Chung tay ươm mầm non cho đất nước
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, trẻ em là những “công dân đặc biệt” - những mầm xanh của đất nước. Người không chỉ coi “trẻ em Việt Nam đều là con của tôi”, mà còn đặt niềm tin, kỳ vọng lớn ở các cháu – thế hệ trẻ sẽ đưa đất nước “bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu”. Trong tư tưởng của Người luôn nhất quán quan điểm: Bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là nhiệm vụ chiến lược của Đảng, của quốc gia, dân tộc “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người”.
Bác từng nói: “Cái mầm có xanh thì cây mới vững, cái búp có xanh thì lá mới tươi tốt, con trẻ có được nuôi dưỡng giáo dục hẳn hoi thì dân tộc mới tự cường tự lập”. Từ rất sớm Người đã giao trách nhiệm: “Giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân” và trước khi từ biệt chúng ta, Người còn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”.
Thấm nhuần lời dạy của Người, ngay sau cách mạng thành công, trẻ em được hưởng những giá trị đích thực của độc lập, tự do. Trước nạn giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, các em vẫn được che chở, giáo dục, chăm sóc trong từng gia đình, dưới từng mái trường và trong xã hội. Tiếp tục thực hiện lời hứa của Bác: “Kháng chiến thành công, Bác và Chính phủ cùng với nhân dân sẽ cố gắng làm cho các cháu cùng được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng”; hơn 30 năm đổi mới, từ gia đình đến nhà trường, từ hệ thống chính trị đến toàn xã hội đã và đang dành những gì tốt nhất cho trẻ em. Năm 1989, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em – Văn kiện pháp lý Quốc tế đầu tiên đề cập toàn diện đến quyền trẻ em dựa trên nguyên tắc trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt. Luật Trẻ em được Quốc hội thông qua năm 2016 và đến nay Việt Nam đã có hành lang pháp lý đầy đủ, hoàn chỉnh bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Mọi nguồn lực xã hội được huy động và tập trung tối đa xây dựng cơ sở vật chất rộng khắp, khang trang, sạch đẹp đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập, rèn luyện, vui chơi, giải trí của các cháu; nhiều sân chơi sinh động, hấp dẫn, bổ ích dành riêng cho các em ra đời; tiếng nói của trẻ em liên quan đến bản thân, gia đình, cộng đồng được khuyến khích, tôn trọng và cả xã hội đang mở rộng tấm lòng chở che, nuôi nấng những trẻ nhỏ gặp cảnh đời bất hạnh...
Tuy nhiên chúng ta không khỏi lo lắng khi trẻ em, nhất là ở những vùng đặc biệt khó khăn còn thiếu chỗ học, chỗ chơi; nhiều khu chung cư không có nhà giữ trẻ, mẫu giáo. Trẻ em hư, bỏ học, lang thang bụi đời, sa vào nghiện ngập game, tệ nạn xã hội, lối sống trái thuần phong, mỹ tục, vi phạm pháp luật… vẫn còn xuất hiện đây đó. Từ nhận thức không đúng, nên để xảy ra trình trạng lệch lạc: Không ít gia đình nuông chiều con, bao cấp từ những việc nhỏ nhất, không quan tâm kèm cặp dạy bảo, quản lý, thả nổi mặc cho con cái tự do. Lại không ít trẻ sống trong gia đình quá khắt khe, áp đặt, cấm đoán, bắt vùi đầu suốt ngày chỉ có học và học, không bao giờ biết con cần gì và chưa khi nào chịu “lắng nghe trẻ em nói”. Cũng không ít trẻ hiện sống trong gia đình “không trọn vẹn”, hoặc là cha mẹ ly hôn nên thiếu tình thương và sự chăm sóc, hoặc cha mẹ vin vào bận rộn công việc không có thời gian quan tâm, phó mặc cho con, cho nhà trường và xã hội. Không ít trẻ em hiện vẫn sống trong ngôi nhà, trường học và cộng đồng chưa an toàn. Nạn bạo hành trẻ em diễn ra ngay trong ngôi nhà của trẻ sinh sống, trong ngôi trường mà trẻ theo học đang có chiều hướng gia tăng và để lại hậu quả thương tâm; tình trạng trẻ bị xâm hại tình dục vẫn diễn ra phức tạp, chưa được can thiệp, xử lý kịp thời, đúng mức; tai nạn giao thông, đuối nước, bị lạm dụng lao động, cưỡng ép tảo hôn… chưa được ngăn chặn, đẩy lùi!
Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Vì tương lai con em chúng ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc, giáo dục các cháu bé cho tốt” và Người giao nhiệm vụ cho gia đình, nhà trường, đoàn thanh niên, anh chị phụ trách đội “Khéo giáo dục để mai sau thiếu niên trở thành người công dân có tài, có đức”. Giáo dục trẻ em là một khoa học, người nói: “Dạy trẻ như trồng cây non. Trông cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này cháu trở thành người tốt”. Với thể chất non nớt, tâm hồn trong sáng, ngây thơ “như búp trên cành”, Người dặn: “Đừng dạy các em thành những ông cụ non”, mà cần lắm tấm lòng yêu trẻ, biết nâng niu, kiên trì, bền bỉ, có phương pháp giáo dục thích hợp. Và phải làm sao để: “Trong lúc học cần phải làm cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần cho chúng học. Ở trong nhà, trong trường, trong xã hội chúng đều vui, đều học”.
NGUYỄN QUANG PHI