Ngôi chùa lưu giữ nhiều bảo vật Phật giáo
Tọa lạc trên đường Nguyễn Bảo, phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu, Phước Lâm tự (chùa Phước Lâm) được khởi dựng cách đây gần 200 năm. Sở hữu nhiều bảo vật Phật giáo cuối thế kỷ thứ VII, Phước Lâm tự là một trong những trung tâm Phật giáo ở Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cổng tam quan chùa Phước Lâm. |
Chùa Phước Lâm khởi dựng từ những năm đầu thế kỷ XIX dưới chân Núi Lớn, thuộc khóm Bình Sơn. Năm 1886, thực dân Pháp lấy khu vực gần chùa làm trường bắn nên chùa phải di dời về vị trí hiện nay (65, Nguyễn Bảo, phường Thắng Nhì).
Ngôi chùa Phước Lâm cổ gồm một dãy nhà 3 gian 2 chái, kết cấu đơn sơ kiểu tứ tượng. Năm 1956, chùa được xây dựng lại rộng rãi và chắc chắn hơn. Trên nóc chùa là 3 tháp chuông, làm cho kiến trúc chùa Phước Lâm có nét riêng biệt so với các ngôi chùa khác.
Năm 1993, Phước Lâm tự được trùng tu quy mô lớn. Chùa có 3 cổng, cổng tam quan là cổng đầu tiên hướng về phía đường Nguyễn An Ninh. Cổng tam quan tượng trưng cho 3 điều: Không quan, giả quan và trung quan. Không quan là mọi sự vật vốn đều không có. Giả quan là sự biến hóa vô thường. Trung quan là sự kết hợp giữa không quan và giả quan. Phía trên cổng là tấm biển lớn đề 3 chữ “Chùa Phước Lâm”. Trên cùng là hình bánh xe chuyển pháp luân có 8 tia, biểu tượng của Phật giáo.
Qua cổng tam quan là một hồ sen nhỏ. Cạnh hồ sen đặt pho tượng Quan âm Nam Hải cao 3,5m, phía trên có mái che, kiến trúc 4 vòm mái cong truyền thống. Phước Lâm tự là nơi lưu giữ nhiều bức tượng và một số bàn thờ bằng gỗ mun có niên đại thế kỷ XIX đặt trong chánh điện: Tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết Bàn, tượng Chuẩn Đề Bồ Tát bằng gỗ, tượng Phật A Di Đà, Tam Tôn, Ca Diếp, tượng ông Giám bằng đất nung. Nhưng đặc sắc nhất phải kể đến pho tượng Visnu quý hiếm bằng đá sa thạch có niên đại từ thế kỷ thứ VII, cuối thời phù Nam. Visnu là vị thần bảo hộ tối cao của Ấn Độ giáo và Bà la môn giáo ở Ấn Độ và một số nước trong khu vực Nam Á. Theo truyền thuyết, thần Visnu hóa thành con rùa nằm trên biển sữa đỡ trục vũ trụ quấn con rắn Ainta làm dây để các thần Indra và Vairocana kéo dây khuấy bể sữa, sáng tạo ra thế giới. Ở Việt Nam, thần Visnu thường được tạc trên các tòa tháp cổ ở miền Trung.
Tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. |
Chánh điện Phước Lâm Tự còn có các pho tượng Ngọc Hoàng, Hộ Pháp, Tiêu Diện và chiếc chuông đồng cổ đại hồng chung. Nhà hậu tổ phía sau chánh điện được làm mới lại hoàn toàn nhưng vẫn theo kiến trúc kiểu cổ. Trên bàn thờ tổ có bài vị của 2 vị tổ sư thuộc chi phái Lâm Tế là Hòa thượng Thích Thanh Liễu và hòa thượng Thích Diệu Diễn. Đối diện bàn tổ là tượng Quan Thánh và Địa Tạng Bồ Tát.
Với lối kiến trúc dạng tứ trụ của chùa cổ Nam Bộ, có ảnh hưởng của phong cách kiến trúc Ấn Độ, với những pho tượng cổ và nhiều bảo vật quý hiếm của nhà Phật, năm 1992, chùa Phước Lâm đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Chùa Phước Lâm là một trong những trung tâm Phật giáo ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Nơi đây thường đón hàng ngàn tăng ni, phật tử trong nước và quốc tế, trong đó đông nhất là phật tử người Ấn Độ về chiêm bái. Vào những ngày lễ lớn như Tết Nguyên đán, Rằm tháng Giêng, lễ Phật đản, lễ Vu Lan, số lượng tăng ni phật tử về chùa rất lớn, nhiều lúc không còn chỗ nghỉ.
Năm 2019, Tỳ kheo Thích Nữ Huệ Thanh trụ trì chùa, đã lập kế hoạch tu bổ, nâng cấp, mở rộng chánh điện, nhưng vẫn bảo tồn được những nét kiến trúc xưa, đồng thời là điểm đến hấp dẫn khách hành hương.
TRẦN QUANG VINH