Từ phản ánh của phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu về hoạt động coi bói và chữa bệnh mang tính chất mê tín dị đoan của bà Hồng (tổ 5, ấp Tân Bình, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức) và ông Năm (tổ 6, ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba, huyện Châu Đức), chính quyền địa phương đã vào cuộc xử lý.
Bà Hồng làm các động tác kì dị để thỉnh “bề trên” nhập vào người mình. |
Ai cũng phán có “vong âm” theo
Trong vai người đi coi bói, phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã tìm đến nhà “cậu” Hồng (tên thật Lê Thị Hồng, 48 tuổi, ngụ tổ 5, ấp Tân Bình, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức), được nhiều người lan truyền là “cao tay ấn” và “phán gì đúng đó”. Nhà “cậu” lúc này đang có 2 người coi bói. Sau khi được “cậu” phán, người đàn ông lớn tuổi vội vã ra ngoài gọi điện với gương mặt sốt sắng.
“Tôi bị rắc rối giấy tờ khu đất cả trăm ha ở xã Hoà Hội không tách được sổ đỏ nên qua đây xem bói. Coi xong tôi thấy yên tâm hẳn”, người đàn ông đến từ xã Hoà Hội, huyện Xuyên Mộc chia sẻ.
Đến lượt chúng tôi trình bày ý định muốn cắt “duyên âm”, bà Hồng sau màn hỏi kỹ về lý lịch liền làm một số động tác khua tay múa chân để “bề trên” nhập vào rồi phán chắc nịch: “Nam này có vong theo. Trong mình của nam hiện giờ đang ớn lạnh, rợn da gà”.
Để thêm phần ma mị, bà Hồng nói tiếp: “Hiện tại ta càng nói thì trong mình của nam càng rợn da gà và đau tức ngực rất nhiều. Nam có cái vong nữ đi theo nên nằm ngủ hay giật mình, cản trở đường tình cảm. Nam phải rước cái vong nữ mới nhẹ nhõm được”.
Sau một hồi hù dọa, bà chốt: “Nam muốn rước cái vong này đi tu học thì ta sẽ chỉ dẫn”. Rồi bà nhắm mắt, lấy 2 tay vuốt mặt, chắp tay vái và miệng lẩm nhẩm để “bề trên” xuất ra khỏi người mình.
Trở về trạng thái bình thường, bà Hồng liên tục thúc dục và hướng dẫn chúng tôi đi giải vong tại nhà ông Năm, đồng thời nhắc khéo việc bỏ tiền vào khay trước bàn. Mặc dù không quy định cụ thể phí coi bói nhưng theo quan sát của chúng tôi, mỗi người thường bỏ vào khay 100-200 ngàn đồng/lần coi.
Chữa bệnh bằng cách... lăn trứng, phun dầu
Theo sự hướng dẫn của bà Hồng, chúng tôi tiếp tục tìm đến nhà ông Năm (tên thật là Lâm Văn Thiện, 94 tuổi, ngụ tổ 6, ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba, huyện Châu Đức). Căn nhà cấp 4 nơi ông Năm chữa bệnh kê nhiều giường và bàn để đồ cúng. Khoảng chục người đang ngồi ở sập gỗ trong nhà và ghế đá trước hiên. Người đàn ông luống tuổi - tên Bảy (con ông Năm) liên tục hướng dẫn mọi người bày biện đồ cúng, cắm hoa và thắp nhang trước khi chữa bệnh.
Người tìm tới đây đủ các thể loại bệnh “phần âm” như: vong theo, âm nhập, ngủ gặp ác mộng và hiếm muộn. Thậm chí, một số trường hợp bị nhức mỏi, nổi mụn cũng có mặt ở đây. Người đến chữa bệnh ngày đầu phải mang theo nhang đèn, hoa, trái cây và 1 quả trứng gà để cúng. Những ngày tiếp theo thì họ chỉ cần mang theo 1 trứng gà và đặc biệt là phải mặc áo có cúc mới được chữa bệnh.
“Tôi tới chữa bệnh hôm nay là ngày thứ sáu. Thấy cũng đỡ nên mai tôi sẽ mua ít hoa quả, lễ vật vào chữa bệnh ngày cuối và trả lễ cho thầy”, người phụ nữ bị “vong nam” chia sẻ.
Chở theo con trai từ xã Châu Pha, TX. Phú Mỹ qua nhà ông Năm chữa bệnh, một người phụ nữ nói: “Con tôi bị nổi mụn, nhọt trên mặt. Đi bệnh viện chữa thấy không đỡ nên tôi đưa con đến thầy bôi nước thánh và lăn trứng với mong muốn cháu sớm khỏi bệnh”.
Theo quan sát của chúng tôi, ông Năm khi bắt đầu chữa bệnh thì sẽ đến bàn để đồ lễ và cầm lọ dầu uống một miếng. Ông tiếp tục lấy quả trứng gà chín rồi xoa vào lòng bàn tay và miệng thổi vào quả trứng. Tiếp đó, ông cầm trứng gà lăn từ đầu đến chân, đồng thời phun dầu trong miệng lên người bệnh. Điều lạ lùng là dù ai bị bệnh gì thì ông Năm cũng đều chữa bằng hình thức này và chỉ trong khoảng 2 phút/người.
Sẽ kiểm tra, xử lý
Trao đổi với phóng viên về hoạt động bói toán mê tín dị đoan của bà Hồng, ông Trần Đại Diện, Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho biết, công an xã đã mời bà này lên làm việc và yêu cầu viết cam kết không tái phạm. “Địa phương sẽ thường xuyên kiểm tra và có hình thức xử lý nghiêm nếu bà này tái phạm”, ông Diện khẳng định.
Còn đối với việc chữa bệnh của ông Năm, ông Hồ Kiêm, Tổ trưởng tổ 6, ấp Bình Mỹ cho biết, việc chữa bệnh của ông Năm diễn ra hơn chục năm qua. Trước đây rất nhiều người trong và ngoài tỉnh tìm tới nhà ông này nhưng nay ít dần.
“Ông Năm chữa bệnh theo kiểu tâm linh. Những bệnh bùa ngải, ám thư hay làm ăn bị phá phách gì thì họ tìm đến ông. Ông này chữa bệnh không lấy tiền và không tuyên truyền tôn giáo”, ông Kiêm nói.
Một lãnh đạo UBND xã Bình Ba khẳng định: “Địa phương sẽ vào kiểm tra, nhắc nhở và vận động ông Năm ngưng việc chữa bệnh bằng hình thức trên”.
Bài, ảnh: TIỂU THIÊN