TĂNG TỐC HAY TỤT HẬU ?
Bà Rịa – Vũng Tàu tăng tốc hay đang tụt hậu ?
Trong một cuộc hội thảo, bàn luận về sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh đã có 2 ý kiến đánh giá khác nhau về vấn đề này. Ý kiến thứ nhất cho rằng: Những năm qua, kinh tế – xã hội trên địa bàn phát triển nhanh, có mặt vượt bậc; Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong số ít địa phương làm nghĩa vụ nộp ngân sách cho Nhà nước khá cao, chỉ đứng sau thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Bộ mặt vùng nông thôn thay đổi từng ngày. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, kinh tế của tỉnh đang tụt hậu so với các địa phương trong khu vực; Kinh tế du lịch – một lợi thế của địa phương đang đi sau Khánh Hòa – Nha Trang, thậm chí có mặt đi sau cả Bình Thuận; Đầu tư nước ngoài vào địa bàn tỉnh có mặt chưa bằng Đồng Nai, Bình Dương. Những đánh giá khác nhau như vừa nêu, chưa có kết luận cuối cùng tại cuộc hội thảo nọ, mặc dù bên nào cũng đưa ra những lập luận khá sắc nét.
Trước hết, cần ghi nhận một thực tế không thể chối cãi, những năm qua tình hình kinh tế – xã hội của Bà Rịa – Vũng Tàu, xét trên nhiều mặt đều có nhiều bước phát triển và biến đổi sâu sắc. Chất lượng cuộc sống khá lên rõ rệt, đời sống của đại đa số dân cư được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, so với các địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, về một số mặt, nhất là các ngành kinh tế quan trọng, Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển còn chậm. Sẽ rất phiến diện và khập khễnh, nếu chúng ta chia cắt trong xem xét, đánh giá, bóc tách kinh tế trung ương ra khỏi kinh tế địa phương. Thực tế cho thấy, trên địa bàn lãnh thổ sự phát triển của kinh tế Trung ương bao giờ cũng gắn kết rất chặt chẽ với kinh tế địa phương. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể, sự bóc tách ra để nhìn nhận, đánh giá cũng là cần thiết. Thử đặt giả thiết, nếu Bà Rịa – Vũng Tàu không có sự phát triển của ngành công nghiệp dầu khí – lợi thế trời cho mà ít địa phương nào có được? Ngành Du lịch, ngành Thủy – hải sản của Bà Rịa – Vũng Tàu cũng là lợi thế trời cho, chưa có sự phát triển tương xứng.
Phó Thủ tướng Vũ Khoan đến thăm và làm việc tại tỉnh trong 2 ngày 21 và 22 tháng 8 mới đây đã phát biểu thẳng thắn, chân thành về sự tụt hậu, chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế của kinh tế địa phương Bà Rịa – Vũng Tàu, so với các địa phương khác trong vùng. Về sự phát triển chung của tỉnh, Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, Bà Rịa – Vũng Tàu còn phụ thuộc nhiều vào dầu khí; Kinh tế địa phương còn qúa hạn hẹp; Lợi thế về du lịch, về đầu tư nước ngoài đang dần mất đi trước sự cạnh tranh của các địa phương bạn; Hệ thống đường sá, giao thông đang ở tình trạng thắt cổ ngỗng (!).
Bà Rịa – Vũng Tàu tăng tốc hay đang tụt hậu? Để giải đáp thật thấu đáo – tâm phục, khẩu phục câu hỏi này, từ đó bắt mạch đúng bệnh, xác định thật trúng nguyên nhân, tìm lời giải cho hướng đi đúng đang là một vấn đề cấp thiết, nhất là ở vào thời điểm chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, kết thúc nhiệm kỳ 2000-2005. Đã có không ít lời phàn nàn về thủ tục hành chính quá nhiêu khê, phiền hà khi người dân và các nhà đầu tư đến gõ cửa cơ quan chức năng địa phương. Ông Vương Văn Tân, khu phố trưởng khu phố 7, phường 8, Vũng Tàu than thở: “Đi xin chủ quyền một căn nhà cho chính mình ở, do chính tiền mình bỏ ra xây mà phải chạy lên chạy xuống cả chục lần, với hàng tá chữ ký của các quan chức. Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh làm thủ tục nâng cấp khu nhà nghỉ cho các nhà báo, tọa lạc ở phường 5 – Bãi Dâu, Vũng Tàu phải chạy lên chạy xuống nhiều lần, mất nhiều thời gian, cho đến nay vẫn còn phải tiếp tục chờ đợi thủ tục. Phải chẳng sự chậm trễ trong việc cải cách các thủ tục hành chính là một trong những nhân tố cản trở sự phát triển?
Thủ tướng Chính phủ vừa ký 3 quyết định về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, miền Trung và Bắc bộ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020. Theo đó vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm 7 địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương. , Bình Phước, Tây Ninh, Long An, phấn đấu đến năm 2020 ổn định dân số khoảng 15 – 16 triệu người, tăng mức đóng góp ngân sách của vùng trong thu ngân sách của cả nước lên 38,7 % năm 2010 và 40,5 % năm 2020… Với quyết định này, 7 địa phương trong vùng sẽ có thêm nhiều cơ hội thuận lợi thúc đẩy sự phát triển và tăng tốc. Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ là một trong những mắt xích cửa ngõ quan trọng của khu vực.
Điểm yếu của kinh tế vùng những năm qua là phát triển mang tính đơn lẻ, mạnh ai nấy làm, thiếu sự phối hợp đồng bộ. Đặt trong bối cảnh đó, Bà Rịa – Vũng Tàu (cùng với các địa phương trong khu vực) đang phải giải quyết nhiều vấn đề cấp bách, đối mặt với không ít thách thức gay gắt. Chống tụt hậu ! tăng tốc ! Tăng tốc ! và tăng tốc! Đó khẩu hiệu hành động, là mệnh lệnh của cuộc sống hôm nay .
Tràng An