.

Để thương hiệu Việt tự tin chinh phục thị trường

Cập nhật: 14:32, 31/05/2019 (GMT+7)
Đầu tháng 6 này, Công ty TNHH thực phẩm Amazon (TX. Phú Mỹ) sẽ xuất khẩu đi Nhật Bản 1.000 thanh chocolate hữu cơ sản xuất theo phương pháp thủ công. Đây là lô hàng chocolate hữu cơ đầu tiên “made in VietNam” xuất sang Nhật sau lễ ký kết độc quyền phân phối chocolate Bapula tại Nhật Bản giữa Công ty TNHH thực phẩm Amazon (đơn vị thành viên của HTX ca cao hữu cơ Châu Đức) với Tập đoàn Cpoint Corporation (Nhật Bản) và Công ty TNHH Mặt trời đỏ Vũng Tàu từ đầu tháng 4-2019.

Trong bối cảnh nhiều DN Việt Nam đang “chật vật” tìm cửa vào Nhật Bản thì đây là một điển hình vào thị trường vốn được xem là “khó tính” bậc nhất. Bởi lẽ, để xuất khẩu được vào thị trường này, sản phẩm của DN không chỉ phải đảm bảo chất lượng, quy trình sản xuất mà ngay cả vùng nguyên liệu cũng phải hội đủ các tiêu chuẩn khắt khe của đối tác Nhật Bản. Đặc biệt, với sản phẩm chocolate lâu nay vẫn được người tiêu dùng chỉ biết đến từ Bỉ, Thụy Sĩ, Đức... thì ngay tại BR-VT, sản phẩm chocolate đã chinh phục người Nhật với hương vị không thua kém bất cứ thương hiệu chocolate của các nước kể trên.

Theo đại diện Công ty TNHH thực phẩm Amazon, để đạt được tiêu chuẩn đảm bảo và xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, DN phải “chịu” đầu tư dây chuyền công nghệ, máy móc, cùng với đó là vùng nguyên liệu ổn định. Chính vì vậy, phía Tập đoàn Cpoint Corporation và Công ty TNHH thực phẩm Amazon đã ký kết về trồng ca cao hữu cơ theo công nghệ cao của Nhật Bản, với diện tích khoảng 40ha tại huyện Châu Đức, TP. Bà Rịa. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có đủ cơ hội và tiềm lực tài chính để đầu tư một lúc như vậy. Theo chia sẻ của một số DN, thách thức lớn nhất hiện nay của họ là bài toán tài chính để chuyên nghiệp hóa, xây dựng thương hiệu và mở rộng sản xuất. Đặc biệt, đối với các DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp thì đây vẫn đang là một rào cản lớn. Nhiều đối tác từ phía Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… đã ngỏ lời đặt hàng, thế nhưng vì sản xuất theo hướng thủ công, chưa đáp ứng đơn hàng lớn với những tiêu chuẩn khắt khe đã khiến cho các DN mất đi các cơ hội “vươn ra biển lớn”, thậm chí lép vế ngay tại sân nhà.

Ngay tại BR-VT, rất nhiều sản phẩm được xếp vào hàng đặc sản, tuy nhiên do chỉ ở dạng thô nên rất ít hoặc gần như không có giá trị gia tăng. Chẳng hạn như mật ong, rất nhiều thương hiệu được biết đến nhưng vẫn chỉ quẩn quanh mật ong nguyên chất và mật sữa ong chúa nên rất khó cạnh tranh. BR-VT cũng tự hào về hồ tiêu ngon nhất, thơm nhất, cay nồng nhất nhưng hiện nay nông dân trồng hồ tiêu lại đang “liêu xiêu” vì giá giảm xuống đáy. Trong khi đó, DN chế biến sâu để nâng cao giá trị hạt hồ tiêu, đáp ứng thị trường xuất khẩu sản phẩm này hầu như không có…

Không thể phủ nhận trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, nhiều DN đang góp phần đưa thương hiệu và quảng bá các sản phẩm “Made in Vietnam” ra ngoài thế giới ngày càng mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong quá trình này, DN rất cần sự chung tay của các cơ quan nhà nước trong việc hỗ trợ xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, tháo gỡ khó khăn trong chính sách tiếp cận vốn. Đồng thời, giúp DN phát triển, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng và tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, trở thành niềm tự hào cho mỗi người dân khi nhắc đến sản phẩm của Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.

NGÔ GIA

.
.
.