Sản phẩm thương hiệu chung Tsubame Sanjo và Bà Rịa-Vũng Tàu với chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính được đặt mục tiêu đưa ra thị trường vào năm 2024. Thành công dự án được kỳ vọng tạo “cú hích” cho sự phát triển của các DN cơ khí của tỉnh.
Chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn DN kiểu mẫu sản xuất và sử dụng các sản phẩm cơ khí. |
Chuyên gia Nhật Bản “giúp” DN nâng cao tay nghề
Nghệ nhân Suzuki Hisakazu là một nhà điêu khắc có trình độ cao, với các tác phẩm ấn tượng được đặt nhiều nơi tại Nhật Bản. Ông cũng là cố vấn về quy hoạch và thiết kế cho chính quyền địa phương, đồng thời, đang nghiên cứu sản xuất và xây dựng thương hiệu để khôi phục lại một số nghề thủ công truyền thống, sản phẩm địa phương của TP. Sanjo. Nghệ nhân người Nhật Bản cũng đang góp công quảng bá thương hiệu cho các vật phẩm sử dụng vật liệu cũ từ quá trình trùng tu các đền chùa, trong đó, có các di sản thế giới như chùa Nara Yakushiji, đền Kashihara, đền Shimogamo…
Đó là “lý lịch” ấn tượng của một trong nhiều chuyên gia của đoàn công tác TP. Sanjo, tỉnh Niigata, Nhật Bản đến TP. Vũng Tàu cuối tháng 10 vừa qua, trong khuôn khổ chương trình phổ cập, kiểm chứng, thương mại hóa dành cho DNNVV thông qua việc giới thiệu sản phẩm Việt Nam được sản xuất bởi Tsubame-Sanyo và thương hiệu Tsubame-Sanyo tại Việt Nam” (dự án Sanjo).
Các doanh nhân, nghệ nhân nhà khoa học đợt này thuộc 4 tổ hợp lĩnh vực gồm kỹ thuật sản xuất kim loại, sở hữu trí tuệ, môi trường và đào tạo nguồn nhân lực. Trong 2 tuần, đoàn công tác đã thực hiện nhiều hội thảo, buổi trao đổi về các nội dung để chia sẻ các kinh nghiệm về các giải pháp xúc tiến công nghiệp, xây dựng thương hiệu hay bảo vệ môi trường. Những chia sẻ bổ ích của các DN, nhà khoa học TP. Sanjo, một địa phương có thế mạnh về công nghiệp cơ khí của Nhật Bản đã giúp các DN, nhà quản lý của tỉnh hiểu sâu và có thêm kỹ năng, kiến thức trong quản lý về lĩnh vực này.
Cùng với đó, các chuyên gia, nghệ nhân của Nhật Bản đã tiếp tục trực tiếp đến nhà máy của các DN Bà Rịa-Vũng Tàu “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn và chuyển giao công nghệ chế tạo ra các sản phẩm rất tinh xảo, độ chính xác cao như dao, kìm, cưa và một số sản phẩm làm đẹp…
Ông Tatsuya Takahashi, Chủ tịch Công ty Takagi, Trưởng dự án cho biết, kinh nghiệm của các chuyên gia Nhật Bản sẽ giúp cho các DN có thêm kiến thức và hoàn thiện kỹ năng trước khi tiến đến những bước tiếp theo trong dự án là sản xuất ra sản phẩm mang thương hiệu chung.
Đặt mục tiêu sớm có sản phẩm thương hiệu chung Sanjo- Bà Rịa-Vũng Tàu
Ông Trần Đình Bách, Giám đốc Công ty TNHH Alita Tech (TX. Phú Mỹ), một DN được chọn tham gia dự án Sanjo cho biết, không chỉ hướng dẫn kỹ thuật tạo ra các sản phẩm cơ khí chất lượng cao, các chuyên gia Nhật Bản còn hướng dẫn các quy trình, thao tác trong xử lý rác thải, nước thải để vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm nước, điện năng. “Chúng tôi học và tiếp thu được nhiều điều từ cách làm của người Nhật. Hiện nay phía đối tác Nhật Bản đang đề nghị đưa công nhân của DN sang học chuyên sâu hơn để gia công các sản phẩm cơ khí. Công ty khá hào hứng với đề nghị này và sẽ tìm phương án để thực hiện”, ông Bách nói.
Theo đại diện Sở Công thương, các DN được chọn tham gia dự án Sanjo đã phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia Nhật Bản, và được hướng dẫn, hỗ trợ các kỹ thuật đúng các nội dung theo cam kết cũng như kỹ thuật theo các yêu cầu của phía bạn đề ra để tạo ra sản phẩm mang thương hiệu chung Tsubame Sanjo và Bà Rịa-Vũng Tàu. Các DN và cơ quan quản lý của tỉnh cũng đã có chuyến tham quan, trải nghiệm thực tế tại TP. Sanj.
Dự kiến, tháng 4/2024, các chuyên gia Nhật Bản sẽ trở lại Việt Nam để thực hiện các thủ tục để tổng kết dự án. Sau đó sẽ là các bước tiếp theo để sớm biến mục tiêu xây dựng sản phẩm mang thương hiệu chung của 2 địa phương trở thành hiện thực. Xa hơn nữa, TP.Sanjo và Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ tiếp tục gắn kết, đồng hành trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ ngành công nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cũng như hỗ trợ các DN nhỏ và vừa của tỉnh ngày càng lớn mạnh và phát triển.
Bài, ảnh: QUANG VINH