.

Ứng xử có văn hóa trên mạng xã hội

Cập nhật: 08:20, 07/06/2019 (GMT+7)

Cuối tháng 5/2019, tại TP. Hưng Yên đã diễn ra hội thảo về sự “sống chung” và “ứng xử có văn hóa” trên mạng xã hội, do các báo Đảng địa phương phía Bắc tổ chức. 

Hôm đó, xứ sở nhãn mưa dông, trời mát mẻ giữa mùa hè bỏng rát. Nhưng bên trong, phòng hội thảo “nóng” dần lên, luận bàn mỗi người một ý, sôi nổi, xôm tụ. Một nữ nhà báo dẫn chuyện trưởng khoa trường chính trị Trần Phú, tỉnh Hà Tĩnh bị cách các chức vụ cả trong Đảng và chính quyền.

Chuyện rằng, Trưởng khoa thường ngày giảng bài thật hăng say về “Văn hóa Đảng”, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, bỗng dưng “dở chứng” đăng đàn trên trang cá nhân facebook dựng chuyện, xuyên tạc sức khỏe lãnh đạo cấp cao, tung tin thất thiệt làm nhiễu dư luận. Làm việc tại trường chính trị tỉnh, đến chức trưởng khoa mà vi phạm như vậy về sử dụng mạng xã hội, bị xử kỷ luật cách chức vụ trong Đảng và chính quyền là cần thiết, là bài học cho cán bộ, công chức, viên chức nơi công sở.

Cùng thời điểm, một công chức cấp tỉnh ở Bình Định cũng tung bài bêu xấu một phó chủ tịch huyện trực thuộc tỉnh vì liên quan đến vụ tranh chấp đất đai làm cây xăng của gia đình. Facebook lên trang buổi sáng, buổi chiều phó chủ tịch huyện đã phát đơn kiện cán bộ nọ xuyên tạc, bôi nhọ mình, đề nghị cơ quan có trách nhiệm vào cuộc, xử lý. Người bị kiện phản pháo: “Ô hay, Facebook cá nhân của tôi là quyền của tôi. Tôi viết không chỉ đích danh ai cả, mắc mớ chi mà kiện tôi!”. Cái lý sự… cùn của người phản pháo, nghe sao đặng? Vụ việc hiện đang được cơ quan có trách nhiệm ở Bình Định xác minh làm rõ.

Đồng thời với 2 sự việc trên, cùng thời điểm này, lại có thêm một sự cố khác trên mạng xã hội. Một nữ phóng viên ở TP. Hồ Chí Minh tung bài lên trang cá nhân Facebook, thông tin không chính xác và sai trái, xúc phạm các thành viên Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 13. Thêm vào đó là những người cùng hội cùng thuyền - tát nước theo mưa, xuyên tạc và bôi nhọ một giải báo chí danh giá. Nhà báo này chính là tác giả một tác phẩm báo chí được Hội đồng sơ khảo - tập hợp những nhà báo giỏi, chuyên sâu thể loại, nhiều kinh nghiệm - đánh gia cao, xếp thứ tự cao nhất trong thể loại phóng sự điều tra loại hình báo in, để trình Hội đồng chung khảo. Nữ phóng viên này, do chưa thông tỏ điều lệ Giải đã vội vã có ý không xác đáng, lời lẽ nặng nề khi “bênh vực” một tác phẩm truyền hình cùng chủ đề - phản ánh cùng vụ việc của một đồng nghiệp khác, khi tác phẩm đó không vào vòng chung khảo. Theo đơn đề nghị (kèm lời xin lỗi) của Tổng biên tập báo X., đơn vị quản lý nữ phóng viên trên, với mức độ vi phạm của phóng viên này trên mạng xã hội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã loại tác phẩm (đáng lẽ sẽ đạt giải cao) của tác giả đó ra khỏi Giải. 

Cuộc hội thảo về ứng xử có văn hóa trên mạng xã hội tại TP. Hưng Yên thật cần thiết, đúng lúc. Thái độ ứng xử có văn hóa trước một sự kiện đòi hỏi người trong cuộc phải nắm bắt thông tin chính xác, am hiểu, tỏ tường mọi ngóc ngách, hiểu thấu căn nguyên của sự kiện. Chỉ có như vậy thì khi bày tỏ thái độ, chính kiến của mình mới đạt được độ chuẩn mực, có lý có tình. Việc to tiếng, lời lẽ nặng nề, không văn hóa, đả kích, xúc phạm tới người khác trên mạng xã hội, chẳng có ích lợi gì, ngoài việc gây thêm mâu thuẫn và xung đột không đáng có.

Thái độ ứng xử văn hóa rất cần ở mọi nơi, mọi lúc, mọi người, kể cả trên mạng xã hội. Sống chung với mạng xã hội, người ta ví như sống chung với lũ. Lũ như dòng thác cuồn cuộn chảy. Bất cứ ai, công chức, viên chức, nhà báo… nếu coi thường thác lũ, không có sự ứng xử đúng đắn, thiếu tỉnh táo, thiếu văn hóa, sự cẩn trọng cần thiết, rất dễ dàng rơi vào vòng nước xoáy của cơn lũ dữ.

TRIÊU DƯƠNG

 

.
.
.