Bán lẻ nội trỗi dậy!
Tại BR-VT, doanh thu trong tháng đầu của 2 cửa hàng mới khai trương của Bách Hoá Xanh trong tháng 5/2019 đạt 1,7 tỉ đồng/cửa hàng, cao hơn nhiều mức trung bình của toàn chuỗi với lượng khách ra vào khá cao, đạt 550 lượt/ngày.
Người tiêu dùng tinh ý nhận ra trong cuộc đua mở rộng điểm bán, Bách Hóa Xanh mang tham vọng thu hút khách hàng bằng các mặt hàng rau, củ, quả, thịt cá tươi sống ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn vệ sinh trong khi VinMart+ hướng tới giải pháp mua sắm tiện lợi cho người bận rộn với nhiều sản phẩm chế biến sẵn.
Với lợi thế về nguồn hàng giá rẻ, phong cách phục vụ chuyên nghiệp, am hiểu văn hóa tiêu dùng, đặc biệt là sự thâm nhập vào từng ngóc ngách đô thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi Vinmart+ và Bách Hóa Xanh không chỉ tạo ra một đối trọng đáng kể với các chuỗi cửa hàng nhỏ như Robinson, B’smart, 7-Eleven, Circle K, Guardian, Family Mart, GS25 mà còn khiến chủ các các cửa hàng, đại lý bách hoá bán lẻ đứng ngồi không yên.
Từ Saigon Co.op với 100 siêu thị, 3 đại siêu thị, 3 trung tâm thương mại, hơn 450 cửa hàng Co.op Food và Co.op Smile đến hệ thống cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc, VinMart Cook, siêu thị ảo Vinmart 4.0 và chuỗi cửa hàng tiện lợi Bách Hóa Xanh… cho thấy thị trường bán lẻ Việt phát triển mạnh mẽ, tạo ra hiệu ứng thúc đẩy các nhà bán lẻ trong nước cùng lớn mạnh theo thời gian. Trong cuộc đua hấp dẫn này, các DN đã thể hiện tầm nhìn xa, có chiến lược, phương thức kinh doanh rõ ràng. Ngoài nguồn vốn dồi dào, hàng hoá đa dạng, phong phú, tính chuyên nghiệp và kỹ năng quản trị cao, các DN đã biết tận dụng những lợi thế “sân nhà”.
Tỷ lệ hàng Việt tại các siêu thị vẫn được duy trì ở mức trên 80% trong khi tại các hệ siêu thị nước ngoài chiếm từ 65-95% và tại các chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi từ 60% trở lên.
Tuy vậy, tốc độ mở điểm, phát triển hệ thống chưa thể nói lên tất cả.
Hàng loạt các thương vụ mua bán, sáp nhập thời gian qua được thực hiện bởi những bàn tay của các đại gia bán lẻ nước ngoài đã khiến cho ngành bán lẻ Việt nhiều phen điêu đứng. Thị phần ở kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại vẫn do các đại gia bán lẻ nước ngoài nắm giữ; Các DN bán lẻ trong nước còn gặp phải nhiều vướng mắc từ chính sách và thực thi chính sách của Nhà nước… Nguy cơ mất sân nhà của các DN bán lẻ nội vẫn còn hiện hữu.
Thị phần thị trường bán lẻ Việt Nam hiện chỉ mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ. Có nghĩa là dư địa phát triển của thị trường bán lẻ vẫn còn lớn, trong đó “phân khúc” không kém phần quan trọng là thị trường nông thôn, vùng sâu vùng xa. Các “ông lớn” bán lẻ nước ngoài dù kinh nhiệm đầy mình cũng không thể hiểu hết nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng nông thôn. Do vậy, nếu biết chiếm lĩnh và phát triển mạng lưới bán lẻ tại thị trường nông thôn, các DN bán lẻ Việt Nam sẽ giành phần thắng. Những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn thời gian qua cho thấy người tiêu dùng ở đây đã đón nhận nồng nhiệt như thế nào.
Ngoài các chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi cho việc hình thành, phát triển thị trường bán lẻ, Nhà nước cần có chính sách phù hợp bảo vệ các nhà bán lẻ nhỏ, bảo vệ hàng hóa và thị trường trong nước trước sự cạnh tranh của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ. Bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam mong mỏi.
Để tiếp tục trỗi dậy, cạnh tranh sòng phẳng với các nhà bán lẻ nước ngoài, điều cần làm với các DN nội vào lúc này là tạo ra sự thay đổi trong cấu trúc ngành bán lẻ, nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ, cải thiện chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, trong đó việc quan trọng là sớm ứng dụng công nghệ mới, tích hợp mô hình bán lẻ đa kênh để đón đầu tất cả các nhu cầu mua sắm của khách hàng.
NGUYỄN TRIỆU HẢI