Anh hùng liệt sĩ Lê Thành Duy - hy sinh để bảo vệ lẽ sống đã chọn - Kỳ 1: Lập nhiều chiến công diệt tề, trừ gian
Cô Đặng Thị Kim Nam, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A4, Trường TH Lê Thành Duy, TP.Bà Rịa giới thiệu về chân dung và tiểu sử Lê Thành Duy tại trường cho HS. |
Lê Thành Duy theo học ở trường xã Phước Lễ, lớn lên theo học Trường Thể dục thể thao Đông Dương của Pháp tại Phan Thiết (Bình Thuận). Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, Lê Thành Duy đã tham gia đội Thanh niên Tiền phong đang phát triển ở Bà Rịa. Ông hăng hái trong mọi hoạt động công khai như: truyền bá chữ quốc ngữ, xóa nạn mù chữ… dưới sự lãnh đạo của các đảng viên cộng sản và những người yêu nước: Dương Bạch Mai, Trần Xuân Độ, Huỳnh Công Vinh, thầy giáo Lưu Văn Vầy, y sĩ Đoàn Thuật.
Lê Thành Duy rất nổi bật về khả năng tổ chức quân sự. Ông thường xuyên hướng dẫn cách sử dụng vũ khí cho đội Thanh niên Tiền phong ở Bà Rịa. Tác phong nhanh nhẹn, tính tình thật thà, thẳng thắn, Lê Thành Duy được anh em đồng chí tin yêu. Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, Lê Thành Duy được tuyển chọn vào lực lượng “Quốc gia tự vệ cuộc” của tỉnh, sau này đổi thành Ty Công an tỉnh Bà Rịa - tiền thân của Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ngày nay. Trong thời gian tham gia xây dựng và bảo vệ chính quyền (25/8/1945 - 9/2/1946), Lê Thành Duy đã phát huy cao độ khả năng tổ chức quân sự, cùng đồng đội tiêu diệt nhiều tên Việt gian, trấn áp nhiều tổ chức của Nhật, Pháp có âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng.
Lê Thành Duy luôn xông xáo trong các hoạt động của tổ chức. Ông cùng các ông: Lê Thành Vĩnh, Võ Văn Ấn… vốn biết tiếng Pháp nên đã vận động được các chủ sở tây ở vùng cao su ra hàng Việt Minh. Ông cùng đồng đội từng đột nhập sân bay ở Phú Mỹ lấy súng, đạn đem về cho lực lượng Quốc gia tự vệ cuộc. Một lần khác, Lê Thành Duy cùng lực lượng Quốc gia tự vệ cuộc phục kích 2 xe ô tô của lính Nhật, thu hơn 60 khẩu súng các loại. Khi được giao nhiệm vụ Chỉ huy trưởng lực lượng xung kích của Quốc gia tự vệ cuộc, Lê Thành Duy từng chỉ huy đơn vị đánh trả thắng lợi nhiều đợt tấn công của lính Nhật tiến vào TX. Bà Rịa như: trận đánh trả ở cầu Long Hương, Đình thần Phước Lễ, cầu Cỏ May.
Khi Pháp tái chiếm tỉnh Bà Rịa ngày 9/2/1946, giữa muôn vàn khó khăn gian khổ, Lê Thành Duy đã không do dự, cùng anh trai, em gái vào rừng tham gia kháng chiến theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng và Bác Hồ kính yêu.