Bến Lộc An - Hát mãi bản hùng ca về Đoàn tàu không số
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Bến Lộc An là nơi tập kết vũ khí, đạn dược, góp phần làm nên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển. Ngày nay, nơi đây lại trở thành địa điểm thu hút khách du lịch muốn tìm lại dấu ấn của tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của những chiến binh Tàu không số.
Bến Lộc An hiện là “địa chỉ đỏ” ghi dấu tích lịch sử hào hùng của quân và dân ta trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm. |
Chúng tôi tìm về với Bến Lộc An, một địa danh nổi tiếng nằm bên cửa sông Ray với 2 bên là rừng nguyên sinh, ngập mặn, nối liền với rừng phòng hộ Bình Châu - Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc) vào một ngày đầu Xuân mới. Nơi đây, năm 1961, trong bối cảnh Đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh ở miền Nam Việt Nam với mục đích “Biến miền Nam thành thuộc địa của chúng”, ngày 23/10, Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương đã quyết định thành lập Đoàn 759 với tên gọi “Đoàn tàu không số”. Đơn vị có nhiệm vụ bí mật vận chuyển vũ khí, đạn dược và cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Bến Lộc An chỉ cách cửa Cần Giờ chưa đầy 20km, là nơi có nhiều cây cối rậm rạp bao quanh và những con lạch luồn sâu vào trong đất liền, địch ít chú ý nên được các thuyền viên chọn là địa điểm tập kết, giao vũ khí chi viện cho quân và dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt.
Khác với các chiến sĩ bộ binh, không quân, lục quân “tìm địch mà đánh”, nhiệm vụ của các chiến sĩ trên tàu không số ngày ấy là “tìm cách tránh địch để bảo vệ vũ khí” cho nên trước mỗi chuyến đi, các chiến sĩ đều mang tâm thế sẵn sàng hy sinh. Mỗi tàu đều được cài sẵn những khối thuốc nổ lớn ở mũi, thân và đuôi, phòng khi bị địch phát hiện, các chiến sĩ sẽ tự kích nổ để giữ bí mật, tuyệt đối không để địch phát hiện ra tuyến vận tải đặc biệt trên biển.
Bao nhiêu năm lênh đênh trên biển là bấy nhiêu khó khăn, nguy hiểm đến với các chiến sĩ bởi muốn tránh vòng vây dày đặc của địch và máy bay trinh sát ráo riết quần thảo, các chiến sĩ đã phải khôn khéo ngụy trang; giả tàu đánh cá... thậm chí nhiều lần phải thay đổi màu sơn ngay trong đêm tối và lợi dụng nước biển để giấu hàng, tránh sự phát hiện của địch. Ngay cả khi đã cập bến an toàn, các chiến sĩ còn phải lập tức tìm cách vận chuyển nhanh chóng để trang bị cho các đơn vị chủ lực. Nhờ sự mưu trí, can trường ấy mà Bến Lộc An đã đi vào lịch sử, trở thành điểm tiếp nhận 3 chuyến hàng chiến lược quan trọng vào các năm 1963, 1964 và 1965, góp phần cùng cả nước làm nên những chiến thắng lịch sử vang dội.
5 năm đối mặt với sóng, với gió, 15 năm chiến đấu dưới mưa bom, bão đạn, Bến Lộc An đã trở thành nơi cập bến của hơn 150.000 tấn vũ khí, trang thiết bị và đưa hàng chục ngàn lượt cán bộ từ miền Bắc chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam, trong đó có 2 đồng chí lãnh đạo của Đảng là Võ Văn Kiệt (lúc bấy giờ là Bí thư Khu ủy Khu 9) bí mật từ căn cứ A2 (đảo Hải Nam, Trung Quốc) về bến Lộc An để xuống Cà Mau và Lê Đức Anh (Tư lệnh Quân khu 9) bí mật từ Cà Mau ra miền Bắc để làm nhiệm vụ.
Sau hơn 40 năm đất nước thống nhất, hầu hết những người lính dũng cảm năm xưa trên Tàu không số đã mất, Bến Lộc An huyền thoại năm xưa giờ đã trở thành Khu di tích đường Hồ Chí Minh trên biển, đánh dấu trang sử hào hùng của quân đội ta trong việc chung tay cùng với quân và dân Nam bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hơn thế nữa, đây là địa bàn giáp ranh giữa huyện Đất Đỏ và Xuyên Mộc, nằm bên cửa sông Ray với 2 bên là rừng nguyên sinh, ngập mặn nối liền với rừng phòng hộ Bình Châu - Phước Bửu và hệ thống rừng già rộng lớn ở phía Bắc và Tây Bắc của tỉnh, chính sự kết hợp giữa yếu tố lịch sử với một khung cảnh thiên nhiên hài hòa, thơ mộng đã tạo nên một Khu di tích đường Hồ Chí Minh trên biển thu hút hàng ngàn lượt du khách đến thăm quan, đồng thời trở thành “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ trẻ hôm nay nhớ về những chiến công chói lọi của quân và dân ta vào những ngày lễ lớn của dân tộc.
Bài, ảnh: MINH NHÂN