Vướng mắc trong bổ sung giấy tờ, DN thủy sản gặp khó
Doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu thủy sản đang gặp nhiều khó khăn trong việc xác minh, bổ sung giấy tờ để được hoàn thuế đối với số nguyên liệu đã thu mua của ngư dân từ năm 2016-2017.
Các DN thủy sản đang gặp khó trong việc xác minh giấy tờ tàu cá để hoàn thành các thủ tục về thuế VAT, thu nhập DN. Trong ảnh: Nhân viên Baseafood 1 (TP.Bà Rịa) thu mua hải sản từ ngư dân. |
Khó kham nổi khoản thuế truy thu và phạt
Theo Hội Thủy sản tỉnh, thời gian gần đây, Cục Thuế tỉnh tổ chức việc thanh, kiểm tra thuế từ năm 2016-2017 tại hầu hết các DN chế biến thủy sản xuất khẩu trên trên địa bàn tỉnh.
Quá trình thanh, kiểm tra, Cục Thuế phát hiện các DN chế biến thủy sản kê khai thu mua nguyên liệu từ một số tàu thuyền đánh bắt hải sản chưa có giấy phép khai thác.
Theo quy định, chi phí thu mua nguyên liệu từ những tàu, thuyền này sẽ không được tính vào chi phí. DN phải nộp thuế thu nhập DN và bị phạt chậm nộp thuế (tính từ năm 2016 đến nay).
Hội Thủy sản cho rằng, khoản tiền phải nộp này sẽ rất lớn, có nguy cơ đẩy DN rơi vào tình trạng đóng cửa, ngưng hoạt động. Để khắc phục, Cục Thuế đã yêu cầu DN bổ sung giấy tờ, chứng từ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư 96/2015/TT-BTC là lập bản kê 01/TNDN với đầy đủ các mục khai báo về họ tên, địa chỉ, CMND người bán, số lượng mua… cùng với các loại giấy tờ tàu cá.
Tuy nhiên, DN gặp nhiều khó khăn trong quá trình bổ sung chứng từ, giấy tờ tàu cá, do đến nay đã trải qua 8 năm, nhiều trường hợp không tìm được chủ tàu.
Một thống kê cho thấy, từ năm 2016 đến nay, số lượng tàu cá của tỉnh đã giảm hơn 1.900 tàu (hiện còn 4.345 tàu), với các lý do: tàu đã bán, giải bản, mất tích, chìm, cháy,… Nhiều tàu đã không còn hoạt động, chủ ghe đã chuyển nghề, chuyển đi nơi khác sinh sống.
Kiến nghị gỡ khó cho DN
Ông Nguyễn Thành Lộc, Chủ tịch Hội Thủy sản tỉnh cho biết, toàn tỉnh có 37 DN chế biến thủy sản đang gặp khó khăn trong việc bổ sung thủ tục, giấy tờ hợp lệ về nguyên liệu đã thu mua từ các tàu cá, giai đoạn 2016 đến nay.
Do yêu cầu xuất khẩu, các DN mua nguyên liệu từ tàu cá khắp nơi trong cả nước. Nhiều DN phải đi cả ngàn cây số chỉ để xác minh một lô nguyên liệu, rất tốn kém chi phí và thời gian.
Tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại với DN của lãnh đạo tỉnh ngày 25/9, đại diện Hội Thủy sản tỉnh đã kiến nghị lãnh đạo UBND và Cục Thuế tỉnh xem xét, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN chế biến thủy sản.
Hội Thủy sản kiến nghị thời gian xác minh giấy tờ tàu thuyền đánh bắt hải sản nên bắt đầu từ năm 2023 thay vì từ năm 2016-2017, vì từ đó đến nay đã có nhiều thay đổi về cả bối cảnh hoạt động kinh tế - xã hội và cả chính sách pháp luật của Nhà nước.
Ngoài ra, Hội Thủy sản đề xuất sửa đổi điểm 2.4, Khoản 2, Điều 4, Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính theo hướng để cho các nậu, vựa được bán hải sản trực tiếp cho DN chế biến thay vì ngư dân. Vì thực tế, số lượng nguyên liệu mà DN thủy sản thu mua để phục vụ nhu cầu xuất khẩu là rất lớn với chất lượng và kích cỡ từng chủng loại khác nhau. Do đó, DN không thể trực tiếp thu mua của từng ngư dân trong cả nước mà phải thông qua trung gian là chủ vựa, thương lái phân loại và vận chuyển đến DN chế biến xuất khẩu.
Hội Thủy sản cũng kiến nghị ngành thuế cho doanh nghiệp chế biến thủy sản kê khai thu hộ cho nậu, vựa hoặc ngư dân khi DN chế biến lập bản kê 01/TNDN. DN chế biến thủy sản sẽ nộp thuế thay cho các nậu, vựa và ngư dân đã bán nguyên liệu cho DN dưới hình thức thu thuế khoán cá nhân kinh doanh đối với ngành thủy sản để tránh thất thoát thuế của Nhà nước.
Trao đổi lại với Hội Thủy sản tại hội nghị, ông Trần Hiệp Hưng, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh ghi nhận các kiến nghị của Hội Thủy sản về sửa đổi chính sách, thông tư quy định và sẽ báo cáo lên Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính. Ông Hưng cũng khẳng định, tàu cá đi khai thác thủy sản phải đảm bảo có đầy đủ giấy tờ hợp lệ theo Luật Thủy sản và việc Cục Thuế yêu cầu DN cung cấp các loại giấy tờ này cũng là theo luật định.
Bài, ảnh: NGỌC MINH