Trong vòng 7 năm trở lại đây, khi giá hạt tiêu giảm mạnh liên tục, người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh như huyện Châu Đức và Xuyên Mộc không còn mặn mà đầu tư, chăm sóc.
Giá tiêu xuống thấp khiến nông dân không còn mặn mà với cây tiêu. Trong ảnh: Bộ đội giúp dân thu hoạch tiêu khi tiêu rơi vào tình trạng rớt giá, giá nhân công thu hoạch tăng cao. |
Luẩn quẩn “chặt-trồng”
Từ giữa năm 2006, cây tiêu bước vào chu kỳ tăng giá. Giá liên tục lập đỉnh, đạt 220 ngàn đồng/kg vào năm 2015. Thu nhập từ cây tiêu mang lại cao đã khiến người dân đổ xô trồng tiêu làm diện tích cây tiêu tăng nóng ở các vùng trồng tiêu trọng điểm, trong đó có Bà Rịa-Vũng Tàu... Cụ thể, năm 2016, diện tích tiêu ở Bà Rịa-Vũng Tàu tăng lên 13.000ha, vượt quy hoạch 5.000ha. Thế nhưng, khi giá tiêu lao dốc và có thời điểm xuống đáy khoảng 34.000 đồng/kg, các hộ dân lại chặt bỏ cây tiêu, chuyển sang cây trồng khác.
Nếu như thời điểm 2013-2015, với diện tích khoảng 2ha cây tiêu cho sản lượng thu hoạch gần 5 tấn/năm, ông Lê Tuấn Nin (thôn Tân Bình, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) thu tiền tỷ mỗi năm. Tuy nhiên, năm 2016, khi giá tiêu xuống đáy, ông đã quyết định chặt bỏ 0,8ha tiêu để chuyển sang trồng sầu riêng và bơ. 1,2ha tiêu còn lại ông cũng chỉ duy trì chăm sóc. Theo ông Nin, việc chặt bỏ một phần diện tích tiêu để chuyển sang trồng cây khác cũng rất tiếc, nhưng giá tiêu xuống quá thấp, trong khi công chăm sóc, chi phí đầu tư cao nên càng làm càng lỗ.
Tiêu rớt giá, ông Lê Tuấn Nin (phải, thôn Tân Bình, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) chỉ còn duy trì vườn tiêu 1,2ha, giảm gần một nửa so với trước đây. |
“1,2ha tiêu không được chăm sóc kỹ như thời điểm giá tiêu cao nên vụ tiêu năm nay sản lượng chỉ đạt gần 2 tấn/ha, giảm khoảng 1 tấn/ha so với trước đây. Số tiêu thu hoạch tôi phơi khô và trữ lại chờ giá lên mới bán chứ bán thời điểm này lỗ nhiều quá, thu không đủ bù chi”, ông Nin buồn rầu cho biết.
Xã Quảng Thành (huyện Châu Đức) từng được gọi là thủ phủ của hồ tiêu nhưng hiện nay diện tích cũng đã giảm nhiều, nhất là sau giá tiêu rớt xuống đáy. Nhiều người dân bỏ bê vườn tiêu hoặc chặt bỏ để chuyển sang trồng các loại cây ca cao, cây ăn trái các loại. Hiện toàn xã chỉ còn khoảng 200ha, giảm hơn 1 nửa so với năm 2016.
Ông Trần Như Phong (ấp Tân Thành, xã Quảng Thành) cho biết, từ năm 2016, giá tiêu giảm sâu liên tục nên năm 2020, ông đã quyết định chặt bỏ toàn bộ diện tích 0,8ha hồ tiêu chuyển sang trồng ca cao. “Giá tiêu quá bấp bênh, trong khi công chăm sóc nhiều buộc gia đình tôi phải phải chặt bỏ toàn bộ diện tích tiêu đã trồng lâu năm chuyển sang trồng loại cây khác. Từ khi chuyển sang ca cao, thu nhập cũng ổn định hơn, ít thắc thỏm lo âu như khi trồng tiêu”, ông Phong nói.
Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, năm 2015, giá bán tiêu đen khô đạt khoảng 220 ngàn đồng/kg đã đem lại nguồn thu nhập khá cho người trồng tiêu. Cũng vì vậy, người dân đổ xô trồng hồ tiêu khiến diện tích tiêu trên địa bàn tỉnh tăng mạnh. Tuy nhiên, sau khi giá tiêu lao dốc, tình trạng chặt bỏ cây tiêu cũng diễn ra ồ ạt khiến diện tích sản xuất hồ tiêu trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm dần.
Nông dân huyện Châu Đức thu hoạch tiêu vụ năm 2023. |
Ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, nguyên nhân khiến diện tích tiêu giảm mạnh là do giá hồ tiêu trong những năm qua liên tục xuống dốc, hiện giá bán hạt tiêu đen dao động từ 40-75.000/kg. Trong khi đó, chi phí đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu, công chăm sóc, công thu hoạch… tăng cao nên ngành hàng hồ tiêu gặp nhiều khó khăn.
Sản phẩm chưa cạnh tranh được trên thị trường
Giá trị do cây hồ tiêu thời gian qua đã và đang góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, tuy nhiên thực tế cho thấy các sản phẩm tiêu vẫn chưa thể cạnh tranh được trên thị trường. Nguyên nhân là do việc canh tác không kiểm soát lượng phân bón và các loại thuốc bảo vệ thực vật làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, mặc dù Bà Rịa-Vũng Tàu là vùng trồng cây tiêu lớn của khu vực, nhưng quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, nông hộ, sản phẩm chủ yếu là xuất thô, giá trị mang lại thấp. Bên cạnh đó, việc thu hoạch, sơ chế, bảo quản tiêu đen hiện còn thủ công.
Tính đến hết năm 2022, diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh còn 10.552ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 9.904ha, sản lượng 19.901 tấn. Như vậy, trong 5 năm qua (từ 2018 đến 2022) diện tích trồng tiêu đã giảm 2.570ha. |
Những hệ lụy đó, khiến cho hạt tiêu của Bà Rịa-Vũng Tàu không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản… Ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Đức cho biết, theo yêu cầu của thị trường thì cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo VSATTP, các nước nhập khẩu lớn đều đưa ra các yêu cầu khắt khe về chất lượng và hướng đến các sản phẩm sản xuất hữu cơ, trong khi hầu hết người nông dân trồng hồ tiêu của huyện chỉ chú trọng đến nâng cao năng suất, chưa quan tâm canh tác theo quy trình, làm ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
“Hồ tiêu Châu Đức chủ yếu vẫn xuất thô, luôn cạnh tranh bằng giá ở phân khúc thấp, chưa có sản phẩm chế biến sâu. Trong sản xuất thì giá trị gia tăng là khâu then chốt, tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung chưa có đơn vị tạo ra sản phẩm chế biến từ hạt hồ tiêu”, ông Khởi nói.
“Từ việc giá hồ tiêu giảm sâu, nguồn cung dư thừa, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN thu mua, chế biến, xuất khẩu hồ tiêu gặp khó khăn. Hồ tiêu là cây trồng cung cấp sản phẩm chủ yếu phục vụ xuất khẩu (trên 90% sản lượng), do vậy sự biến động của giá cả thị trường thế giới đã ảnh hưởng đến sản xuất”, ông Lâm Ngọc Nhâm, Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Bà Rịa-Vũng Tàu thông tin thêm.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU-ĐINH HÙNG
(Còn nữa)