Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng giao thông

Chủ Nhật, 04/09/2022, 18:41 [GMT+7]
In bài này
.

Đó là ý kiến của nhiều DN tại hội nghị đối thoại giữa UBND tỉnh với các hiệp hội, DN, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài với chủ đề “Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN trong hoạt động, phát triển sản xuất, kinh doanh”, diễn ra ngày 31/8.

Quốc lộ 51 luôn trong tình trạng ùn tắc đã tác động tiêu cực tới việc phát triển kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Quốc lộ 51 luôn trong tình trạng ùn tắc đã tác động tiêu cực tới việc phát triển kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Giao thông quá tải

Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Juergen Weber, Chủ tịch Tiểu ban Vận tải và Hậu cần, Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam cho rằng, chi phí của chuỗi cung ứng tại Việt Nam còn cao, phần lớn là do hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được với lượng hàng hóa cần vận chuyển. Vấn đề này không chỉ gây chậm trễ trong việc vận chuyển và tăng giá thành, mà còn khiến người lao động gặp khó khăn trong việc di chuyển giữa TP.Hồ Chí Minh và cụm cảng Cái Mép-Thị Vải (có thể lên tới 3 tiếng đồng hồ).

Để giải quyết tình trạng trên, ông Juergen Weber đề nghị Bộ GT-VT nghiên cứu mở rộng đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành, cũng như khẩn trương hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông sau cảng để đảm bảo tính cạnh tranh cho hàng hóa của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Ông Miyamura, Trưởng nhóm Bà Rịa - Vũng Tàu của Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, cùng với việc phục hồi các hoạt động kinh tế sau đại dịch COVID-19, hoạt động vận chuyển hàng hóa cũng sôi động hơn. Điều này dẫn đến tình trạng QL51 luôn bị ùn tắc bởi lưu lượng phương tiện tham gia giao thông quá cao. Vì vậy, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần kiến nghị Bộ GT-VT sớm có giải pháp giải quyết tình trạng này.

Từ góc nhìn của nhà đầu tư, đại diện Hiệp hội DN Pháp cho biết, để tiếp tục đẩy mạnh thu hút các DN đầu tư Pháp, Bà Rịa - Vũng Tàu cần cải thiện môi trường đầu tư với những ưu đãi thuế quan hấp dẫn hơn để tăng sức cạnh tranh. Đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng và tập trung phát triển KCN xanh để hướng tới phát triển kinh tế xanh, bền vững để cùng thực hiện cam kết của thủ tướng chính phủ Việt Nam tại hội nghị COP26 là đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây cũng là yếu tố mà các nhà đầu tư Pháp rất quan tâm.

Về phía các nhà đầu tư Hàn Quốc, ông Hag Seong Kim, Chủ tịch Hiệp hội KOCHAM Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị tỉnh giải quyết 4 vấn đề khó khăn của DN gồm: sớm khởi các công trình giao thông kết nối; thành lập trường đào tạo nghề chuyên nghiệp để bảo đảm cung ứng nguồn nhân lực kỹ thuật; giải quyết nhanh thủ tục hành chính; có giải pháp về xử lý nước thải công nghiệp và phòng cháy chữa cháy…  

Một số DN phản ánh tình trạng chậm hoàn thuế giá trị gia tăng từ sau dịch bệnh COVID-19 làm cho DN gặp khó khăn trong vấn đề tài chính phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trước khi hội nghị diễn ra, UBND tỉnh đã nhận được 53 ý kiến, kiến nghị từ 40 DN, nhà đầu tư gửi tới. 8 hiệp hội đại diện cho các DN (7 hiệp hội của các nhà đầu tư nước ngoài và VCCI Chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu trực tiếp tại hội nghị; 12 DN phát biểu với gần 50 ý kiến, kiến nghị ở các lĩnh vực du lịch, công nghiệp, cảng biển. 
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành rà soát và giải quyết dứt điểm những tồn tại thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành tổng hợp giải quyết các nội dung kiến nghị của các DN, nhà đầu tư theo thẩm quyền của tỉnh trước ngày 15/9. Đồng thời, tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát được dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Chuẩn bị khởi công nhiều dự án quan trọng

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, với tinh thần đồng hành cùng DN, tỉnh đã thực hiện các chính sách, giải pháp của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để giảm khó khăn cho DN. Các chính sách cụ thể như: giảm tiền điện, cước viễn thông, giá nước sinh hoạt, mức đóng bảo hiểm; gia hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập DN, tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập DN; giảm trừ các chi phí xác định thu nhập chịu thuế, điều chỉnh giảm một số khoản phí, lệ phí; cho vay ưu đãi trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động... Đặc biệt, tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128 ngày 11/10/2021 của Chính phủ, giúp DN thích ứng và ứng phó với dịch bệnh COVID-19.

Đối với vấn đề hạ tầng giao thông kết nối mà DN, nhà đầu tư quan tâm, ông Nguyễn Văn Thọ thông tin thêm, tỉnh đang tập trung triển khai các thủ tục để khởi công cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu vào tháng 4/2023 (đoạn đi qua Bà Rịa-Vũng Tàu), dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Tuyến đường Vành đai 4 kết nối 5 tỉnh, thành gồm TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh dài 18km kết nối cảng Cái Mép đến phía Đông sân bay Long Thành cũng dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Tuyến đường kết nối vùng tiếp theo là tuyến liên cảng, kết nối cụm cảng Cái Mép với cao tốc Bến Lức - Long Thành, hiện tỉnh đang tập trung thủ tục đầu tư, chuẩn bị khởi công cầu Phước An, cố gắng hoàn thành vào năm 2025.

Về phía DN, các nhà đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị thực hiện đúng cam kết đầu tư, bố trí đầy đủ nhân lực và vật lực để triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Các DN cần tuân thủ nghiêm túc và đầy đủ quy định của pháp luật về đầu tư kinh doanh và nghĩa vụ đối với Nhà nước; chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất gắn với các phương án phòng, chống dịch bệnh hiệu quả nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.