Nhiều chiêu thức lừa đảo bằng tin nhắn, cuộc gọi

Thứ Năm, 30/12/2021, 19:04 [GMT+7]
In bài này
.

Tin nhắn lừa đảo, cuộc gọi rác là vấn nạn tồn tại nhiều năm qua khiến nhiều người dùng điện thoại di động mất tiền oan uổng. Vấn nạn này có chiều hướng gia tăng vào dịp cuối năm. Nhiều bạn đọc đề cập đến trách nhiệm của nhà mạng ở đâu khi cuộc gọi rác, tin nhắn lừa đảo vẫn hoành hành người dùng?

Đánh vào nhu cầu cần việc làm của người dân, hàng loạt những tin nhắn lừa đảo như thế này vẫn liên tục gửi đến các thuê bao di động.
Đánh vào nhu cầu cần việc làm của người dân, hàng loạt những tin nhắn lừa đảo như thế này vẫn liên tục gửi đến các thuê bao di động.

THƯỜNG XUYÊN BỊ LÀM PHIỀN

Thời gian gần đây, nhiều người sử dụng điện thoại Iphone thường xuyên nhận được tin nhắn iMessage với nội dung tuyển dụng với mức lương từ 5-30 triệu đồng/tháng, nhưng trước tiên phải nạp tiền đăng ký. Bà Phạm Thị Thao (93/18, Lê Lợi, phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu) cho biết, gần 1 tháng nay, bà nhận được hàng chục tin nhắn có nội dung: “Bạn có muốn tìm công việc bán thời gian không? Mức lương 5-30 triệu đồng/tháng, mỗi ngày ít nhất 500.000 đồng không phí phụ thu. Công việc đơn giản, làm tại nhà, nếu muốn tham gia xin hãy liên hệ”.

Theo bà Thảo, khi làm theo hướng dẫn, thì được một người tự giới thiệu là tư vấn viên của một công ty nước ngoài, yêu cầu bà có một điện thoại kết nối mạng, có tài khoản Internet banking để làm việc. Công việc được yêu cầu là “tương tác nhằm tăng truy cập cho website bán hàng của đối tác, mỗi nhiệm vụ chỉ cần làm trong 10 phút là có thể nhận tiền hoa hồng”. Tuy nhiên, để nhận công việc, trước tiên bà phải nạp tiền. Nạp càng nhiều, tiền hoa hồng được hứa hẹn càng cao. Chẳng hạn, nếu chọn gói nhiệm vụ 150 ngàn đồng, người nạp có thể nhận 220 ngàn đồng, nếu nạp 500 ngàn đồng sẽ nhận 650 ngàn đồng. Việc nạp tiền được thực hiện bằng cách chuyển khoản đến một tài khoản cá nhân…

Trong vài ngày gần đây, hàng loạt người dùng điện thoại di động còn nhận được thông báo giao dịch bất thường từ luồng tin nhắn của ngân hàng, kèm theo đường link dẫn tới trang web lừa đảo. Ông Ngô Văn Lành (khu đô thị Chí Linh, TP. Vũng Tàu) cho biết, mới đây, ông nhận được thông báo với nội dung: “Chúng tôi phát hiện tài khoản của bạn đang tiêu dùng ở nước ngoài. Nếu không phải bạn đang giao dịch, vui lòng đăng nhập shb.com-sl.info để hủy giao dịch”. Nhiều người cũng nhận được tin nhắn mạo danh các ngân hàng như Sacombank, TPBank, ACB... cảnh báo giao dịch bất thường, kèm theo đường link có tên miền gần giống với tên miền ngân hàng. Các tin nhắn kèm đường link giả mạo ngân hàng sẽ dùng các “chiêu thức” khác nhau đánh vào tâm lý người dùng, dụ người dùng nhập thông tin tài khoản ngân hàng trực tuyến, mã OTP. Nếu người dùng làm theo sẽ mất quyền truy cập tài khoản ngân hàng trực tuyến, dẫn đến bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Không chỉ bị quá nhiều tin nhắn rác hoành hành, người dùng di động cũng thường xuyên nhận được những cuộc gọi rác chào mời mua nhà, đất, bảo hiểm, chứng khoán, mua USB tải nhạc… mặc dù không có nhu cầu. Theo Sở TT-TT, Nghị định 91/2020/NĐ-CP đã quy định tin nhắn quảng cáo là tin nhắn nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Tin nhắn quảng cáo mà không được sự đồng ý trước của người sử dụng hoặc tin nhắn quảng cáo vi phạm các quy định về gửi tin nhắn quảng cáo đều bị coi là các tin nhắn rác.

NHÀ MẠNG Ở ĐÂU?

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, sau khi Nghị định 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác có hiệu lực từ ngày 1/10/2020, tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác mà hầu hết là quảng cáo, bán hàng qua điện thoại đã có một số thời điểm lắng xuống. Sự lắng xuống trước hết là một phản ứng nhằm để nghe ngóng tình hình, nhưng đến nay lại sôi động hơn.

Trước thực trạng cuộc gọi rác, tình trạng tin nhắn lừa đảo nở rộ vào dịp cuối năm, nhiều khách hàng đặt câu hỏi vai trò nhà mạng ở đâu trong khi quy định đăng ký “sim chính chủ” được áp dụng hơn 1 năm qua nhưng vẫn còn nhiều sim rác làm phiền các thuê bao di động. Thậm chí, kẻ gian đang lợi dụng sim rác để tiếp cận với người dân để lừa đảo.

Phía VinaPhone cho biết, đơn vị này đã theo dõi và xử lý qua hệ thống theo dõi kiểm soát tin nhắn rác, thu thập thông qua hệ thống chăm sóc khách hàng của VinaPhone, chặn tin nhắn rác bằng cách hạn chế 1 thuê bao gửi đi liên tục số lượng lớn tin nhắn... Khi phát hiện các hiện tượng tin nhắn rác VinaPhone sẽ tiến hành xử lý quyết liệt bằng các biện pháp như khóa đầu số, khóa số thuê bao, thậm chí cắt hợp đồng với các cá nhân, đối tác vi phạm. Các nhà mạng khác như Viettel, MobiFone, Vietnammobile… cũng cho biết, họ đã áp dụng các giải pháp tương tự. Tuy nhiên, trên thực tế cuộc gọi rác, tin nhắn lừa đảo vẫn không hề giảm, thậm chí còn có chiều hướng gia tăng vào những ngày cuối năm.

Theo Sở TT-TT, để hạn chế tình trạng tin nhắn rác bùng phát, Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) đã chỉ đạo các nhà mạng phối hợp triển khai các giải pháp nhằm hạn chế sự phát tán của tin nhắn rác, cuộc gọi rác như triển khai hệ thống phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác qua website thongbaorac.ais.gov.vn. Cục cũng đã triển khai hệ thống Danh sách không quảng cáo (National Do Not Call) qua đầu số 5656 và website khongquangcao.ais.gov.vn. Người dùng có thể đăng ký vào danh sách không quảng cáo theo cú pháp “DK DNC gửi 5656”. Sau khi đăng ký, không cá nhân, DN quảng cáo nào được phép gửi tin nhắn quảng cáo hoặc gọi điện quảng cáo vào các số điện thoại đã đăng ký trong danh sách này. Cục cũng yêu cầu các nhà mạng triển khai hệ thống cảnh báo cuộc gọi rác cho người dùng; các hệ thống kỹ thuật áp dụng các công nghệ tiên tiến như AI, bigdata để ngăn chặn hiệu quả tin nhắn rác, cuộc gọi rác… Ngoài những giải pháp trên người dân cần cảnh giác với những tin nhắn, cuộc gọi rác để tự bảo vệ mình, tránh bị mất tiền.

Bài, ảnh: MINH TÂM

;
.