.

Người anh hùng mang tên "Ông già Chuồng Cọp" - Kỳ 1: Giác ngộ cách mạng

Cập nhật: 19:27, 02/09/2019 (GMT+7)

Trong số những người tù chính trị từng bị giam cầm tại “địa ngục trần gian” - Nhà tù Côn Đảo, có một người tù dù không phải là đảng viên cộng sản nhưng ý chí kiên cường bất khuất của ông đã khiến kẻ thù phải kiêng nể. Ông là Cao Văn Ngọc, còn được mệnh danh là “Ông già Chuồng Cọp”.

Chân dung Cao Văn Ngọc. Ảnh: TL
Chân dung Cao Văn Ngọc. Ảnh: TL

Cao Văn Ngọc SN 16/6/1897, tại làng An Ngãi, quận Long Điền, tỉnh Bà Rịa (nay là xã An Ngãi, huyện Long Điền). An Ngãi là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nằm sát căn cứ Minh Đạm - biểu tượng của tinh thần, ý chí cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ của quân và dân Bà Rịa-Vũng Tàu.

Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước mất tự do, Cao Văn Ngọc đã chứng kiến cảnh thực dân Pháp bóc lột những người dân làm muối ở Vũng Vằng, Long Điền. Ông được cha mẹ cho đến trường làng học chữ Hán, chữ quốc ngữ, nên sớm hình thành nhân cách: trọng nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, thích làm điều hay, lẽ phải, bất bình trước những điều bất công. Năm 1937, ông được bầu làm Hương quản, với nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự và kiểm tra nhân khẩu của làng. Ông luôn bị chèn ép và chứng kiến sự bất công của chính quyền cai trị thực dân Pháp nên thấu hiểu nỗi đau của người dân mất tự do, sống đời nô lệ.

Vì vậy, rạng sáng 25/8/1945, ông đã tham gia tổ chức Thanh niên tiền phong, cùng nhân dân dự lễ mít tinh, diễu binh, tuần hành giành chính quyền tại Nhà Tròn, Bà Rịa, sau đó về An Ngãi xóa bỏ chính quyền bù nhìn và lập ra chính quyền cách mạng. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước nhà giành độc lập chưa lâu, thực dân Pháp đã trở lại chiếm Nam Bộ, Cao Văn Ngọc trở thành nhân viên Quốc gia tự vệ cuộc (nay là lực lượng Công an nhân dân) tại xã An Ngãi, tham gia bảo vệ chính quyền cách mạng. 

Mô phỏng cảnh tra tấn tù nhân ở nhà tù Côn Đảo. Ảnh: TL
Mô phỏng cảnh tra tấn tù nhân ở nhà tù Côn Đảo. Ảnh: TL

Năm 1948 ông được bầu làm Chánh thư ký Hội Nông dân cứu quốc xã An Ngãi. Một năm sau đó, ông thoát ly kháng chiến và hoạt động bán hợp pháp ở căn cứ Minh Đạm. Ông được tổ chức phân công bám trụ tại xã An Ngãi, vận động nhân dân tham gia, ủng hộ phong trào kháng chiến chống Pháp, thu hội phí, tải lương thực, thực phẩm, phá hoại giao thông ngăn cản các đợt càn quét của địch, bảo vệ căn cứ cách mạng. Ông có trách nhiệm cao với công việc nên luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ. 

Tháng 10/1952, ông trở về địa phương tham gia hoạt động hợp pháp, trở thành cơ sở hoạt động cách mạng sau khi Hiệp định Geneve được ký kết ngày 21/7/1954. Thực dân Pháp kiểm soát chặt chẽ, xây dựng đồn bốt dày đặc, chúng dồn dân, lập hàng rào nhằm ngăn chặn, không cho nhân dân tiếp tế cho cách mạng tại căn cứ Minh Đạm. Vì vậy, trong thời gian này Cao Văn Ngọc không liên hệ được với chi bộ của huyện ủy Long Điền.  

Cuối năm 1954 một đảng viên Chi bộ xã An Ngãi được phân công bám trụ chỉ đạo phong trào đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Geneve, đã kết nối với Cao Văn Ngọc và xây dựng thành phong trào nòng cốt. Từ đây, ông tích cực tham gia tuyên truyền, tổ chức dưới hình thức công khai hợp pháp, tổ chức các cuộc đấu tranh chính trị đòi thi hành Hiệp định Geneve. Ngày 28/9/1956, do có Việt gian theo dõi và mật báo chính quyền Pháp, địch ập đến lục soát nhà ông. Chúng tìm thấy 3 tập tài liệu được cất giấu trong ống tre buộc trên nóc nhà, sau đó bắt và giam giữ ông. 

Dù bị tra tấn dã man, Cao Văn Ngọc vẫn cương quyết với lời khai: “Chiếc ống tre đó do thằng cháu họ nhờ cất giùm, tôi không biết bên trong có gì!”. Do không khai thác được gì, chúng chuyển ông lên Trung tâm huấn chính Biên Hòa, rồi gia hạn an trí 2 năm. Trong thời gian này, ông luôn giữ vững ý chí, kiên trung, trước sau như một của người chiến sĩ cách mạng. Khi chuyển Cao Văn Ngọc ra Nhà tù Côn Đảo, tên quản đốc nhà lao Biên Hòa đánh giá ông là người trung kiên, lúc nào cũng tỏ ra chống đối chính phủ bằng mọi hành động, đồng thời xin gia hạn câu lưu thêm 18 tháng và phải giáo dục tại Côn Sơn (Côn Đảo).

Ngày 11/1/1957, chính quyền Mỹ - Diệm đày Cao Văn Ngọc ra nhà tù Côn Đảo - “địa ngục trần gian”. Chúng giam giữ ông tại Trại I - nơi giam giữ những chiến sỹ cộng sản kiên trung. Tại đây, Cao Văn Ngọc luôn đứng đầu cùng anh em tù nhân chính trị đoàn kết một lòng đấu tranh chống ly khai cộng sản, bảo vệ khí tiết của người chiến sĩ cách mạng. Do đó, Cao Văn Ngọc nổi danh là “Ông già Bà Rịa” hay “Ông già Chuồng Cọp” kiên cường, bất khuất trong cuộc đấu tranh chống ly khai cộng sản ở Trại I. 

(Xem tiếp kỳ sau)

VŨ DUYÊN

.
.
.