DỘI GÁO NƯỚC LẠNH VÀO QUAN HỆ VIỆT – MỸ
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa công bố bản Báo cáo hàng năm về “Tự do Tôn giáo”, theo đó xếp Việt Nam vào danh sách “nước cần quan tâm đặc biệt”. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không xem xét vấn đề tôn giáo ở Việt Nam một cách khách quan, cơ bản, có hệ thống mà chỉ dựa vào một vài thông tin sai lệch, phiến diện để nói bừa rằng, tại Việt Nam đang có nhiều “tù nhân tôn giáo”, “cưỡng ép bỏ đạo”, tôn giáo “bị đàn áp”. “Nước cần quan tâm đặc biệt”, thông thường đó là sự khởi động về dư luận, để trong trường hợp cần thiết, Mỹ có thể áp dụng biện pháp “trừng phạt” – ít nhất là một khía cạnh kinh tế nào đó (?)
Hoa Kỳ chỉ là một quốc gia, hà cớ gì mà đi phán xét công việc nội bộ của một quốc gia khác? Rỗi công nói chuyện người nhưng lại nói sai sự thật, bóp méo, xuyên tạc thực tế. Vì sao họ lại cố tình dựng lên những chuyện không có thực về tôn giáo ở Việt Nam?
Trước hết, xin thưa với các quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ: Tình hình tôn giáo ở Việt Nam không có điều gì quý vị đáng phải bận tâm; Thực tế tình hình tôn giáo trên đất nước này là quang minh chính đại, tốt đẹp, điều ấy rõ như ban ngày. Việt Nam với hơn 20 triệu tín đồ tôn giáo, chiếm một phần tư số dân cả nước. Tại Việt Nam có 6.000 nhà thờ Công Giáo; 500 nhà thờ đạo Tin Lành; 1.000 thánh thất đạo Cao Đài; 200 chùa quán Hòa Hảo; 89 thánh đường Hồi Giáo; hơn 14.300 ngôi chùa, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường cùng hàng vạn ngôi đình, miếu phủ. Số lượng các trường đào tạo tôn giáo, các chức sắc tôn giáo tăng gấp nhiều lần so với thời kỳ trước giải phóng. Chỉ tính riêng Công Giáo đã có 5 đại chủng viện; Phật Giáo có 3 trường Phật học cao cấp, hàng năm đào tạo hàng trăm chức sắc coi sóc việc đạo. Năm 2002 - 2003, mỗi năm các tôn giáo đã có khoảng 400 đầu sách được Nhà nước cho xuất bản, in ấn với số lượng khá lớn. Tại các tỉnh Tây Nguyên, khu vực mà Hoa Kỳ có sự quan tâm một cách không bình thường, đã có lúc Hoa Kỳ công khai lên tiếng rằng Việt Nam “đàn áp tôn giáo - người Thượng”, hiện có 36 vạn tín đồ Tin Lành, tăng 6 lần so với năm 1975, cùng hàng chục vạn người dân có đạo khác.
Hơn 80 triệu người Việt Nam khắp mọi miền đất nước hoàn toàn tự nguyện và tự do theo đạo hoặc không theo đạo; các cấp chính quyền tạo mọi điều kiện thuận lợi để mọi người tự do hành đạo, trong khuôn khổ pháp luật. Ở Việt Nam , từ các đô thị đến vùng nông thôn rộng lớn, khắp trong Nam, ngoài Bắc, từ miền ngược đến miền xuôi, đồng bào các tôn giáo đều có cuộc sống bình đẳng, tươi vui, hạnh phúc trong lòng dân tộc.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cần biết rằng, từ lâu Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam rất nhất quán trong quan điểm về tôn giáo, rằng tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đã, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong suốt quá trình xây dựng đất nước phát triển, phồn vinh. Hiến Pháp Việt Nam, từ bản Hiến Pháp đầu tiên ra đời năm 1946, đến bản Hiến Pháp sửa đổi năm 1992 đều khẳng định, mọi công dân Việt Nam đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc không tín ngưỡng, tôn giáo. Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 1 năm 2003, đã thông qua Nghị quyết 25- NQ/TW “Về công tác Tôn giáo”, tiếp tục khẳng định chính sách chăm lo xây dựng cuộc sống mới “ tốt đời đẹp đạo “ cho đồng bào các tôn giáo; tiếp tục khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi công dân. Mới đây nhất, ngày 18 tháng 6 năm 2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã công bố Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, Luật hoá những quan điểm tư tưởng cơ bản của Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ bảy.
Hẳn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ biết rõ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới, luôn luôn coi đồng bào các tôn giáo là “anh em một nhà “. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã dành nhiều lời ca ngợi sự từ bi của Đức Phật, lòng nhân ái của Đức Giêsu; Người tự nhận “ làm người học trò nhỏ của các vị ấy “. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về chúa Giêsu với sự kính trọng : “Gần 20 thế kỷ trước, một vị thánh nhân đã ra đời. Cả đời chúa Giêsu chỉ lo cho cứu thế độ dân, hy sinh cho tự do, bình đẳng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh được đồng bào các tôn giáo yêu kính. Người nói: “Tôi kính cẩn cầu Đức Chúa phù hộ dân tộc Việt Nam và giúp cho dân tộc Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng”. Người hết lòng chăm lo đến nguyện vọng của người có đạo “phần xác ấm no, phần hồn thong dong”. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam. Ngày nay, Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam, tiếp bước con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra, đã và đang tạo mọi điều kiện thuận lợi, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào các tôn giáo; xây dựng cuộc sống mới “tốt đời đẹp đạo” trong quần chúng tín đồ, chức sắc, nhà tu hành.
Thực tế cuộc sống tự do tín ngưỡng “ tốt đời đẹp đạo” của 20 triệu đồng bào các tôn giáo Việt Nam là bằng chứng sinh động, có sức thuyết phục hơn mọi lời nói. Một vị linh mục thuộc giáo xứ Bà Rịa – Vũng Tàu đã khẳng định: “ Mọi công dân Việt Nam đều hoàn toàn được tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Khắp cả nước, đâu đâu lương giáo cũng thuận hòa, đoàn kết, bà con giáo dân ai ai cũng được chính quyền chăm lo cuộc sống an bình, được quyền bình đẳng và hạnh phúc”. Kể từ ngày đất nước đổi mới, các tôn giáo ở Việt Nam đã có những thay đổi rõ nét. Nơi nào cũng thấy nhà thờ, chùa chiền, thánh thất… được tu sửa, xây mới khang trang, to đẹp.
Một số kẻ thù địch, thiếu thiện chí từ Mỹ và phương Tây đã tiếp tay cho các lực lượng chống đối ở Tây Nguyên gây bạo động chính trị hòng lật đổ chính quyền cách mạng nơi đây; Rồi cũng chính họ lớn tiếng xuyên tạc, vu cáo Nhà nước Việt Nam đàn áp tôn giáo. Nhưng bàn tay không che nổi mặt trời. Việt Nam đã mời nhiều nhà quan sát, các nhà báo Mỹ và phương Tây đến Tây Nguyên để họ được mắt thấy tai nghe, chứng kiến những sự thật không thể chối cãi về chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Và chính họ, chứ không phải ai khác đã thừa nhận, ở Tây Nguyên, mọi việc không phải như người ta nói, tại đó không có chuyện đàn áp tôn giáo, không có cưỡng bức người theo đạo.
Lẽ đương nhiên, cũng như tại Hoa Kỳ và bất kỳ quốc gia nào, Nhà nước không cho phép một số ít kẻ nào đó, lợi dụng tôn giáo hoạt động chống phá, gây rối, chống đối chính quyền, vi phạm pháp luật. Các vụ kích động bạo loạn chống chính quyền, đi ngược lại nguyện vọng của những tín đồ chân chính luôn thiết tha với độc lập, tự do của Tổ quốc, hòa bình ,hạnh phúc cho giống nòi, sẽ phải bị pháp luật xử lý. Tuyệt nhiên, đó không phải là đàn áp tôn giáo, là vi phạm nhân quyền mà đó là quyền được bảo vệ cuộc sống yên bình cho nhân dân và cho chính các tín đồ tôn giáo.
Nhận xét vũ đoán, không khách quan về tình hình tôn giáo ở Việt Nam của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là việc làm không phù hợp với xu thế phát triển tích cực trong quan hệ Việt – Mỹ. Mọi người đều thấy, những năm gần đây, nhất là sau khi Mỹ bỏ lệnh cấm vận chống Việt Nam năm 1993, bình thường hóa quan hệ giữa hai nước năm 1995, ký kết Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ năm 2000, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã có nhiều bước phát triển tích cực. Đặt trong bối cảnh đó để thấy, những nhận xét không khách quan về tình hình tôn giáo ở Việt Nam là việc làm không phù hợp với xu thế phát triển của quan hệ Việt – Mỹ. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bằng việc làm thiếu khách quan và không thiện chí của mình, đã dội gáo nước lạnh vào tiến trình phát triển trong quan hệ hai nước.
Chúng ta đều biết, trong quá trình phát triển nhanh như vũ bão của thế giới ngày nay, nếu có những nhận định, đánh giá khác nhau về một vấn đề kinh tế - chính trị – văn hóa – xã hội nào đó là chuyện hết sức bình thường. Vấn đề là các bên cần có thiện chí, thông qua con đường thương lượng để tìm ra tiếng nói chung, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Thật đáng tiếc, phía Hoa Kỳ đã không hành xử như vậy, mà lại tự giành cho mình quyền đi phán xét người khác. Đó là lối hành xử pháo hạm, không phù hợp với một xã hội văn minh.
Đạo lý của cái thế giới văn minh này đã quá hiểu, tại sao Hoa Kỳ lại quá hăng hái, can thiệp vào công việc nội bộ người khác, quốc gia khác một cách vô lối. Trong báo cáo về tự do tôn giáo quốc tế vừa công bố tại Washington, ngoài Việt Nam, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ còn xía vào cả vấn đề tôn giáo ở Trung Quốc, Myanmar, liệt kê hai quốc gia này “cần phải được quan tâm về tôn giáo”. Trong khi cả thế giới đang chia sẻ với Liên bang Nga trước sự hoành hành của chủ nghĩa khủng bố, đồng tình với việc nước này triển khai những biện pháp cứng rắn để loại trừ chủ nghĩa khủng bố, thì Hoa Kỳ cũng châm chọc vào, cho rằng, nước Nga “vi phạm nhân quyền”. Về thực chất, Hoa Kỳ không muốn tồn tại một Liên bang Nga thống nhất và hùng mạnh, cũng như họ không muốn có một Việt Nam, một Myanmar, một Trung Quốc… ổn định và phát triển. Tại vùng Vịnh chiến lược, Mỹ không muốn tồn tại quốc gia Hồi giáo Iran “cứng đầu”, do vậy chính quyền Washington đang liên tục gây sức ép, tạo cớ để can thiệp vào nước này. Sự kiện Hoa Kỳ ngang nhiên phát động cuộc chiến tranh chống Iraq tháng 3 năm 2003, lật đổ chính quyền Baghdad, một thời không theo cái gậy chỉ huy của Mỹ, bất chấp Hiến chương Liên hợp quốc và búa rìu dư luận thế giới, đã bộc lộ khá đầy đủ dã tâm của một đế quốc siêu cường, đang tự trao cho mình quyền lãnh đạo thế giới.
Trên thế giới này, ai đang vi phạm nhân quyền?Ai đang ngày càng lộ nguyên hình là kẻ lợi dụng tôn giáo để mưu toan chống lại các dân tộc? Ai đang giương cao chiêu bài chống khủng bố nhưng thực chất lại ủng hộ khủng bố để đục nước béo cò? Về thực chất, ai đang là kẻ khủng bố quốc tế đầu sỏ, ai đang nuôi dưỡng chủ nghĩa khủng bố? Sự thật mười mươi, Hoa Kỳ đang là một siêu cường như thế.
Triêu Dương