Ô nhiễm không khí
Tòa hành chính Montreuil ở phía Đông thủ đô Paris, Pháp ngày 28-5 mới đây đã mở phiên xử chưa từng có tiền lệ khi hai mẹ con cùng đâm đơn kiện nước Pháp vì để xảy ra ô nhiễm không khí làm ảnh hưởng sức khỏe. Thông tin trên Hãng tin AFP cho hay, hai mẹ con nguyên đơn cho rằng chính quyền đã không có các biện pháp hữu hiệu để chống ô nhiễm không khí, đặc biệt khi Paris rơi vào tình trạng ô nhiễm nặng nề hồi tháng 12-2016. Nguyên đơn đòi chính phủ bồi thường thiệt hại 160.000 euro (gần 4,2 tỷ đồng) vì cho rằng tình trạng ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề hô hấp của họ, buộc người mẹ 52 tuổi phải nghỉ làm một thời gian, còn cô con gái 16 tuổi bị chứng hen suyễn.
Hai mẹ con sinh sống ở Saint-Ouen, vùng ngoại ô phía Bắc Paris, ngay cạnh đường vành đai Péripherique, nơi có tới 1,1 triệu xe lưu thông mỗi ngày. Con đường này được mở vào năm 1973, bị coi là “cơn ác mộng” đối với 100.000 người dân khu vực xung quanh do mức độ ô nhiễm cao với lưu lượng giao thông cao và nạn tắc đường thường xuyên. Họ đã phải chuyển nhà sang thành phố Orleans theo lời khuyên của bác sĩ vì không chịu nổi cảnh ô nhiễm.
Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra khoảng 48.000 ca chết trước tuổi trung bình ở Pháp mỗi năm. Việc khởi kiện của hai mẹ con kể trên như là “giọt nước tràn ly”, cho thấy tình trạng ô nhiễm không khí đang cần phải gióng lên hồi chuông báo động và có sự vào cuộc quyết liệt không chỉ từ phía chính quyền.
Nhưng ô nhiễm không khí không chỉ là câu chuyện của nước Pháp mà đang trở thành vấn đề cần được giải quyết trên toàn cầu. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương có gần 4 triệu người. Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 10 người thì 9 người hít phải bầu không khí ô nhiễm, khiến 7 triệu trẻ sinh non tử vong mỗi năm. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế với khoảng 92% người dân trên toàn thế giới không được hít thở không khí sạch, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5 ngàn tỷ đô la mỗi năm. Ô nhiễm ôzôn trên mặt đất dự kiến sẽ làm giảm 26% năng suất cây trồng chủ lực vào năm 2030. Ô nhiễm không khí đã và đang là một thách thức lớn đối với cộng đồng và toàn xã hội.
Tại BR-VT, ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm không khí cũng đang trong tình trạng “báo động”. Đó là việc xả thải của các cơ sở chăn nuôi và các cơ sở chế biến cao su, tinh bột mì; khai thác, chế biến khoáng sản. Các nhà máy phát sinh khí thải công nghiệp lớn trong KCN như sản xuất thép, thuộc da, tinh bột mì… đang nằm trong danh sách có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đặc biệt là ô nhiễm không khí. Những bãi biển thơ mộng cũng đang chịu ảnh hưởng bởi mùi hôi thối từ nước thải bốc lên nồng nặc bởi hoạt động chế biến thủy sản và rác thải như khu phố Hải Hà (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền). Những con đường có danh xưng là “đẹp nhất Việt Nam” nhưng mỗi lần đi qua lại phải đưa tay lên bịt mũi vì mùi hôi từ các cơ sở chế biến hải sản, cơ sở chăn nuôi heo và rác thải hai bên đường… UBND tỉnh cũng xác định 10 “điểm nóng” ô nhiễm môi trường đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân cũng như sự phát triển của tỉnh cần được xử lý nhanh chóng triệt để.
Năm nay, chương trình Môi trường Liên hợp quốc đã đưa ra chủ đề hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5-6 là “Ô nhiễm không khí” nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia, cộng đồng và xã hội cùng hành động để cải thiện chất lượng môi trường không khí ở tất cả các thành phố và khu vực trên toàn thế giới. Hơn lúc nào hết, trong mỗi chúng ta hãy hành động để thay đổi cuộc sống hàng ngày, giảm lượng ô nhiễm không khí thải ra môi trường, ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm không khí gây nên sự nóng lên toàn cầu và ảnh hưởng tới sức khỏe của mỗi người. Trồng thêm nhiều cây xanh, hạn chế sử dụng túi ni lông, không sử dụng ước uống đóng chai nhựa, ống hút nhựa, các vật dụng như ly, dĩa, muỗng sử dụng một lần bằng nhựa… Đó cũng là cách để góp phần xây dựng BR-VT có một không gian đáng sống, văn minh, trong lành như mục tiêu mà tỉnh đã đặt ra.
NGÔ GIA