những HS ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị ảnh hưởng bởi bão lũ đang ngày ngày đối mặt với bao khó khăn, vất vả trên con đường đến trường. Các em thiếu thốn đủ bề, từ trường, lớp đến đồ dùng học tập. Những ngày này, đâu đâu cũng thấy hình ảnh và thông tin cộng đồng xã hội chung tay tiếp sức HS, sinh viên (SV) đến trường. Các cơ quan, đoàn thể, đơn vị, DN, cá nhân hảo tâm đã thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa như: tặng xe đạp, dụng cụ học tập, trao học bổng, mua sắm trang thiết bị trường học, hỗ trợ tiền xây cầu… cho HS có hoàn cảnh khó khăn, HS ở những vùng giao thông cách trở. Những việc làm đó thể hiện truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc ta từ bao đời nay. Nhờ những hoạt động tiếp sức đó, nhiều HS, SV đã có động lực để vượt qua khó khăn, tiếp tục nuôi dưỡng và hoàn thành giấc mơ đến trường rồi quay trở lại “tiếp sức” cho những thế hệ HS, SV đi sau.

Năm học 2019-2020, ngành GD-ĐT tiếp tục thực hiện nhiều đổi mới trong hoạt động giáo dục. Ngoài những đổi mới về chương trình dạy và học, vấn đề tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho HS cũng được đặc biệt quan tâm. Trong đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho HS ngay trong năm học này. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh nội dung mang tính cốt lõi trong các giải pháp tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho HS là việc đổi mới dạy học môn Đạo đức, môn Giáo dục công dân, đổi mới các hình thức sinh hoạt Đoàn, Đội, làm tốt hơn hoạt động tư vấn tâm lý, giáo dục kỹ năng sống cho HS.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ đổi mới của toàn ngành, ngành giáo dục còn thực hiện một số nhiệm vụ đổi mới theo yêu cầu của riêng địa phương. Trong đó, nội dung bố trí 1 tiết dạy đọc sách/tuần từ bậc tiểu học đến THPT là điểm mới khá đặc biệt từ năm học mới 2019-2020. Nội dung này được tổ chức tốt sẽ góp phần nuôi dưỡng tình yêu sách, nâng cao văn hóa đọc trong HS. Đồng thời, các em còn chắt lọc được những giá trị tốt đẹp trong sách, từ đó hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống, để trở thành những con người có ích cho xã hội, biết san sẻ yêu thương, giúp đỡ người khó khăn hơn mình.

NGUYỄN ĐỨC

.
.
.