Độc đáo ẩm thực xứ Kim chi
Là một thành phố du lịch, Vũng Tàu có khá nhiều nhà hàng kinh doanh các món ăn đến từ nhiều nước khác nhau trên thế giới như: Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, Thái Lan... Trong đó, có các nhà hàng Hàn Quốc đã góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng về văn hóa ẩm thực của thành phố biển.
Các món ăn của người Hàn tại Gogi House-Quán nướng Hàn Quốc (tầng trệt Lapen Center, 33A, đường 30/4), được bày biện rất đẹp mắt. |
Cuối tuần bạn tôi ngẫu hứng rủ, đi ăn món Hàn Quốc nhé! Thế là cả nhóm kéo nhau tới Gogi House-Quán nướng Hàn Quốc (tầng trệt Lapen Center, 33A, đường 30/4, TP. Vũng Tàu), một trong những địa chỉ quen thuộc của những tín đồ mê ẩm thực xứ Kim chi. Các món ăn ở đây bán theo kiểu buffet, khách vào quán sau khi ổn định chỗ ngồi, chọn món xong chừng 5 phút sau, bàn ăn đã được bày công phu với rất nhiều món như: dẻ sườn bò, thịt ba rọi, thăn bò Úc, thịt bò cuộn phô mai; các loại hải sản tôm, mực, bạch tuộc, nấm, rau củ, salat…, được sắp xếp, bày biện đẹp mắt, đủ các màu sắc làm tăng lên sự hấp dẫn của từng món ăn. Là người từng nhiều năm sinh sống, làm việc ở Hàn Quốc, anh Phan Văn Khiêm (17A, Thủ Khoa Huân, TP.Vũng Tàu) chia sẻ: “Trong món ăn, người Hàn nguyên tắc âm dương được kết hợp rất hài hòa. Món ăn có tính hàn thường được kết hợp với món có tính nóng. Ví dụ, mỳ lạnh thường được ăn kèm ớt với kim chi. Còn kim chi được làm từ bắp cải ngâm muối trộn cùng bột ớt đỏ, củ cải và các nguyên liệu khác như tỏi, gừng, hành lá, sau đó bảo quản ở nhiệt độ thấp, lên men nên món kim chi có nhiều tác dụng tốt đối với cơ thể và sức khỏe, chống vi khuẩn, hỗ trợ tiêu hóa, đặc biệt là làm ấm cơ thể lúc trời lạnh”.
Ngoài ra, các món ăn của người Hàn thường được tẩm ướp kỹ, giúp món ăn thêm đậm đà hương vị. Trong các món ăn, những nguyên liệu như: ớt, gừng, tỏi, hành, mù tạt được sử dụng thường xuyên. Việc pha trộn các loại gia vị này làm cho ẩm thực Hàn thêm hấp dẫn, kích thích vị giác để thực khách cảm thấy ngon miệng hơn. Một bữa ăn được tạo ra trong sự hòa hợp về âm dương, gia vị mặn và ngọt, nóng và lạnh. Khi nấu ăn, người Hàn Quốc sử dụng các thành phần khác nhau để tạo ra hương vị đặc biệt của từng món ăn, nhưng song song đó, lại vẫn giữ được hương vị riêng của mỗi loại thực phẩm được sử dụng. Ông Park Chim Sick, quản lý Korean Restaurant (662A, Nguyễn An Ninh) cho biết: “Với người Hàn Quốc, trong các món ăn, gia vị chính là điểm nhấn làm nên đặc trưng của ẩm thực. Trong bất kỳ món ăn nào thì nước tương, tỏi, hành lá, vừng, dầu mè và bột ớt đỏ là thành phần không thể thiếu, tạo nên hương vị riêng cho mỗi món ăn. Với quan niệm ngon từ cái nhìn đến hương vị, ẩm thực Hàn Quốc còn tạo ấn tượng với thực khách ở cách bài trí, món ăn thường có nhiều màu sắc vàng, đỏ, xanh, đen, trắng… được bày biện, cắt tỉa tỉ mỉ, khéo léo. Đồ ăn phải nóng, mỗi món bày trong từng bát, mỗi người có một bát canh riêng”.
Nét văn hóa ẩm thực Hàn Quốc biểu hiện ở chỗ quy ước mỗi bữa ăn có từ 3, 5, 7, 9 món ăn, ngoài ra còn có thêm cơm, kim chi, soup và nước sốt. Cơm, canh đặt bên phải của phần cơm, các món phụ đặt ở các dòng tiếp theo. Bên phải đặt món nóng và món thịt, bên trái đặt món lạnh và rau. Trung tâm đặt các loại nước sốt tạo sự thuận lợi cho người thưởng thức. Dụng cụ ăn có thìa và đũa, đặt bên phải. Chính vì thế mà trên bàn ăn của người Hàn có rất nhiều món ăn, nhiều bát đĩa hơn so với người Việt Nam và một số nước khác.
Ước tính Vũng Tàu có khoảng 15 nhà hàng Hàn Quốc hoặc kết hợp giữa ẩm thực Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo các chủ nhà hàng, văn hóa ẩm thực Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng với Việt Nam. Đơn cử như, gạo luôn được xem là lương thực chính trong bữa ăn và có các món phụ như: soup, món hầm, rau sống… Chắc chính từ những nét tương đồng đó mà ẩm thực Hàn Quốc dễ dàng có sức hút đặc biệt từ gu thưởng thức ẩm thực của người Việt Nam nói chung và người dân Vũng Tàu nói riêng.
Bài, ảnh: AN PHÚ