Tạo sinh kế, giúp nông dân thoát nghèo

Thứ Ba, 27/02/2024, 18:12 [GMT+7]
In bài này
.

Chương trình hỗ trợ cây, con giống cho hộ hội viên nông dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đã phát huy hiệu quả thiết thực. Nhiều nông dân đã có “cần câu” để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Ông Mai Minh Quang (bên trái), Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh trao bò giống cho hội viên Hoàng Văn Mười, ấp Bàu Ngứa, xã Tân Lâm (huyện Xuyên Mộc).
Ông Mai Minh Quang (bên trái), Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh trao bò giống cho hội viên Hoàng Văn Mười, ấp Bàu Ngứa, xã Tân Lâm (huyện Xuyên Mộc).

Tạo sinh kế từ các mô hình chăn nuôi

Trước đây, gia đình bà Mai Thị Huệ, ở thôn Tân Ro, xã Châu Pha (TX.Phú Mỹ) thuộc diện hộ nghèo do chồng bị bại liệt mất sức lao động, lại phải nuôi con nhỏ. Năm 2022, gia đình bà Huệ được Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Hội Nông dân xã Châu Pha hỗ trợ 5 con heo rừng lai (trọng lượng từ 15-20kg/con), 500kg thực phẩm và thuốc thú y phòng bệnh cho heo.

Nhờ tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trong vườn như cỏ, cây chuối, trái cây các loại, bà Huệ tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi. Sau hơn một năm, đàn heo rừng lai của bà đã phát triển gần 20 con, cho thu lợi nhuận mỗi tháng hơn 8 triệu đồng từ bán heo rừng thương phẩm. Với số tiền thu được từ mô hình nuôi heo rừng, bà Huệ có tiền nuôi các con học hành, chữa trị bệnh cho chồng, cuộc sống gia đình từng bước ổn định.

Cách gia đình bà Mai không xa, ông Nông Văn Bằng, hội viên nông dân thôn Tân Long, xã Châu Pha cũng đã vượt qua khó khăn từ mô hình nuôi dê sinh sản. Từ đàn dê ban đầu chỉ 5 con (4 dê cái sinh sản và 1 dê đực) do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ đầu năm 2023, đến nay, gia đình ông đang sở hữu 15 con.

Ông Bằng cho hay, nguồn thu từ việc chăn nuôi dê và trồng rau ăn lá đã giúp gia đình ông có thu nhập mỗi tháng gần 7 triệu đồng, cuộc sống của gia đình từng bước được cải thiện và thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã cuối năm 2023.

Theo Hội Nông dân xã Châu Pha, giai đoạn 2022-2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hỗ trợ hơn 2.000 con gà, 450 bao cám, thuốc thú y cho 7 hộ nông dân thực hiện mô hình nuôi gà ta thả vườn; hỗ trợ các mô hình nuôi bò sinh sản, nuôi dê sinh sản, nuôi heo rừng lai thương phẩm... qua đó đã tạo sinh kế, giúp cho 10 hội viên nông dân vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn tổ chức các lớp tập huấn phổ biến kiến thức, chuyển giao tiến bộ khoa học cho hơn 50 lượt nông dân tham gia các mô hình chăn nuôi.

Hỗ trợ cây, con giống

Thuộc hộ nghèo của xã Tân Lâm (huyện Xuyên Mộc), cuối năm 2023, ông Hoàng Văn Mười, ở ấp Bàu Ngứa được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ 1 con bò giống sinh sản và 50kg thực phẩm cho bò, chi phí thực hiện gần 20 triệu đồng.

Ông Lâm vui vẻ nói, bò dễ chăm sóc, người nuôi có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi để cắt cỏ, thu gom rơm rạ ngoài đồng làm thức ăn cho bò.

Với quan điểm “trao cần câu” để hội viên có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập giảm nghèo bền vững, đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Sở LĐTBXH tổ chức trao 25 con bò cái sinh sản và 1.250kg thức ăn cho bò cho 25 hộ hội viên, nông dân nghèo; 92 con dê cái, 23 con dê đực và 1.150kg thức ăn cho 23 hộ hội viên; 40 heo cái, 10 heo rừng lai và 5 tấn thức ăn cho 10 hộ hội viên nghèo; 7,2kg giống rau trồng, 1,8 tấn phân hữu cơ sinh học, phân các loại cho 3 hộ thực hiện mô hình trồng rau tại phường Kim Dinh và xã Tân Hưng (TP.Bà Rịa).

“Chúng tôi không chỉ được hỗ trợ bò giống, thức ăn cho bò mà còn được hỗ trợ kỹ thuật để chăn nuôi, bởi vậy tôi yên tâm và hy vọng gia đình sẽ có thêm thu nhập từ nuôi bò sinh sản”, ông Lâm nói.

Thực hiện đề án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững cho hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thị xã tiến hành khảo sát, hỗ trợ sinh kế cho 65 hộ hội viên trên địa bàn các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Long Điền và TX.Phú Mỹ thực hiện các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, nhằm tăng thu nhập cho hộ nghèo và hộ mới thoát nghèo.

Ông Mai Minh Quang, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, tùy vào điều kiện cụ thể của từng hộ để hỗ trợ con giống là dê, bò, heo sinh sản hoặc hỗ trợ vật tư nông nghiệp, phân bón, hạt giống để thực hiện trồng rau ăn lá. Chi phí hỗ trợ gần 20 triệu đồng/hộ. Thời gian thực hiện dự án là 3 năm. Việc hỗ trợ con giống, vật tư nông nghiệp nhằm giúp hộ hội viên nông dân nghèo, hộ mới thoát nghèo có điều kiện phát triển sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, nâng cao đời sống, góp phần tích cực cùng các cấp ủy, chính quyền địa phương hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: ĐINH HÙNG - DƯƠNG TRĂM

;
.