Tiêu chí thu nhập trong Bộ tiêu chí nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 đặt ra cho xã NTM nâng cao tại vùng Đông Nam Bộ là bằng hoặc trên 76 triệu đồng/người/năm. Để đạt và vượt tiêu chí thu nhập này, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực tìm giải pháp phát triển sản xuất trong tình hình mới.
Các địa phương đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Trong ảnh: Mô hình chăn nuôi dê thương phẩm của gia đình ông Nguyễn Trung Hiếu (thôn Sông Xoài 1, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức). |
Tập trung phát triển sản xuất
Huyện Châu Đức có 4 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Địa phương phấn đấu đến cuối năm 2022 sẽ có thêm 3 xã: Láng Lớn, Nghĩa Thành và Quảng Thành được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.
Năm 2019, khi xã Láng Lớn hoàn thành mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, thu nhập của người dân đạt 57,6 triệu đồng/người/năm. Kế thừa nền tảng đó, xã tiếp tục tập trung nguồn lực và đề ra nhiều giải pháp hiệu quả nâng cao thu nhập cho người dân. Theo ông Nguyễn Chí Thanh, Chủ tịch UBND xã Láng Lớn, là một xã có diện tích đất nông nghiệp lớn, với hơn 1.734ha (chiếm 80,37% tổng diện tích đất tự nhiên), xã đã vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa các mô hình mới vào sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao…
Ông Nguyễn Trung Hiếu (thôn Sông Xoài 1, xã Láng Lớn) cho biết, khi vườn tiêu kém hiệu quả và mất giá, ông được địa phương vận động chuyển đổi sang chăn nuôi dê thương phẩm. Ngoài tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, ông còn được địa phương hỗ trợ 16 triệu đồng để phát triển đàn. Sau gần 2 năm chuyển đổi, từ 15 con ban đầu, đến nay đàn dê của gia đình ông tăng lên 60 con. Với hình thức nuôi gối đầu, gia đình mỗi năm xuất trung bình 3 lứa (mỗi lứa khoảng 10 con), mang lại nguồn thu nhập từ 120-150 triệu đồng/năm.
Theo Bộ tiêu chí NTM, năm 2022, thu nhập của xã NTM nâng cao tại vùng trung du miền núi phía Bắc, vùng Bắc Trung bộ chỉ tiêu đạt từ 47 triệu đồng/người trở lên; vùng đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long đạt từ 64 triệu đồng/người trở lên; vùng duyên hải Nam Trung bộ, Tây nguyên từ 52 triệu đồng/người trở lên; vùng Đông Nam bộ từ 76 triệu đồng/người trở lên. |
Nhận thấy mô hình hiệu quả, ông Hiếu cùng 9 hộ dân khác đã thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi dê với tổng đàn hơn 200 con. “Bên cạnh sự cố gắng của từng hộ dân, địa phương thời gian qua đã hỗ trợ chúng tôi tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Nhờ đó, kinh tế gia đình tôi ổn định, thu nhập tăng cao hơn trước”, ông Hiếu chia sẻ.
Huyện Xuyên Mộc hiện có 4/12 xã đạt NTM nâng cao. Trong năm 2022, địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện hoàn thành các tiêu chí xã NTM nâng cao năm 2022 đối với xã Hòa Bình.
Bà Lê Thị Trang Đài, Chủ tịch UBND huyện cho hay, năm 2010, huyện bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, lúc này thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 16,62 triệu đồng/người/năm. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người tại 12 xã xây dựng NTM đạt 60,9 triệu đồng/người/năm, tăng 3,6 lần so với năm 2010.
Đối với tiêu chí thu nhập của các xã NTM nâng cao trong Bộ tiêu chí mới, huyện đang chú trọng phát triển kinh tế, bảo đảm thu nhập cho người dân. Trong đó, tập trung nguồn lực phát triển 2 trụ cột kinh tế của huyện là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch chất lượng cao, từng bước chuẩn hóa sản phẩm mới, phát triển các nhóm sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch, thủ công mỹ nghệ.
Huyện Xuyên Mộc đang tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Trong ảnh: Mô hình trồng nhãn VietGap của gia đình ông Lê Văn Tường (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc). |
Nâng cao thu nhập
Theo Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh, ngoài tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí NTM đối với 47 xã NTM, năm 2022, UBND tỉnh cũng đặt mục tiêu thêm 5 địa phương được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 30/45 xã.
Ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chánh văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh cho biết, để đồng hành cùng địa phương và người dân trong việc hoàn thành các mục tiêu trong Bộ tiêu chí NTM nói chung và tiêu chí thu nhập nói riêng, UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, tập trung vào phát triển sản xuất cụ thể về chính sách phát triển HTX trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nhiều biện pháp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân được các địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai có hiệu quả. Trong ảnh: Mô hình nuôi ong lấy mật tại xã Hoà Hiệp, huyện Xuyên Mộc. |
Tỉnh đã mở rộng liên kết hợp tác sản xuất chế biến và tiêu thụ nông sản thông qua Nghị quyết 21/NQ-HĐND và Nghị quyết 20/NQ-HĐND về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung phát triển những sản phẩm chủ lực đặc biệt là sản phẩm OCOP gắn với du lịch, khai thác quản lý và sử dụng thương hiệu nông sản có hiệu quả thông qua ngành nghề nông thôn và OCOP. Ngoài ra, tỉnh cũng cơ cấu lại ngành nông nghiệp chuyển đổi tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế gắn chặt với các DN trong liên kết sản xuất chế biến bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.
“Để tiếp tục cho giai đoạn tới, ngành nông nghiệp đang tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Nghị quyết về chuyển đổi kinh tế hộ sang trang trại và Nghị quyết phát triển HTX trong lĩnh vực nông nghiệp để các địa phương, DN và người nông dân phát huy được thế mạnh, từng bước ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân”, ông Đăng thông tin.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC