Ngày 11/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai một số dự án trọng điểm, xử lý những khó khăn, vướng mắc của Tập đoàn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan mô hình khai thác dầu khí. Ảnh: DƯƠNG GIANG |
Cuộc làm việc được kết nối trực tuyến tới 14 điểm cầu trên công trình dầu khí, giàn khai thác ngoài khơi biển Việt Nam và Liên bang Nga thuộc Petrovietnam.
Tại cuộc làm việc, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cho biết, với phương châm hành động “Quản trị biến động, đón đầu xu hướng, kết nối nguồn lực, phát huy công nghệ, thúc đẩy đầu tư, phát triển bền vững” để lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong toàn Tập đoàn.
Tập đoàn tiếp tục khẳng định vai trò trong nền kinh tế Việt Nam, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế, an ninh chủ quyền quốc gia và đóng góp quan trọng cho ngân sách Nhà nước.
Tập đoàn tập trung phát triển các lĩnh vực kinh doanh chính bao gồm: Tìm kiếm - thăm dò - khai thác dầu khí, công nghiệp khí, công nghiệp điện, chế biến - tồn trữ và phân phối sản phẩm dầu khí, dịch vụ dầu khí, trong đó lĩnh vực tìm kiếm - thăm dò - khai thác dầu khí là cốt lõi; giữ vững vị trí là nhà cung cấp khí hàng đầu của Việt Nam; đẩy mạnh phát triển hóa dầu, chế biến sâu các sản phẩm khí và dịch vụ dầu khí chất lượng cao.
Tại buổi làm việc, đại biểu các bộ, ngành Trung ương, các đơn vị trực thuộc Petrovietnam phát biểu làm rõ những kết quả, khó khăn, vướng mắc, bất cập của Tập đoàn; đánh giá, dự báo tình hình năng lượng thế giới và trong nước; vai trò, vị trí của Prtrovietnam đối với sự phát triển của đất nước; giải đáp các kiến nghị của Tập đoàn; gợi mở nhiệm vụ, giải pháp phát triển Tập đoàn trong thời gian tới...
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, trong quá trình phát triển, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam có những thăng trầm, song thành tựu nhiều hơn. Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương, ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của tập thể người lao động dầu khí, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 vừa qua; giữ vững vị trí đầu tàu, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ rõ những bài học mà Tập đoàn cần tiếp tục phát huy thực hiện hoặc khắc phục; đồng thời dành thời gian giải đáp, chỉ đạo xử lý đối với các đề xuất, kiến nghị mà các đơn vị của Petrovietnam đề xuất.
Phân tích tình hình trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ, có thuận lợi, thời cơ đan xem khó khăn, thách thức, song khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là đối với ngành dầu khí, trong đó Petrovietnam có trách nhiệm bảo đảm năng lượng cho đất nước.
Thủ tướng chỉ rõ quan điểm trong phát triển của Tập đoàn Dầu khí là phải kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh, quốc phòng; đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; kết hợp hài hòa, hợp lý giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; phát triển nhanh, nhưng phải bền vững, phải hài hòa, hợp lý giữa nghiên cứu, thăm dò, khai thác, chế biến, sản xuất xăng dầu, hóa chất, xơ sợi.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, Tập đoàn Dầu khí phải đảm bảo mục tiêu không để thiếu năng lượng, nhất là xăng dầu cho xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; xây dựng Tập đoàn lớn mạnh, hiệu quả, đảm bảo an ninh năng lượng; góp phần đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đảm bảo an sinh xã hội.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn phải coi trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy và không ngừng nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp. “Phải củng cố bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phát huy tinh thần đoàn kết nhất trí, dám nghĩ dám làm”, Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tập đoàn tập trung giải quyết những vấn đề tồn đọng nhiều năm, xử lý dứt điểm, không để kéo dài; xây dựng thể chế, cơ chế chính sách phù hợp với xứ mệnh của Tập đoàn, phù hợp với tình hình đất nước, góp phần chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; đẩy mạnh đầu tư, phát triển, cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình; kết hợp giữa thăm dò, khai thác dầu khí với bảo vệ lợi ích quốc gia, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia trên biển; sản xuất trang thiết bị phục vụ công nghiệp dầu khí; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không trải, không manh mún, chia cắt; lựa chọn công việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với Tập đoàn Dầu khí theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp. “Chính phủ luôn đồng hành, có trách nhiệm; quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện đối với sự phát triển của Tập đoàn”, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng tin tưởng Petrovietnam sẽ phát triển, giữ vững và thực sự là một tập đoàn Nhà nước mạnh, cơ quan chủ lực đảm bảo năng lượng quốc gia, nhất là xăng dầu.
Về các kiến nghị của Tập đoàn, Thủ tướng Chính phủ cơ bản nhất trí về mặt chủ trương; một số vấn đề đã được Thủ tướng chỉ đạo thực hiện; giao các Phó Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Petrovietnam giải quyết theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ; đồng thời tổng hợp báo cáo Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến.
PHẠM TIẾP
Năm 2021, tổng nộp ngân sách Nhà nước của toàn Tập đoàn đạt 112,5 ngàn tỷ đồng, vượt 80% kế hoạch năm và tăng 36% so với cùng kỳ; 8 tháng đầu năm 2022, tổng nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn đạt 90,6 ngàn tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch năm 2022 và tăng 45% so với cùng kỳ. |