Công an các đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh hiệu quả với tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.
Tờ rơi quảng cáo cho vay dán ở nhiều điểm công cộng trên địa bàn TP.Vũng Tàu. |
Xử lý nhiều vụ cho vay nặng lãi
Ngày 30/10 vừa qua, Công an TP.Vũng Tàu lập hồ sơ xử lý L.T.T.V. (SN 1986, trú huyện Xuyên Mộc) và N.X.T. (SN 1989, trú tại tỉnh Hà Nam) về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự xảy ra trên địa bàn. Theo thông tin ban đầu, từ tháng 2-4/2023, 2 đối tượng trên đã cho bà C.Q.T. (SN 1990, trú TP.Vũng Tàu) vay tiền nhiều lần với lãi suất ước tính 1%/ngày. Kết quả xác minh ban đầu của cơ quan chức năng, V. và T. thu lợi bất chính 270 triệu đồng.
Trước đó, ngày 25/10, Công an TP.Bà Rịa lập hồ sơ xử lý N.V.T. (SN 2001) và H.N.T. (SN 2001, trú tỉnh Hà Nam) về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Theo hồ sơ, tại TP.Bà Rịa, 2 đối tượng đã cho nhiều người vay tiền với lãi suất cao để thu lợi bất chính 30 triệu đồng.
Công an TP.Bà Rịa cho biết, từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã phát hiện 8 vụ/12 đối tượng liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi. Trong đó cơ quan chức năng đã khởi tố 1 vụ/1 bị can về tội "cho vay lãi nặng" và tội "hủy hoại tài sản", xử phạt hành chính 7 vụ/11 đối tượng với tổng số tiền 81 triệu đồng.
Trước những hệ lụy khôn lường do cho vay nặng lãi gây ra, Công an tỉnh đề nghị người dân tránh xa những hình thức vay tiền nặng lãi tại các cơ sở cầm đồ, các đối tượng ngoại tỉnh đến hoạt động trên địa bàn hoặc vay tiền trên "app".
Thông báo ngay cho cơ quan công an gần nhất hoặc thông qua các trang mạng xã hội chính thống của Công an tỉnh nếu phát hiện hành vi cho vay nặng lãi, phát tán tờ rơi về cho vay của các đối tượng. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đấu tranh, phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi nói riêng; bảo vệ quyền, lợi ích và tài sản của người dân trong các hoạt động tín dụng, vay vốn chính đáng, hợp pháp.
|
Thủ đoạn tinh vi
Theo cơ quan công an, một số cá nhân, tổ chức sử dụng hình thức huy động và cho vay tín dụng bất hợp pháp, không qua hệ thống ngân hàng, không đăng ký kinh doanh, không chịu sự quản lý chính thức của cơ quan nhà nước, thường gắn với hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật. Các tổ chức hoạt động cho vay nặng lãi thường không quan tâm đến khả năng thanh toán hoặc khả năng vay mượn lãi suất hợp lý của người vay. Họ chỉ quan tâm đến việc thu lãi cao và thu hồi nợ bằng mọi cách.
Các đối tượng, tổ chức cho vay nặng lãi suất cao, thậm chí có thể lên đến hàng trăm phần trăm mỗi năm. Điều này khiến cho việc trả nợ trở nên khó khăn dẫn đến gánh nặng tài chính không thể chịu đựng được đối với người vay. Người cho vay nặng lãi thường áp đặt các khoản phí và phạt bất thường khiến cho số tiền phải trả lớn hơn nhiều so với số tiền vay ban đầu. Những phí này thường không rõ ràng trong hợp đồng và thường được giấu giếm. Việc cho vay nặng lãi thường thiếu thông tin và hướng dẫn rõ ràng về các điều khoản và điều kiện. Họ thường không cung cấp đầy đủ thông tin cho người vay trước khi ký hợp đồng. Nếu được yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết, các tổ chức cho vay nặng lãi thường từ chối hoặc đáp ứng một cách mập mờ và không rõ ràng.
Ngoài ra, hành vi quảng cáo và tiếp thị đáng ngờ như: dán quảng cáo trên các cột điện, cây xanh; phát tờ rơi với các nội dung "cho vay không cần thế chấp, nhận tiền ngay trong ngày", "Alo là có tiền", "cho vay uy tín, thủ tục đơn giản" hoặc thông qua các hoạt động vay trực tuyến, vay qua App (ứng dụng)... có dấu hiệu của việc cho vay nặng lãi.
ĐVTN huyện Đất Đỏ ra quân xóa tờ rơi quảng cáo cho vay tại các điểm công cộng. |
Trước tình trạng trên, ngày 7/11, ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu đã có văn bản về việc xử lý hành vi dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên cột điện, tủ điện, cột tín hiệu giao thông và ghế đá nơi công cộng. Theo đó, lãnh đạo UBND chỉ đạo Công an thành phố và các cơ quan liên quan tổ chức tuần tra, xử lý nghiêm các đối tượng thực hiện hành vi dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và ghế đá nơi công cộng.
Theo Công an tỉnh, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng cho vay nặng lãi hiện nay tương đối tinh vi, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Đối tượng cho vay tín chấp chủ yếu dán tờ rơi để tiếp thị, giấy tờ vay nợ không thể hiện lãi suất, vay “online” qua ứng dụng điện thoại di động “app”.
Khi người vay đến vay tiền chúng dùng các loại hợp đồng cho vay dưới dạng hợp đồng mua bán, thuê ô tô, xe mô tô để khi người vay mất khả năng thanh toán sẽ gửi đơn đề nghị cơ quan chức năng xử lý. Khi đi đòi nợ, chúng dùng nhiều thủ đoạn gây sức ép với người vay và thân nhân như: dọa dẫm bằng lời nói; sử dụng vũ lực ở mức độ chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; ném chất bẩn, chất thải, kéo đông người đến nhà riêng, nơi làm việc gây áp lực; sử dụng mạng xã hội để đăng các thông tin không có lợi, xuyên tạc, bịa đặt nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm để tạo áp lực cho người vay.
Hoạt động cho vay nặng lãi dẫn đến hành vi “đòi nợ thuê” trái pháp luật, kéo theo hệ quả là sự gia tăng các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự.
Bài, ảnh: PHƯỚC AN