.

Xử lý dứt điểm quy hoạch "treo"

Cập nhật: 19:02, 04/06/2019 (GMT+7)

Xử lý dứt điểm quy hoạch “treo” là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch quản lý, sử dụng đất tại đô thị ngày 27-5 vừa qua. Một loạt các dự án án mang tính “tranh phần, xí chỗ” ở nhiều địa phương đã được các đại biểu dẫn chứng cho tình trạng quy hoạch “treo” gây lãng phí nguồn lực xã hội, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.“Để tránh việc chậm không triển khai quy hoạch treo, dự án treo, cần quy định rõ thời gian phải triển khai, hoàn thành triển khai dự án quy hoạch đã được phê duyệt. Có chế tài quy định rõ ràng trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại chậm, không triển khai dự án quy hoạch gây ra”. Đại biểu Lê Công Đỉnh của Long An nói.

Quy hoạch “treo” - theo cách hiểu hiện nay là quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt, đã công bố, nhưng không thực hiện qua hết năm này đến tháng khác. Theo quy định của Luật Ðất đai, nếu sau 3 năm đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà dự án chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan có thẩm quyền phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ và phải công bố”. Có nghĩa là, đối với các quy hoạch, dự án sau 3 năm mà không thực hiện và cũng không điều chỉnh hoặc hủy bỏ thì được coi là “quy hoạch “treo”. Vậy mà trên thực tế, có những dự án quy hoạch xây dựng KCN, khu đô thị mới.v.v… “treo” đến 10-20 năm - thậm chí có dự án kéo dài gần 30 năm vẫn không được các địa phương gỡ bỏ khiến những nhu cầu bức thiết của người dân cũng bị “treo” theo. Đất bị bỏ hoang đã đành mà nhà dân trong vùng đất quy hoạch cũng không được phép sửa chữa, xây dựng lại, muốn sang nhượng, bán nhà cũng không xong. Thống kê chưa đầy đủ của Bộ Tài nguyên-Môi trường cho biết, cả nước hiện đang tồn tại hàng ngàn dự án chậm tiến độ hoặc không triển khai. Dưới góc độ kinh tế, nếu tính theo giá trị đất hiện nay, đang có hàng trăm ngàn tỷ đồng bị lãng phí từ số diện tích đất đang bị “treo” này. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói nguyên nhân chính gây ra nhiều dự án treo là do công tác quản lý nhà nước về quản lý, quy hoạch, sử dụng đất đai còn nhiều hạn chế; Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát sử dụng đất đai còn thiếu chặt chẽ, chậm phát hiện những sai phạm, thậm chí đã phát hiện sai phạm nhưng không xử lý, để lại những hậu quả phức tạp, nặng nề.

Đánh giá của Phó Thủ tướng về vấn đề này là khách quan và đúng sự thật. Rõ ràng đó là hệ quả của sự yếu kém, nhận thức đơn giản của người làm công tác quy hoạch, tầm nhìn và tư duy hạn hẹp của người phê duyệt quy hoạch và nhất là vì lợi ích nhóm; Hàng trăm dự án thiếu tính khả thi với hàng ngàn ha đất “bờ xôi ruộng mật”, đắc địa bị nhà đầu tư chi phối, dẫn dắt làm thay đổi quy hoạch, thậm chí làm nát quy hoạch ban đầu khiến cho đất thuộc dự án “treo” bị lấn chiếm, các hộ dân có đất trong dự án lâm vào tình trạng đi không được, ở cũng không xong.

Không phải mới đây mà trong nhiều kỳ họp trước, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ bức xúc về tình trạng quy hoạch “treo” gây lãng phí, thất thoát cho ngân sách và đề nghị Chính phủ cần phải làm rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương để xảy ra tình trạng trên. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhiều lần nhắc nhở các địa phương quy hoạch nhưng vẫn phải bảo đảm quyền lợi của người dân; Những quy hoạch nào bất hợp lý, không khả thi thì phải hủy bỏ và công bố cho nhân dân biết. Thế nhưng, việc xóa bỏ quy hoạch “treo” ở nhiều địa phương vẫn chưa dứt điểm được dù đã nhiều lần đề ra các mốc thời gian xóa “treo”.

Xóa bỏ quy hoạch “treo” không phải là chuyện quá khó với các địa phương. Bằng chứng là nhiều năm trước đây, tỉnh Long An đã thu hồi 3.000 ha đất từng là “bờ xôi ruộng mật” bị bỏ hoang 5, 6 năm trời cho cỏ mọc, trả về lại cho nông dân làm cánh đồng mẫu lớn. Long An đã cho dư luận thấy rằng tỉnh này đã nói được và làm được. Vấn đề là các địa phương có quyết tâm xóa bỏ quy hoạch “treo” hay không, có thực sự đặt lợi ích chính đáng của người dân lên trên lợi ích nhóm hay không, các bộ ngành có tăng cường quản lý quy hoạch, kiểm tra, thanh tra, giám sát để can thiệp khi một địa phương nào đó để lợi ích nhóm điều chỉnh cả quy hoạch hay không?!

NGUYỄN TRIỆU HẢI

.
.
.