AI BẢO VỆ RỪNG XUYÊN MỘC ?
NGƯỜI BẢO VỆ TRỞ THÀNH KẺ PHÁ HOẠI Nhận được tin báo của người dân, sáng ngày 30-3-2004, chúng tôi có mặt tại hiện trường vụ phá rừng làm đùng nuôi tôm tại khu vực rừng đệm khu Bảo tồn Thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu. Tại đây, một vùng rừng bị chặt phá tan hoang, vết chặt cây vẫn còn mới, khoảng rừng chỉ còn trơ lại những cụm rễ trắng, cây được gom lại chất thành đống đốt cháy nham nhở... Bên cạnh đó là một khu đùng mới được đào rộng... Đây là vụ phá rừng ngập mặn lần thứ 2 được phát hiện trong vòng nửa tháng qua.
Ba thợ máy đã bỏ trốn vào rừng ngay khi biết việc làm của họ bị phát hiện. Lực lượng kiểm tra đã đưa 3 máy xúc trên về trạm dự án 327 rừng phòng hộ chờ xử lý. Việc một hộ dân được giao khoán bảo vệ rừng nhưng đã thuê một lúc 3 xe xúc đất làm việc "cấp tập" phá rừng đào đùng là một việc làm "không bình thường" trong khi đã có những quy định, cảnh báo nghiêm ngặt của các lực lượng kiểm lâm. Ông Phan Thanh Dài, cán bộ Đội cơ động thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng đây là một vụ phá rừng có quy mô lớn, có sự chuẩn bị kỹ càng. Vì sao bà Tám từ một người nhận hợp đồng giao khoán, bảo vệ, chăm sóc rừng lại trở thành một kẻ phá rừng với quy mô lớn? Một cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh cho biết: Trong thực tế, lợi nhuận có được từ việc phá rừng làm đùng nuôi tôm công nghiệp lớn hơn nhiều lần so với lợi nhuận có được từ việc, chăm sóc rừng. Trước mối lợi này, không ít người đã cố tình phá hoại những gì mình đã nhận bảo vệ. Ngoài những vụ vi phạm nghiêm trọng với quy mô lớn, còn không ít trường hợp người dân đã lén chặt cây hoặc đốt cỏ cho cây chết rồi đi báo cho kiểm lâm để có cớ chặt cây rừng, tạo khoảng trống để canh tác các loại cây ăn trái khác. NHIỀU SÃI, KHÔNG AI GÁC CỬA CHÙA Năm 2001, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo nghiêm cấm các hộ gia đình, cá nhân chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng, làm đùng mới để nuôi trồng thuỷ sản trên diện tích đất rừng ngập mặn chưa được quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản. Văn bản cũng nói rõ việc tu sửa đùng cũ đã có trước đây chỉ được dùng biện pháp thủ công và phải đảm bảo nguyên tắc nuôi trồng thuỷ sản không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của cây rừng, không làm cho cây rừng bị chết do ngập, bí nước và không làm ảnh hưởng tác dụng của rừng. Chủ trương khoán bảo vệ rừng, gây trồng rừng phòng hộ giữa Khu bảo tồn Thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu với người dân là một chủ trương đúng đắn. Người dân coi sóc rừng được hưởng các sản phẩm do mình kết hợp làm ra như trồng xen cây công nghiệp, cây dược liệu trên diện tích nhận khoán, nhưng không làm tác hại đến cây rừng. Họ cũng được thu hái đặc sản, hạt giống, lâm sản phụ, củi khô (nhưng không ảnh hưởng đến chức năng phòng hộ của rừng). Người dân cũng được hưởng toàn bộ sản phẩm tỉa thưa trong quá trình bảo vệ rừng, gây rừng phòng hộ (sau khi được cơ quan chức năng kiểm tra xác nhận và cho phép). Ngoài ra, tiền công khoán bảo vệ rừng là 50.000 đồng/1ha/năm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đa số các hộ nhận khoán rừng để chăm sóc, bảo vệ không phải là dân địa phương, một số hộ nhận khoán diện tích nhiều nhưng chưa bố trí đủ người để bảo vệ. Diện tích rừng được giao quá lớn, vượt quá khả năng coi sóc của người dân, gây không ít khó khăn trong công tác bảo vệ rừng. Hơn nữa, hiện nay việc bàn giao rừng giữa hai "chủ rừng" từ Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu cho Ban quản lý rừng phòng hộ mới diễn ra trên giấy tờ, chưa bàn giao thực địa. Tình trạng này khiến một số người "thừa nước đục thả câu" phá rừng lấn đất. Họ lén lút phá rừng, hy vọng khi bị phát hiện thì "mọi việc đã rồi" và sẽ dần dần hợp thức hoá. Một cán bộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng: Người dân nghĩ là khi "chủ rừng" chưa rõ là ai thì vấn đề trách nhiệm thuộc về ai cũng sẽ chưa cho rõ ràng. Cán bộ này cũng biết thêm là "chưa biết bao giờ việc bàn giao này mới xong"(?!). Rõ ràng, việc chậm trễ này đang gây nên hậu quả xấu trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Vụ đào đùng nuôi tôm sẽ bị xử lý sau khi các cơ quan chức năng xác minh rõ ràng đúng người đúng tội. Theo thông tin chúng tôi mới nhận được, UBND huyện Xuyên Mộc đã chỉ đạo điều tra và xử lý nghiêm túc vụ bà Huỳnh Thị Sang phá rừng. Rồi đây, vụ việc này sẽ được xử lý nghiêm minh để răn đe những người cố tình phá rừng khác. Bởi vì rừng bị phá thì phải cần hàng chục năm sau mới phục hồi lại được. Trong nhiều vụ đã có những mức phạt là yêu cầu "phục hồi lại nguyên hiện trạng ban đầu", nhưng theo một cán bộ kiểm lâm thì chưa ai làm được điều này. Và như vậy, một khi rừng đã mất là ...mất luôn! |