.

Nhà hoạt động cách mạng Dương Bạch Mai-Người con ưu tú của BR-VT - Kỳ 1: Những ngày đầu tham gia phong trào cách mạng

Cập nhật: 19:08, 08/09/2019 (GMT+7)

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng, ông Dương Bạch Mai sớm nhận thức được nỗi thống khổ của người dân mất nước, sự cai trị tàn bạo của thực dân Pháp và bọn tay sai bóc lột. Vì vậy, cả cuộc đời ông đã tham gia nhiều phong trào cách mạng, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Chân dung nhà cách mạng  Dương Bạch Mai.
Chân dung nhà cách mạng Dương Bạch Mai.

Nhà cách mạng Dương Bạch Mai quê ở Long Mỹ, huyện Đất Đỏ, sinh trưởng tại làng Phước Lễ (nay thuộc TP. Bà Rịa). Thân sinh ông Dương Bạch Mai vốn là một điền chủ từng làm Thư ký tòa Thống đốc Nam Kỳ. Nhờ có điều kiện học hành, ông sớm giác ngộ chủ nghĩa yêu nước và ý thức độc lập tự do chống ách nô dịch của thực dân Pháp. Tháng 12/1920, ông tham gia cuộc bãi khóa ở trường Chassloudp Laubat, bị mất học bổng và bị đuổi học 1 năm. Sau đó ông lên Sài Gòn theo học tại Trường CĐ Thương mại Đông Dương. Năm 1924, ông tốt nghiệp và làm việc ở xí nghiệp in được 1 năm rồi sang du học tại Pháp. Thời gian ở Pháp, ông đã tham gia vào những phong trào yêu nước của sinh viên, sau đó gia nhập Đảng Cộng sản Pháp cùng hoạt động với Nguyễn Văn Tạo - một người có kinh nghiệm trong phong trào đấu tranh công khai ở Pháp. 

Năm 1928, ông làm Báo Lao Nông cùng với Nguyễn Văn Tạo in ronéo phát hành bí mật. Trong một cuộc xô xát tại khu đại học La Tinh (Paris) giữa một nhóm sinh viên tiến bộ và sinh viên cực hữu, ông bị bắt giam một thời gian ngắn. Năm 1929, ông được Đảng Cộng sản Pháp giới thiệu sang Moscow liên lạc với Đảng Cộng sản Liên Xô, vào học Trường ĐH Đông Phương Staline cùng khóa với Bùi Công Trừng, Nguyễn Văn Trân, Trần Ngọc Danh, Hà Huy Tập. 

Sau khi tốt nghiệp khóa học tại Trường ĐH Phương Đông, nhà cách mạng Dương Bạch Mai trở lại Pháp hoạt động một thời gian. Cuối năm 1931, ông trở về nước cộng tác với Nguyễn Văn Tạo trên diễn đàn đấu tranh công khai tại Sài Gòn giữa lúc thực dân Pháp đang đàn áp khốc liệt phong trào cách mạng ở Đông Dương. Nguyễn Văn Tạo mở mặt trận đấu tranh công khai tại Sài Gòn, chủ trương đưa ra một hình thức đấu tranh mới: đấu tranh nghị trường. Tháng 4/1933, Nguyễn Văn Tạo lập “Sổ lao động” ra tranh cử Hội đồng thành phố Sài Gòn. Nguyễn Văn Tạo bàn bạc với Nguyễn An Ninh và Dương Bạch Mai quyết định ra một tờ báo bằng tiếng Pháp làm nhiệm vụ cổ động cho “Sổ lao động” ứng cử vào Hội đồng thành phố. Lợi dụng quy định có phần dễ dãi khi xuất bản báo tiếng Pháp ở Nam Kỳ, tờ La Lutte (Tranh Đấu) nhanh chóng ra đời. Số đầu tiên được phát hành ngày 24/4/1933 đã đánh dấu một giai đoạn mới trên mặt trận báo chí và đấu tranh công khai. Ông cùng Nguyễn Văn Tạo chuyên viết các bài về tình hình chính trị. Cuộc bầu cử ngày 7/5/1933, nhóm La Lutte đã đưa được 2 người trúng cử và 2 năm sau ngày 12/5/1935 có 4 người đã trúng cử vào Hội đồng thành phố, trong đó có 1 đại biểu ngành in là Nguyễn Xuân Vinh. “Sổ lao động” trúng cử với số phiếu rất cao so với 2 Sổ khác của phái Lập Hiến và phe ủng hộ thực dân.

Cuối tháng 1/1934, Nguyễn Văn Tạo cùng Nguyễn An Ninh và Dương Bạch Mai tổ chức đón phái đoàn “Ủy ban công nhân điều tra tình hình Đông Dương” do Grabiel Péri, nghị sĩ cộng sản tại Quốc hội Pháp dẫn đầu sang Đông Dương điều tra. Phái đoàn có nhiệm vụ xác minh tại chỗ những đơn kêu cứu của các gia đình những người yêu nước bị chính quyền thuộc địa đàn áp, giam cầm và điều tra phạm vi quy mô của sự khủng hoảng kinh tế cũng như tình cảnh giai cấp công nhân và nhân dân Đông Dương.

Đến Nam Kỳ ngày 19/2/1934, các thành viên Ủy ban điều tra của Hội Cứu tế đỏ Quốc tế đã tiến hành điều tra về tình hình những người vô sản Đông Dương, những hình thức bóc lột của Chính phủ thuộc địa Pháp mà người vô sản phải chịu đựng, điều tra về điều kiện sống, tiền lương và các vấn đề cần khiếu nại của công nhân nông dân. Phái đoàn điều tra của Hội Cứu tế bào quốc tế mở rộng địa bàn hoạt động ngoài vùng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định như Tây Ninh, Bà Rịa, Vũng Tàu, Mỹ Tho, Châu Đốc, Vĩnh Long, Bến Tre, Sa Đéc... Phái đoàn đã đến các làng, các thành phố để xem xét nạn đói, chế độ nhà tù và công lý ở Đông Dương nói chung và Nam Kỳ nói riêng. Các đại biểu của Ủy ban điều tra của Hội Cứu tế đỏ Quốc tế đã tổ chức nhiều cuộc hội họp quần chúng tại các rạp hát như Thành Xương, Boresse, tại các khách sạn Continental, Casio... rải truyền đơn kêu gọi công nhân mít tinh. Trong các hoạt động và các chuyến đi điều tra ở các địa phương, Phái đoàn đã được sự hướng dẫn có hiệu quả của các ông Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn An Ninh (nhà báo), Trần Văn Giàu, Dương Bạch Mai… 

(Xem tiếp kỳ sau)

ĐÔNG HIẾU 

(Ghi theo tư liệu của huyện Đất Đỏ và TS Nguyễn Đình Thống)

 
.
.
.