Anh hùng liệt sĩ Lê Thành Duy - Hy sinh để bảo vệ lẽ sống đã chọn - Kỳ cuối: Giữ vững khí tiết người cộng sản
Đi theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ kính yêu, ông Lê Thành Duy đã tích cực đấu tranh, chống lại sự đàn áp của kẻ thù. Ông là tấm gương sáng của lực lượng trinh sát Quốc vệ đội, Ty Công an Bà Rịa.
Tượng đài Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thành Duy tại công viên cùng tên (đường Cách mạng Tháng Tám, TP. Bà Rịa). |
Bắt đầu từ năm 1946, ông Lê Thành Duy là cán bộ chỉ huy lực lượng trinh sát Quốc vệ đội của Ty Công an Bà Rịa, hoạt động có tiếng vang lớn ở các vùng quanh tỉnh lỵ. Bọn địch nghe tên ông là khiếp sợ. Ngày 22/5/1946, quân Pháp mở trận càn quét lớn vào căn cứ của ta ở Núi Nứa (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu hiện nay), hòng tiêu diệt cơ quan đầu não của tỉnh. Lúc đó, dù đang bị bệnh sốt rét nhưng Lê Thành Duy vẫn dũng cảm chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và không may bị lọt vào tay địch. Chúng dùng cực hình tra tấn dã man nhưng ông vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản, không khai báo một lời. Rạng sáng 23/5/1946, chúng đưa ông về Bà Rịa với mưu đồ bắt gia đình chịu trách nhiệm và dùng người thân để uy hiếp tinh thần, để dụ ông rời bỏ cách mạng, làm tay sai cho chúng.
Thực dân Pháp đưa Quận trưởng Lê Thành Tường - anh em con chú bác với ông Lê Thành Duy vào mở lời chiêu dụ: “Tao với mày cùng một dòng họ Lê Thành sao mày theo Việt Minh chi vậy?”. Lê Thành Duy khẳng khái trả lời: “Tôi với anh tuy cùng một ông nội, nhưng bây giờ thì tôi với anh là hai chí hướng đối nghịch nhau. Thôi, anh đừng nói gì nữa…”. Bất lực trước ý chí sắt đá của Lê Thành Duy, ngày 28/5/1946, thực dân Pháp xử tử hình ông bên bờ sông Dinh, khi ông mới 24 tuổi. Nhưng cái chết của ông đã làm tăng thêm lòng căm thù của người dân với thực dân Pháp, thổi bùng lên ngọn lửa kháng chiến ở địa phương.
Ngày 3/8/1995, Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Lê Thành Duy.
Những ngày đầu tháng 9, chúng tôi được cán bộ phường Phước Trung giới thiệu đến nhà ông Lê Thành Tuyên (63 tuổi, ở 300, Cách mạng Tháng Tám, TP. Bà Rịa) - cháu ruột ông Lê Thành Duy. Ông Tuyên cẩn trọng nâng niu những kỷ vật còn lưu giữ tên tuổi, hình ảnh về chú ruột của mình trong cuốn gia phả dòng tộc họ Lê Thành. Ông Tuyên xúc động kể: “Lúc còn sống, ba tôi (ông Lê Thành Vĩnh) hay kể về chú Duy. Chú là người học giỏi, mạnh mẽ, quyết đoán và sống rất tình cảm. Hàng năm, gia đình tôi làm giỗ cho chú vào ngày 28/4 âm lịch. Phần mộ của chú (hiện ở đường Nguyễn Hữu Thọ) cũng thường xuyên được các tổ chức, cá nhân đến thăm viếng”.
Người dân Bà Rịa ngày nay cũng luôn nhắc nhớ công ơn ông Lê Thành Duy. Chính quyền TP. Bà Rịa đã xây dựng công viên, tượng đài, đặt tên đường, trường học mang tên Lê Thành Duy để tưởng nhớ công lao của ông. Năm 1992, UBND huyện Châu Thành (cũ) đã thành lập Trường TH Lê Thành Duy trên cơ sở Trường TH Phước Lễ A. Tiếp bước truyền thống cách mạng của người anh hùng, những năm qua, thầy và trò Trường TH Lê Thành Duy đã phấn đấu giảng dạy, học tập và đạt nhiều thành tích cao. Nhiều năm liền, trường đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc của ngành giáo dục. Đặc biệt, năm 2014, trường vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Cô Đặng Thị Mai Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường TH Lê Thành Duy cho biết, trường luôn chú trọng giáo dục truyền thống lịch sử về Anh hùng liệt sĩ Lê Thành Duy cho HS. Cụ thể, trường đã đặt bảng chân dung, tiểu sử ông tại trường để HS hiểu rõ hơn về quá trình hoạt động cách mạng của ông. Vào mỗi dịp lễ, Tết, trường tổ chức cho GV và HS viếng mộ ông. Chi đoàn trường nhận chăm sóc phần mộ ông vào các dịp lễ, Tết. Ban Giám hiệu nhà trường còn đến thăm hỏi, chúc Tết thân nhân và thắp nhang tưởng nhớ ông tại nhà ông Lê Thành Tuyên. Trường có bài hát truyền thống “Hành khúc Lê Thành Duy”, được sử dụng làm nhạc nền trong hoạt động buổi sáng cho HS toàn trường.
Bài, ảnh: THI PHONG