.

Trần Văn Thượng - Người anh hùng của đất Long Phước - Kỳ cuối: Chốt chặn bảo vệ đồng đội trước khi sa vào tay giặc

Cập nhật: 20:42, 05/09/2019 (GMT+7)

Trong nhiệm vụ tiêu diệt đoàn xe địch vào tháng 4/1946, do quá chênh lệch về lực lượng, Anh hùng Trần Văn Thượng đã lệnh cho mọi người rút lui, một mình anh dũng bọc hậu bảo vệ đồng đội. Ông ngã xuống trong cơn điên cuồng, man rợ của kẻ thù. Chúng kéo lê xác ông hòng làm nhụt chí của những người tin theo cách mạng. Nhưng nhân dân đã đứng lên bảo vệ, buộc giặc phải để người anh hùng của họ ra đi trong bình yên.

Ông Trần Văn Khánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy bên Bằng Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân do Chủ tịch nước truy tặng cha mình.
Ông Trần Văn Khánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy bên Bằng Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân do Chủ tịch nước truy tặng cha mình.

Ông Trần Văn Khánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy là con trai duy nhất của liệt sĩ Trần Văn Thượng cho biết, các đồng đội của cha ông kể lại: “Ngày 20/4/1946, cha tôi được giao nhiệm vụ chỉ huy một tiểu đội chặn đánh đoàn xe địch do cai tổng Tòng dẫn đầu tại Giồng Ổi, ấp Phước Trinh, xã Tam Phước, huyện Long Điền. Trong đoàn xe hôm có còn có tên Việt gian khét tiếng Mật Khai. Do lực lượng hai bên chênh lệch, cha tôi lệnh cho đơn vị rút lui, còn mình ở lại đánh chặn, yểm trợ. Trước sự vây ráp của kẻ thù, cha tôi trúng đạn và sa vào tay địch. Ông nhất quyết không băng bó vết thương, liên tục lên án tội ác của tổng Tòng và Mật Khai.

Tức giận vì bị sỉ nhục, chúng bắn chết ông, sau đó dùng xe ngựa kéo lê xác từ Tam Phước về chợ Long Điền, hòng khủng bố, uy hiếp tinh thần cách mạng của nhân dân. Tức giận vì sự tàn bạo của quân thù, bà con xã Long Phước và các vùng lân cận đã xuống đường, đấu tranh, đòi địch phải trả xác và mai táng ông ở ngã năm Long Điền. Sau đó, thi thể ông được đồng đội bí mật đưa về an táng tại quê hương Long Phước.

Vợ chồng ông Trần Văn Khánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy - con trai duy nhất của AHLLVTND Trần Văn Thượng trò chuyện  với ĐVTN xã Long Phước, TP. Bà Rịa tại Công viên Trần Văn Thượng.
Vợ chồng ông Trần Văn Khánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy - con trai duy nhất của AHLLVTND Trần Văn Thượng trò chuyện với ĐVTN xã Long Phước, TP. Bà Rịa tại Công viên Trần Văn Thượng.

Khi cha hy sinh, ông Trần Văn Khánh mới 3 tuổi. Noi gương cha, ông cũng sớm đi theo cách mạng và trở thành cán bộ cốt cán của tỉnh Bà Rịa - Long Khánh trong kháng chiến và sau này là Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ý định nham hiểm của địch là sát hại ông Trần Văn Thượng để khủng bố tinh thần người dân, làm thui chột ý chí chiến đấu của các chiến sĩ cách mạng. Nhưng chúng đã không đạt được mục đích, trái lại còn làm tăng thêm sự căm phẫn trong lòng nhân dân. Ông Trần Văn Thượng trở thành tấm gương sáng trong lòng những chiến sĩ, đặc biệt là những người con của quê hương Long Phước. Phong trào noi gương ông Trần Văn Thượng trở nên sôi nổi trong Đội du kích Quang Trung.

Năm 2001, ông Trần Văn Thượng được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Hiện nay, tại xã Long Phước có ngôi trường tiểu học và một công viên mang tên Anh hùng Trần Văn Thượng. Cô Huỳnh Thị Trúc Mai, Hiệu trưởng Trường TH Trần Văn Thượng cho biết, ngôi trường có từ năm 1975, tiền thân là Trường TH Long Phước. Năm 2000, trường được xây dựng mới tại ấp Tây, xã Long Phước và mang tên Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Trần Văn Thượng từ tháng 12/2002. Hàng năm, nhà trường luôn chú trọng giáo dục truyền thống cho HS, nhất là tấm gương hy sinh của Anh hùng Trần Văn Thượng. Các hoạt động như: Giờ kể chuyện dưới cờ, sinh hoạt Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, thi rung chuông vàng, thi lịch sử địa phương… đều lồng ghép những câu chuyện về liệt sĩ Trần Văn Thượng. “Trường chúng tôi có ca khúc truyền thống: Trần Văn Thượng trường em”. Tất cả HS trong trường đều thuộc. Nhà trường hát trong tiết múa hát sân trường hoặc các tiết chào cờ. Bên cạnh đó, hàng tháng, HS các lớp khối 4, 5 được phân công trực nhật, dọn dẹp tại Công viên Trần Văn Thượng. Các hoạt động đó giúp các em hiểu, ghi nhớ và thêm trân quý ngôi trường mình đang học”, cô Mai cho hay.

Bài ảnh: DIỄM QUỲNH

.
.
.