Nhà hoạt động cách mạng Dương Bạch Mai - người con ưu tú của BR-VT- Kỳ 2: Nhà cách mạng kiên định
Sau những tháng năm học tập và tham gia phong trào cách mạng tại Pháp, Dương Bạch Mai trở về nước cùng những người yêu nước tham gia và gây dựng các phong trào cách mạng.
Bà Nguyễn Hồng Ngọc (Dì Hai), cháu của Nhà hoạt động cách mạng Dương Bạch Mai cùng tấm ảnh ghi lại thời khắc bà và lãnh đạo tỉnh, huyện Long Đất cũ (nay là huyện Đất Đỏ) làm lễ cải táng đưa hài cốt của ông từ Hà Nội về quê nhà Long Mỹ. |
Năm 1935, 2 đảng viên Nguyễn Văn Tạo và Dương Bạch Mai đắc cử vào Hội đồng thành phố Sài Gòn. Từ khi đắc cử, có tiếng nói công khai trong Hội đồng quản hạt, nhóm của ông đã gây tiếng vang lớn trong sinh hoạt chính trị và báo chí ở Sài Gòn. Do đó, thực dân Pháp rất căm ghét và tìm cách trả thù những người trong nhóm. Cùng thời gian này, ông và các đồng viện tổ chức phong trào “Đông Dương đại hội” liên hiệp các lực lượng yêu nước kể cả những người Cộng sản trên mặt trận chống Pháp, nhằm vận động dân sinh, dân chủ. Đông Dương đại hội đã làm cho phong trào đấu tranh của quần chúng những năm 1936-1939 phát triển rất mạnh mẽ.
Ngoài tham gia cách mạng thông qua báo chí tại Sài Gòn, Dương Bạch Mai nhiều lần đi về chỉ đạo phong trào cách mạng ở Bà Rịa, Vũng Tàu thông qua các đảng viên như Hồ Tri Tân, Nguyễn Văn Khải, Dương Văn Xá… Ông cử phóng viên báo Dân Chúng về viết bài phục vụ cuộc đấu tranh của nhân dân ở Long Điền, Đất Đỏ, tổ chức mạng lưới phát hành báo Dân Chúng tại Long Điền, Phước Tỉnh, Long Hải… Năm 1939, sau khi được nhà đương cục trả lại tự do với tội phá rối trị an kèm theo điều kiện “Phải rời khỏi Sài Gòn”, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn An Ninh bị quản thúc ở Mỹ Tho còn Dương Bạch Mai bị quản thúc tại thị xã Cần Thơ. Tại đây, nhân dịp kỷ niệm 150 năm Cách mạng Pháp (14/7/1939), Dương Bạch Mai tổ chức một cuộc mít tinh tại rap Lesopold (Cần Thơ). Cuộc mít tinh kết thúc bằng bằng nghị quyết do Dương Bạch Mai trình bày đòi tự do, dân chủ, ân xá chính trị phạm, ban hành luật lao động, nam nữ bình đẳng, mở thêm nhiều trường học...
Giữa tháng 9/1939, thực dân Pháp đóng cửa tất cả 14 tờ báo do Đảng ta chỉ đạo ở Sài Gòn, trong đó có tờ Le Peuple, tờ Dân Chúng. Các chiến sĩ cách mạng như: Dương Bạch Mai, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Tạo, Bùi Văn Thủ bị bắt đày ra Côn Đảo. Dương Bạch Mai bị giam ở banh III. Năm 1943, Dương Bạch Mai được trả tự do nhưng bị quản thúc tại Tân Uyên (Biên Hòa). Mặc dù vậy, ông vẫn âm thầm tìm cách bắt liên lạc với xứ Ủy Nam Kỳ. Dương Bạch Mai cùng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đi về Vũng Tàu chỉ đạo phong trào cách mạng.
Từ ngày 17 đến 29/8/1945, Xứ ủy Nam Kỳ mở hội nghị tại Chợ Đệm để bàn các vấn đề quan trọng như đưa mặt trận Việt Minh ra công khai, tổ chức cướp chính quyền ở Tân An làm điểm, khẩn trương chuẩn bị lực lượng cướp chính quyền ở Sài Gòn và các tỉnh. Xứ ủy phân công ông về BR-VT truyền đạt nghị quyết của Xứ. Ông nhiều lần về Bà Rịa, Long Điền bắt liên lạc với các đảng viên cũ, trong đó có Nguyễn Văn Khải (tức Thanh Phong) quê ở Long Điền học cùng khóa tại Đại học Phương Đông. Được sự cổ vũ của Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Khải đã cùng các đảng viên của tập hợp lại thành lập Chi bộ Bà Rịa, chỉ đạo lực lượng thanh niên tiền phong tổ chức giành chính quyền ở Bà Rịa ngày 25/8/1945 (cùng ngày với Thành phố Sài Gòn Gia Định).
Năm 1946 tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, ông Dương Bạch Mai được bầu là đại biểu Quốc hội khóa I. Cùng trong năm này, ông được cử làm thành viên của phái đoàn Việt Nam dự Hội nghị trù bị tại Đà Lạt để đàm phán với Pháp về vấn đề Việt Nam và chủ quyền độc lập của Việt Nam. Tại hội nghị này, ông nổi tiếng là một nhân vật có những ý kiến rất thẳng thừng tranh luận với các thành viên người Pháp.
Sau Hội nghị Phông - ten - nơ - blô, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ định là quyền Trưởng đoàn đại diện Chính phủ tại Pháp. Sau đó, thực dân Pháp phản bội tạm ước ngày 14/9/1946, chúng bắt ông đưa về giam lỏng tại nhà lao Kon Tum. Ngày 14/7/1949, ông được một đơn vị tình báo giải thoát. Thực dân Pháp trao giải thưởng 5.000 phờ-răng cho ai bắt hoặc chặt đầu người đã giải thoát ông. Thoát khỏi ngục Kon Tum, ông ra chiến khu Việt Bắc công tác ở Trung ương và giữ chức Phó ban mặt trận Tổ Quốc Việt Nam (nay là UBMTTQVN). Ông đã qua đời vào ngày 4/4/1964 tại Hà Nội, hưởng dương 59 tuổi. Năm 1995, thi hài ông được an táng tại quê nhà.
(Xem tiếp kỳ sau)
ĐÔNG HIẾU
(ghi theo tư liệu của huyện Đất Đỏ và TS Nguyễn Đình Thống)