.

NỖI BUỒN "CÂY ĐƯỚC SÔNG DINH"

Cập nhật: 08:45, 18/04/2004 (GMT+7)

"Ai tạo hình cho những cây đước mà khéo thế?". Bà Cicelia, một chuyên gia báo chí của Thụy Điển khi nhìn thấy những cây đước hai bên bờ sông Dinh, dọc theo đường Quốc lộ 51A, đoạn từ Bà Rịa đi Vũng Tàu đã phải thốt lên như vậy. Câu hỏi của người chuyên gia nước ngoài này đã khiến dòng suy nghĩ của tôi trở về với những cây đước, vốn là hình ảnh rất quen thuộc đối với những ai đã đến Vũng Tàu.

Nhiều vạt rừng đước bị chặt trơ trụi, chỉ còn những gốc cây như những bộ xương khô vươn lên trời kêu cứu

MÓN QUÀ QUÝ CỦA THIÊN NHIÊN

Gọi là "rừng" vì từ vùng ven sông Dinh, chạy suốt chiều dài gần 8 km dọc theo đường Quốc lộ 51A, đoạn nối Bà Rịa và Vũng Tàu có nhiều cây ngập mặn mọc lên. Ở dải ven sông này có hai loại cây ngập mặn là đước và mắm nhưng người ta cứ quen gọi nơi đây là rừng đước, có lẽ vì "ngoại hình" của cây đước gây ấn tượng mạnh hơn.

Không chỉ có khách nước ngoài mà ngay cả người trong nước lần đầu tiên đến Vũng Tàu, khi đi qua đoạn rừng đước đều mở cửa xe để tận hưởng không khí trong lành và ngắm nhìn rừng đước. Những cây đước tán tròn toả đều ra xung quanh, tưởng như có ai đó đã đẽo gọt rất công phu để tạo hình cho chúng giống như những cây nấm xanh khổng lồ trôi trên mặt nước. Để tồn tại và sinh sôi, mỗi cây đước đã rất vất vả cắm hàng ngàn chiếc rễ xuống sình lầy kiếm tìm sự sống. Chính bộ rễ này là thành lũy tốt nhất giúp đất liền chống lại sự xâm thực của biển, của sông. Rừng đước là thành lũy góp phần "che bộ đội, vây quân thù" trong hai cuộc kháng chiến. Rừng đước cũng là ngôi nhà của các loài động vật thủy sinh, tạo nên hệ sinh thái đa dạng của rừng ngập mặn. Với tất cả những gì mà rừng đước mang lại, con người đã phát triển thành các khu du lịch nổi tiếng như  Khu du lịch Cần Giờ (TP.Hồ Chí Minh), ngày càng hấp dẫn du khách nhiều hơn.

AI LÀ NGƯỜI QUẢN LÝ?

Có lẽ vì quá quen thuộc với đước, mắm rồi nên chỉ đến khi có việc phải tập trung tìm hiểu về rừng đước, tôi mới nhận ra những đặc tính quý giá của món quà do thiên nhiên trao tặng này. 

Đứng trên cầu Cỏ May ngắm xuống, nhìn thấy những trảng xanh uốn lượn theo từng nhịp bờ cong của sông Dinh, giống như những nét vẽ trong tranh. Tôi chỉ tiếc tầm mắt mình có hạn, không thấy được những trảng đước kéo dài đến đâu. Tôi thầm nghĩ, nếu như trên dòng sông này có một tour du lịch, chắc hẳn sẽ hấp dẫn được nhiều du khách.

Thế như cách chân cầu Cỏ May chừng vài trăm mét phía bên trái, ai đó đã chặt đước, mắm để san lấp một diện tích rộng chừng một cái sân bóng. Giữa trảng xanh của đước và mắm, cái "sân bóng" như vết sẹo nổi hẳn lên bởi màu trắng bệch của nó. Cách đó không xa, một diện tích đước, mắm tương tự cũng đã bị chặt trụi, có lẽ đang chờ được san lấp. Những người dân làm ăn ở đây cho biết những "vết sẹo" như vậy trong dải rừng đước ven sông Dinh không phải là ít.

Trong vai người đi mua đùng, tôi hỏi một người làm thuê tại một đùng nằm ngay cầu Cầu Khế: "Mua đùng xong, tôi muốn chặt cây đước để nuôi tôm giống được không anh?" _ "Chị mua xong là quyền của chị,  chặt cây hay làm gì cũng được, ai dám ngăn cản! Chị tưởng những cái đùng này trước không có đước, mắm hay sao. Người ta phải chặt cây cả đấy".

Đúng như người đàn ông ấy nói, có những trảng đước, mắm rộng chừng 4-5 ha đã bị chặt trụi, những cái gốc đước còn trơ  lại trắng phêu, trông giống như những bộ xương bàn tay khô khốc đang giơ lên trời cầu xin một điều gì đó. Hình như khi đã "mua" rồi thì người ta muốn chặt bao nhiêu đước cũng được.

Những người sống ở Vũng Tàu nói rằng trước đây đước mọc thành từng trảng rải đều ven theo bờ sông Dinh, dọc đường Quốc lộ 51A, đoạn  Bà Rịa đi Vũng Tàu. Những năm sau giải phóng, đước đã từng bị chặt phá gần hết để làm củi, hầm than. Sau đó đã có thời chính quyền địa phương, Ban Trồng rừng đặc khu Vũng Tàu–Côn Đảo huy động các lực lượng trồng đước, gây dựng lại vùng rừng ngập mặn này nhưng nhiều người dân vẫn cứ tiếp tục chặt đước, mắm để khoanh đùng đánh bắt, nuôi trồng hải sản, làm ruộng muối, thậm chí san lấp mặt bằng để xây dựng nhà ở… Rừng đước, mắm biến thành của tư nhân và các đơn vị khai thác thủy hải sản và làm muối. Một diện tích đước, mắm không nhỏ đã bị chặt hạ, thay vào đó là đùng, thửa và nhà cửa. Đước và mắm bị đẩy ra xa phía ngoài bờ sông.  

Cách đây chừng một năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho ngành kiểm lâm tỉnh có kế hoạch bảo vệ và trồng lại rừng đước dọc theo Quốc lộ 51A.  Nhưng cho đến nay, kế hoạch này vẫn chưa được triển khai. Bà Tạ Thị Minh Dung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vũng Tàu cho biết: "Hiện tại rừng đước không thuộc đất kiểm lâm quản lý, tất cả đều là của tư nhân và một số cơ quan đơn vị khai thác để làm muối, nuôi trồng thủy sản. Hạt chỉ mới có thể thông báo đến từng hộ làm đùng là không được chặt phá cây đước, không được tiếp tục san lấp mặt bằng, chứ chưa có một cơ chế quản lý nào".

Hiện tại, chưa có ai nắm rõ danh sách của hộ dân đang làm đùng, làm muối tại các khu rừng đước. Cũng chưa có một con số thống kê chính thức nào về diện tích rừng đước, mắm dọc theo Quốc lộ 51A.

UBND phường 12, TP. Vũng Tàu hiện đang được giao nhiệm vụ quản lý 162,49 ha đất (trước đây thuôïc Công ty Bình Châu), đã gửi giấy mời tới những người đang canh tác trên diện tích này nhưng không ai đến. UBND phường 12 cũng không biết được chính xác tên của những chủ đùng, vì có nhiều đùng đã bị  sang nhượng qua nhiều người.

VÀI ĐIỀU THAY LỜI KẾT

Ngày nay chuyện trồng đước có lẽ chỉ còn trong cổ tích? Thế nhưng lại có chuyện một người dân làm đùng trong một đêm đã thuê người trồng hàng ngàn cây đước. Chuyện khó tin này xảy ra tại bờ sông Thị Vải (Tân Thành), khi người này nghe tin đùng của mình sẽ bị giải tỏa để xây dựng một dự án công nghiệp. Họ trồng để rồi hy vọng sẽ được đền bù theo đầu cây đước. Tôi thầm nghĩ, nếu như có những dự án xây dựng trên diện tích rừng đước dọc theo sông Dinh, chỉ cần một đêm sau khi có thông tin này, rừng đước, mắm sẽ được phủ xanh trở lại.

Trên đường về, màu xanh mát mắt của đước và mắm dọc hai bên đường khiến tôi cảm thấy những bông hoa đủ màu sặc sỡ được trồng ở dải phân cách của Quốc lộ 51A trở nên tẻ nhạt, lạc lõng. Tôi tin rằng, du khách đến Vũng Tàu, ít ai để mắt đến những bông hoa trên dải phân cách này, bởi họ còn mải thả tầm nhìn của mình trong không gian xanh và hình dáng ngồ ngộ của cây đước trong vùng rừng ngập mặn. Mong cho cây đước, cây mắm không bị đẩy xa hơn nữa ra ngoài phía mép sông để du khách đến Vũng Tàu được tận hưởng món quà quý giá này của thiên nhiên.

.
.
.