"Thay đổi để hạnh phúc"
Trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh, hình ảnh một ông bố ôm hôn con gái ngay trước cổng trường, khi kỳ thi vừa kết thúc đã gây xúc động nhiều người.
Xúc động không chỉ bởi lẽ hai bố con quá tình cảm, mà lại thể hiện ở nơi chốn đông người. Mà còn xúc động bởi cô học trò nhỏ nói rằng con đọc đề không hiểu, con chỉ làm được ít thôi và rơi nước mắt trên vai cha mình. Người cha lau nước mắt cho con và bảo: “Không sao, không sao con. Cười đi nào. Nào đi về nhà nào”. Rồi anh nói đùa một vài câu, cố gắng để thấy ở miệng con nụ cười..
“Thật xúc động khi chứng kiến cha động viên con gái sau giờ thi như thế. Nhiều người thấy con không làm được bài là la mắng, hờn trách, ở đây người cha ôm con, xoa dịu, khiến con an lòng. Chỉ cần có cha mẹ như vậy, kết quả thi như thế nào thì con cũng là người hạnh phúc nhất rồi”, đó là cảm xúc được bật ra từ một người chứng kiến cảnh ấy ở cổng trường.
Đúng vậy, dù con thi cử có kết quả thế nào thì con vẫn là con yêu của ba mẹ và ba mẹ luôn là điểm tựa, là nguồn động viên tinh thần lớn nhất cho con trong cuộc sống để con trưởng thành, là một người hạnh phúc.
Có một câu chuyện khác khiến không ít người xúc động. Một ông bố đã đồng hành với đứa con mắc hội chứng Down của mình, đi học cùng con, chơi cùng con, ông bố ấy đã biến cậu bé khác biệt trở nên bình thường. Suốt hơn 30 năm trời, ông bố đã bỏ hết mọi công việc để dẫn con đi học các lớp kỹ năng với hi vọng giúp con trở thành người bình thường. Và ông đã thành công, từ một cậu bé bị Down, cậu bé ấy bắt đầu phát triển như người bình thường với khả năng nghe nói tiếng Anh, thành thạo vi tính. Ngoài ra, cậu còn là võ sư đai nâu bộ môn Aikido. Cậu bé ngày nào giờ đã là chàng trai trưởng thành, hòa nhập cộng đồng trong vòng tay yêu thương của ba mẹ mình. Và bí quyết của ông bố ấy là đồng hành cùng con với tất cả tình yêu thương, nâng đỡ, không đòn roi, không áp lực, tạo cho con sự tự tin rằng con có thể, kể cả việc con vượt qua các kỳ thi, thu nạp kiến thức, kỹ năng cho mình!
Cách đây chưa lâu, con gái nhỏ của tôi đã rụt rè nói rằng, do sơ suất, có lẽ con chỉ được 7 điểm toán thôi mẹ ạ, mẹ đừng la con nhé. Sự lo lắng pha lẫn một chút của nỗi sợ hãi lóe lên trong ánh mắt còn ngây thơ của một cô bé 13 tuổi khiến cho tôi không khỏi chạnh lòng. Phải, tôi-có lẽ đã sai khi vô tình tạo cho con những áp lực không đáng có, để rồi có thể con sẽ phải đối phó với nỗi sợ ấy, thậm chí, biết đâu con có thể không vượt qua được… Và hậu quả thấy rõ là con đã phải rất lo lắng, băn khoăn, không vui vẻ gì trong suốt thời gian ở trường, trên đường về nhà khi biết điểm toán của mình chỉ được 7.
Từ những câu chuyện trên, khiến nhiều ông bố, bà mẹ phải suy ngẫm, chúng ta đã dành nhiều thời gian, dành nhiều tình yêu thương và dạy bảo con cái chúng ta đúng cách hay chưa? Khi mà các kỳ thi cuối cấp, đầu cấp đang vào mùa. Không những vậy, trong suốt quá trình đồng hành với con, ngay từ khi con còn nhỏ, chúng ta đã nên tạo cho con sự tự tin, được là chính mình. Và tình yêu thương luôn là “liều thuốc thần” dễ khiến cho bất cứ ai, ở lứa tuổi nào cũng sẽ nỗ lực để phấn đấu đạt được ước mơ.
Dư luận đã rất hoan nghênh khi mới đây, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức lễ phát động “Triển khai kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc”. Sâu xa của cuộc vận động là nhằm tạo ra một trường học hạnh phúc mà ở đó mỗi đứa trẻ đến trường đều nhận được tình yêu thương, nâng đỡ từ thầy cô giáo. Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã nhấn mạnh đến ba tiêu chí của cuộc vận động là “Yêu thương”, “An toàn”, “Tôn trọng”. Ông Nhạ cho rằng cần tôn trọng sự khác biệt của học sinh, thấu hiểu, chia sẻ và hỗ trợ học sinh vượt qua khó khăn.
Điều đặc biệt ở cuộc vận động “Thay đổi vì một trường học hạnh phúc” là có sự kết nối giữa giáo viên, phụ huynh và học sinh mà trước mắt là mỗi “thầy cô chúng ta thay đổi”; không tạo áp lực cho học sinh ở trên lớp cũng như về nhà, loại bỏ bệnh thành tích, hướng học sinh đến những hoạt động tích cực mà ở đó có sự lan tỏa của yêu thương. Trên thực tế, trong suốt vài ba năm qua, tại Quảng Trị, một số trường học đã xây dựng những “Lớp học hạnh phúc” với việc “thầy cô chúng ta đã thay đổi” để là người nâng đỡ, truyền cảm hứng, tạo sự tự tin cho học sinh, giúp các em được là chính mình, vui khi đến trường, hạnh phúc khi trở về nhà.
“Thay đổi để hạnh phúc” là một cụm từ nghe có vẻ đơn giản, nhưng không dễ để thực hiện, bởi những thói quen đã ăn sâu trong tiềm thức, phải mất rất nhiều thời gian, công sức của cả cộng đồng, mỗi gia đình, mỗi cá nhân nỗ lực từng chút một, trong mỗi việc nhỏ nhất. Thay đổi nên bắt đầu từ mỗi người lớn, để lan tỏa đến trẻ nhỏ, từ thói quen sẽ tạo nên tính cách, hành vi ở trẻ khi trưởng thành.
SƠN TRÀ