Đường bay Côn Đảo đầy tiềm năng khai thác

Thứ Năm, 22/06/2023, 18:41 [GMT+7]
In bài này
.

Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không giữa đất liền ra Côn Đảo ngày càng tăng. Đây là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư dự án nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo, vừa được Chính phủ giao cho UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Hạ tầng cảng hàng không Côn Đảo hiện còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của các hãng bay.
Hạ tầng cảng hàng không Côn Đảo hiện còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của các hãng bay.

Nhu cầu đi lại ngày càng cao

UBND huyện Côn Đảo cho biết, thời gian qua nhu cầu đi lại của người dân sinh sống trên đảo và khách du lịch rất lớn. Chỉ tính riêng năm 2022, huyện này đón, phục vụ 523.515 lượt khách, tăng hơn 110% so với cùng kỳ, trong đó có 9.215 lượt khách quốc tế. Dự báo trong tương lai, lượng khách du lịch đến Côn Đảo cao gấp nhiều lần hiện nay.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của Côn Đảo là giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt ở lĩnh vực hàng không nên kết nối giữa Côn Đảo với đất liền cũng gặp trở ngại.

Cụ thể, về đường hàng không, tính tới thời điểm hiện tại, chỉ có hai hãng hàng không nội địa đang khai thác các chặng bay đi Côn Đảo gồm: Bamboo Airways và Vietnam Airline. Tần suất 20-30 chuyến/tuần. Nhưng máy bay nhỏ, chỉ đủ 60 khách/chuyến, vì thế việc mua vé rất khó khăn, giá vé cao.

Hoặc du khách có thể đi Côn Đảo bằng trực thăng với thời gian bay từ 50 - 60 phút từ Vũng Tàu đi Côn Đảo và ngược lại. Tuy nhiên, chi phí cao và không bay thường xuyên, chỉ bay vào mỗi thứ Sáu và chủ Nhật hằng tuần nên cũng nhiều hạn chế.

Ông Đỗ Công Thịnh, Phó Giám đốc Ban Quản lý cảng Bến Đầm cho biết, mặc dù có thêm các tuyến kết nối cũng như chất lượng dịch vụ vận tải đường biển đến Côn Đảo được nâng lên, nhưng yếu tố thời tiết ảnh hưởng lớn đến loại hình vận tải này.

Theo ông Thịnh, ở Côn Đảo chia 2 mùa rõ rệt, một mùa gọi là mùa du lịch, bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 9 dương lịch hàng năm. Lúc này trời nắng đẹp, thời tiết thuận lợi để du khách đến Côn Đảo. Do đó, thời điểm này, khách du lịch đến đây thường rất đông. Mùa thứ 2 là mùa gió chướng, bắt đầu từ tháng 9 dương lịch năm nay kéo dài đến hết tháng 4 dương lịch năm sau. Vào thời điểm này, sóng biển rất to, gió mạnh và thường ít nắng, phương tiện đường thủy ra Côn Đảo bị hạn chế do biển động mạnh. Do đó, rất nhiều người muốn lựa chọn đi máy bay.

Chị Nguyễn Thị Thu (du khách TP.Hồ Chí Minh) cho biết, gia đình chị rất thích đi du lịch Côn Đảo, nhưng hạn chế hiện nay là việc đặt vé máy bay gặp nhiều khó khăn, phải chờ lâu, giá cao. Còn đi đường biển mất nhiều thời gian và sức khỏe phải tốt, có con nhỏ nên gia đình chị cũng ít khi lựa chọn loại hình di chuyển này. “Nhiều khi không đặt được vé, hoặc có đặt được cũng chỉ 1-2 vé nên gia đình phải hủy đến Côn Đảo tham quan, nghỉ dưỡng. Nếu sân bay Côn Đảo được nâng cấp sẽ thuận lợi cho du khách đến Côn Đảo hơn”, chị Thu nói.

Hiện nay, sân bay Côn Đảo có mạng lưới đường bay thẳng kết nối từ cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, cho phép hành khách có đa dạng lựa chọn, tối ưu kế hoạch di chuyển, tiết kiệm đáng kể thời gian so với việc phải trung chuyển nhiều phương tiện. 

Du khách có nhu cầu đi máy bay rất cao. Nhưng hạ tầng Cảng hàng không Côn Đảo còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của các hãng bay, dẫn đến Cảng hàng không Côn Đảo chưa phát huy hết vai trò, hiệu quả khai thác và sử dụng. Do đó, lãnh đạo tỉnh cho rằng, kết nối giao thông bằng đường hàng không cần được ưu tiên quan tâm, nhằm đảm bảo đi lại của người dân, phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Nâng cấp toàn diện sân bay Côn Đảo  

Về nâng cấp sân bay Côn Đảo, Bộ GT-VT đã đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và phê duyệt dự án để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, theo kế hoạch thì hạng mục nâng cấp, mở rộng đường băng cất hạ cánh vẫn giữ nguyên theo chiều dài đường băng cũ là 1.830m và dự kiến tiếp nhận máy bay Airbus A320, A321, nhưng trong điều kiện thời tiếp xấu rất khó tiếp nhận. Do đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cần phải nâng cấp toàn diện, kéo dài đường băng để tiếp nhận máy bay Airbus A320, A321 trong điều kiện bình thường.

Theo ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GT-VT, kết luận tại cuộc họp về đầu tư, nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhận định, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo đồng bộ đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ khác để thành cảng hàng không có tầm cỡ quốc gia là cần thiết.

Do đó, Chính phủ yêu cầu Bộ GT-VT lập phương án đầu tư tổng thể, đồng bộ các hạng mục cả đường cất hạ cánh, nhà ga, đường lăn, thẩm định tính toán hiệu quả đầu tư kinh doanh cảng hàng không Côn Đảo.

Đồng thời, yêu cầu UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ động kêu gọi, thu hút nhà đầu tư; triển khai nghiên cứu đầu tư, đánh giá hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và khả năng huy động nguồn vốn; xây dựng Đề án xã hội hóa, đầu tư cảng hàng không Côn Đảo theo phương thức PPP .

Về kêu gọi nhà đầu tư dự án, ông Trần Thượng Chí cho biết, trước đó Công ty CP.An sinh cộng đồng quốc tế (TP.Hồ Chí Minh) và Công ty CP.Tập đoàn Mặt trời (Đà Nẵng) có gửi công văn đến Bộ GT-VT, UBND tỉnh bày tỏ sự quan tâm và đề xuất đầu tư dự án cảng hàng không Côn Đảo. Hiện nay, UBND tỉnh đang tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư đối với dự án nâng cấp, sửa chữa sân bay Côn Đảo. “Với tốc độ phát triển du lịch hiện nay, việc nâng cấp sân bay Côn Đảo sẽ có nhiều tiềm năng để thu hút nhà đầu tư”, lãnh đạo Sở GT-VT nhận định.

Theo quy hoạch, đến năm 2030, cảng hàng không Côn Đảo được thiết kế là sân bay cấp 4C, sân bay quân sự cấp II, công suất 2 triệu hành khách và 4.400 tấn hàng hóa/năm.

Bài, ảnh: PHƯỚC QUÝ

;
.