.
HƯỞNG ỨNG GIẢI BÁO CHÍ TOÀN QUỐC VỀ QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN (GIẢI DIÊN HỒNG) LẦN THỨ BA

Dự án cao tốc tỉnh giấc nhờ cơ chế đặc thù - Kỳ 1: Chuyển từ PPP sang đầu tư công

Cập nhật: 16:37, 25/08/2024 (GMT+7)

Video clip:

Chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu bằng phương thức đầu tư công đã được Quốc hội khóa XV bấm nút thông qua tại Kỳ họp thứ 3 vào tháng 6/2022. Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là minh chứng rõ ràng cho sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành...

Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1. Ảnh: CHÂU VŨ
Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1. Ảnh: CHÂU VŨ

Ngay khi Quốc hội thông qua, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh rất phấn khởi. Vì nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và doanh nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về một cao tốc đã được Quốc hội tán thành.

11 năm tìm phương án khả thi

Năm 2008, Bộ GT-VT đề xuất xây dựng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, để chia tải với Quốc lộ 51 (QL51), đồng thời hoạch định kết nối, tạo đà cho TP.Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ phát huy tiềm năng, lợi thế. Một năm sau, Bộ GT-VT giao Công ty CP Phát triển đường bộ cao tốc Biên Hòa -Vũng Tàu (BVEC), nhà đầu tư BOT QL51 nghiên cứu phương thức đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu…

Những bước triển khai ban đầu từ khi có đề xuất là khá thuận lợi và khẩn trương, cho thấy quyết tâm cao của Chính phủ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu “ngủ quên” giữa nhịp phát triển sôi động của Bà Rịa - Vũng Tàu và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cho đến 11 năm sau, năm 2019 vẫn chưa xác định được nguồn vốn lẫn phương thức đầu tư khả thi cho dự án này.

Trong 11 năm đó, QL51-tuyến đường huyết mạch kết nối vùng Đông Nam Bộ với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày càng quá tải trầm trọng. QL51 thường xuyên ùn tắc, mặt đường xuống cấp, phải nâng cấp, sửa chữa liên tục. Lưu lượng phương tiện vượt 10 lần thiết kế ban đầu. Cửa ngõ quan trọng nhất vào Bà Rịa- Vũng Tàu, địa phương có tiềm lực và nguồn thu ngân sách top đầu cả nước hẹp dần. QL51 như huyết mạch bị hẹp dòng lưu thông vì những “cục máu đông” phát sinh từ quá trình phát triển tất yếu của kinh tế - xã hội, của sự gia tăng chóng mặt lưu lượng xe cộ.

Thách thức đó buộc các cấp, các ngành và chính quyền địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ hơn để đưa dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sớm trở thành hiện thực. Năm 2021, Bộ GT-VT đã chính thức đề xuất xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tiếp đó, ngày 23/9/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1602/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu (giai đoạn 1) theo phương thức PPP, với tổng mức đầu tư 19.616 tỷ đồng.

Ngày 13/2/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ thị sát tiến độ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Ảnh: TRÀ NGÂN
Ngày 13/2/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ thị sát tiến độ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Ảnh: TRÀ NGÂN

Hành trình thay đổi phương án đầu tư

Nhưng bất cập một lần nữa phát sinh chính tại phương thức đầu tư. PPP vào thời điểm được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định hoàn toàn không đạt hiệu quả và tiến độ như mong muốn. 

Ngày 5/1/2022, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có Công văn số 05/ĐĐBQH-VP báo cáo Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Hội đồng và các Ủy ban của Quốc hội đề nghị xem xét chấp thuận Đầu tư công Dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu theo Nghị quyết về giải pháp tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. 

Tại công văn này, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu rõ: “Nếu đầu tư PPP thì khó khăn trong việc thu xếp tài chính của các nhà đầu tư trong điều kiện ảnh hưởng lớn của đại dịch COVID-19 và dự án sẽ bị kéo dài, thậm chí chậm trễ trong triển khai”.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 10/6/2022 về chủ trương đầu tư dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 10/6/2022 về chủ trương đầu tư dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Ảnh: CHÂU VŨ
“Tôi thống nhất cao với các báo cáo, tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội và 3 dự thảo nghị quyết về chủ trương đầu tư đường bộ cao tốc  giai đoạn 1 của Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa- Buôn Mê Thuộc và Biên Hòa - Vũng Tàu.
Các báo cáo, tờ trình của Chính phủ chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng; Ủy ban Kinh tế đã thẩm tra chặt chẽ và toàn diện, có nhiều ý kiến nhận xét, đánh giá về tình hình thực tiễn khi triển khai các dự án trên với thời gian rất ngắn, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao.
Việc đầu tư xây dựng 3 dự án trên phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và các nghị quyết của Quốc hội đã ban hành, đảm bảo cơ sở chính trị và thực tiễn trước yêu cầu cấp thiết hiện nay”.
(Trích phát biểu của bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tại phiên họp toàn thể của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vào ngày 10/6/2022)

Bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, thời điểm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư dự án theo phương thức PPP cũng là thời điểm cả nước thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19. Dự báo về phương thức PPP sẽ gặp khó khăn trong kêu gọi đầu tư, Đoàn ĐBQH tỉnh đã kết nối thông tin giữa Bà Rịa - Vũng Tàu với Trung ương, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thay đổi phương thức đầu tư PPP sang đầu tư công.

Nhưng chuyển phương thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công là một hành trình gian nan. Trên thực tế, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có chủ trương xin ý kiến Quốc hội chuyển chủ trương đầu tư đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu từ PPP sang đầu tư công đã gặp nhiều ý kiến trái chiều từ nghị trường và dư luận.

Đoàn ĐBQH tỉnh chuẩn bị đầy đủ tài liệu, phân công từng đại biểu gặp gỡ, trao đổi, báo cáo, cung cấp thông tin đến các đoàn ĐBQH, các ĐBQH chứng minh sự cần thiết chuyển sang phương thức đầu tư công. Việc đầu tư dự án cao tốc theo phương thức đầu tư công là vì sự phát triển chung của đất nước, phát triển hệ thống cảng biển, kinh tế biển của quốc gia.

Hiện nay toàn tuyến cao tốc nhiều đoạn đã thông xe kỹ thuật. Ảnh: TRÀ NGÂN
Hiện nay toàn tuyến cao tốc nhiều đoạn đã thông xe kỹ thuật. Ảnh: TRÀ NGÂN

Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vào đầu tháng 6/2022, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã báo cáo với Quốc hội để làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.

Bà Nguyễn Thị Yến cho biết, tuyến QL51 từ TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đến TP.Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) là tuyến đường bộ gần như độc đạo nối các tỉnh miền Tây, miền Nam với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tuyến đường này đã quá tải nghiêm trọng, thường xuyên ùn tắc dẫn đến xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội của 2 tỉnh nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Tại Quyết định số 1454, ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ của quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu dài khoảng 80km nhưng chỉ đầu tư xây dựng từ đoạn TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đến TP.Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) dài 53,7km. Tuyến còn lại nối từ cao tốc đến nút giao Phú Mỹ đến cảng Cái Mép-Thị Vải và đoạn cuối tuyến cao tốc từ TP.Bà Rịa đến TP.Vũng Tàu với tổng chiều dài khoảng 24,4km, Chính phủ yêu cầu tách ra, giao cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đầu tư với dự toán khoảng 10.000 tỷ đồng.

Để phát huy tối đa hiệu quả khai thác tuyến đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (dự kiến đưa vào sử dụng năm 2025), tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tập trung đầu tư các tuyến giao thông kết nối vùng như cầu Phước An, đường liên cảng Cái Mép-Thị Vải, đường Phước Hòa-Cái Mép, đường 991b, các tuyến đường ven biển, tuyến giao cắt QL56 với cao tốc.

Dự án cao tốc sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho nền kinh tế đất nước vì sẽ giải quyết những vấn đề lớn của thực tiễn. Đó là giải quyết tình trạng quá tải, mãn tải lưu lượng xe ùn ứ cục bộ tại các điểm giao thông kết nối đến TP.Bà Rịa từ khoảng 2 giờ xuống còn 1 giờ. Giảm chi phí, thời gian rất lớn cho người dân và doanh nghiệp. Vì những giờ cao điểm phải đi từ 3-4 giờ đồng hồ.

Dự án trở thành tuyến đường huyết mạch trong kết nối giao thông đa phương thức, kết nối các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp, hệ thống cảng biển. Cụ thể, kết nối và khai thác đồng bộ với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông vì có 12,6km trùng trên đường này. Đồng thời kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành (dự kiến đi vào hoạt động năm 2025) để vận chuyển hàng hóa, hành khách…

Đặc biệt là kết nối, phát huy tối đa tiềm năng Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là cảng biển nước sâu đặc biệt của cả nước, là 1 trong 20 cảng lớn nhất của thế giới có độ nước sâu -14,5m và đón được tàu siêu trọng 214.124 tấn. Năm 2021, mặc dù chịu sự ảnh hưởng rất lớn của đại dịch COVID-19, Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải vẫn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, thu thuế xuất nhập khẩu của tỉnh đạt 22.000 tỷ đồng và nộp về Trung ương, góp phần xuất siêu trong 4 tỷ USD Mỹ của cả nước. Lượng hàng qua cảng đạt 113,65 triệu tấn.

Nghị quyết 59/2022/QH15 được Quốc hội thông qua là quyết định đúng đắn về chủ trương đầu tư, thể hiện sự ủng hộ của cơ quan lập pháp đối với dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.
Quá trình thông qua nghị quyết là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành liên quan. Mỗi chủ thể đều đóng vai trò quan trọng trong việc đưa dự án trở thành hiện thực, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Nghị quyết đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, của cả hệ thống chính trị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về giao thông kết nối đa phương thức, tạo động lực, không gian phát triển cho tỉnh và vùng Đông Nam Bộ.

Ngày 25/5/2022, Ngân hàng thế giới và Hãng tin Tài Chính đã công bố chỉ số của cảng container thì Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được xếp là 11/370 cảng container cửa ngõ xuất nhập khẩu và trung chuyển toàn cầu hiệu quả nhất thế giới.

Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải  cũng tạo ra động lực kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - vùng đóng góp khoảng 40% GDP cả nước; phát triển du lịch, phát triển kinh tế biển theo Nghị quyết 36 của Đảng. Năm 2021 cụm cảng đón 110 lượt chuyến tàu khách quốc tế (tàu lớn nhất chở 5.500 khách), xuất cảnh với 270.000 lượt khách của 126 quốc gia; góp phần cho chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ.

“Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và tỉnh Đồng Nai đã chuẩn bị tốt cho công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư... Rất mong Quốc hội quan tâm, ủng hộ cho 3 tuyến cao tốc, trong đó có Biên Hòa-Vũng Tàu”, bà Nguyễn Thị Yến bày tỏ tại phiên thảo luận Hội trường.

Cuối cùng, những nỗ lực không ngừng nghỉ, với quyết tâm đề đạt nguyện vọng của Nhân dân tỉnh nhà đến Chính phủ, Quốc hội; đồng thời phối hợp với UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan tiến hành khảo sát thực tế, thu thập số liệu, tài liệu chứng minh sự cần thiết đầu tư đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu theo phương thức đầu tư công của Đoàn ĐBQH tỉnh, của hệ thống chính trị tỉnh đã nhận được kết quả như kỳ vọng.

Ngày 16/6/2022, tại Kỳ họp thứ 3, với 475 ĐBQH tán thành (trên tổng số 479 đại biểu tham gia biểu quyết), chiếm 95,38%, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 (Nghị quyết 59/2022/QH15).

Nghị quyết nêu rõ, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu giai đoạn 1. Dự án có chiều dài khoảng 53,7km, chia thành 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công; trong đó Dự án thành phần 3 dài khoảng 19,5km đi qua địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu. Sơ bộ tổng mức đầu tư toàn dự án là 17.837 tỷ đồng; chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2026.

(Còn nữa)

NHÓM PHÓNG VIÊN

.
.
.