Mô hình "Tổ đổi công", rút ngắn thời gian thu hoạch mùa vụ

Thứ Ba, 05/07/2022, 19:14 [GMT+7]
In bài này
.

Trước thực trạng khan hiếm nguồn lao động trong thời gian cao điểm thu hoạch nhãn trên địa bàn, Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Bông Trang (huyện Xuyên Mộc) đã thành lập mô hình “Tổ đổi công” giúp đỡ nhau phát triển kinh tế.

Tổ đổi công hỗ trợ ghép giống nhãn mới cho gia đình ông Phạm Văn Khanh (ấp Trang Hoàng, xã Bông Trang).
Tổ đổi công hỗ trợ ghép giống nhãn mới cho gia đình ông Phạm Văn Khanh (ấp Trang Hoàng, xã Bông Trang).

Cùng giúp nhau thu hoạch 

Xã Bông Trang (huyện Xuyên Mộc) là địa phương thuần nông với hơn 108ha trồng nông sản như thanh long, nhãn… Trước tình trạng biến động thất thường của thị trường giá cả, người nông dân gặp nhiều khó khăn khi nguồn lao động ngày càng khan hiếm, giá thuê không ngừng tăng. Việc thiếu hụt lao động gây nhiều khó khăn cho nông dân, đặc biệt là trong thời điểm thu hoạch, giá trị sản phẩm bị giảm nếu việc thu hoạch không kịp thời vụ. 

Để giải quyết bài toán này, Hội CCB xã Bông Trang đã thành lập Tổ đổi công với mục đích giúp nhau thu hoạch nhãn khi mùa vụ tới. Ông Đỗ Quý Cao, Tổ trưởng Tổ đổi công chia sẻ: “Năm 2016, Tổ đổi công xoay vòng nhân công giúp nhau giải quyết việc thu hoạch nhãn với 5 thành viên là hội viên CCB của xã. Nhờ vậy, các thành viên vừa giải quyết việc làm không trùng công, vừa không cần tốn tiền mướn khi vào mùa vụ”.

Với mô hình này, các CCB trong tổ khi đến mùa sẽ đăng ký với tổ trưởng ngày làm. Tổ trưởng sau đó sẽ đứng ra tập hợp nhân công và sắp xếp ngày làm cho mọi người phù hợp. Các CCB làm không tính tiền công, xoay vòng giúp đỡ nhau thu hoạch nhãn tới khi kết thúc mùa vụ.

Tham gia Tổ đổi công từ ngày thành lập, ông Phạm Văn Khanh (tổ 6, ấp Trang Hoàng, xã Bông Trang) cho biết, trước đây, nguồn thu nhập chính của gia đình ông từ 1ha vườn nhãn da bò. Mỗi khi đến mùa vụ, ông phải thuê 10 nhân công với giá 350 ngàn đồng/người/ngày, tốn khoảng 3-4 triệu đồng/ngày. “Từ khi tham gia vào Tổ đổi công, tôi đỡ tốn tiền thuê mướn nhân công. Đồng thời, các thành viên còn tận dụng thời gian rảnh làm công cho bà con trong xã”, ông Khanh bộc bạch.

Nhờ có 4, 5, thậm chí 10 nhân công tập trung làm nên thời gian thu hoạch rút ngắn từ 1 ngày xuống nửa ngày, hoặc có khi chỉ mất vài giờ cho vài sào nhãn. Không chỉ giúp nhau trong giai đoạn thu hoạch, các thành viên còn đổi công làm cỏ, xịt thuốc, giăng lưới, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây trồng, nâng cao năng suất, gia tăng thu nhập. 

Phát triển kinh tế cho hội viên

Hiện giống nhãn da bò truyền thống không được ưu chuộng do năng suất thấp, chi phí đầu tư cao, giá bán thấp. Nhận thấy điều này, Tổ đổi công cũng đã mạnh dạn chuyển đổi bằng cách ghép các giống nhãn có năng suất và giá bán cao như xuồng cơm vàng, nhãn Hưng Yên trên gốc của nhãn da bò mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm chi phí đầu tư, rút ngắn thời gian cho thu hoạch.

Theo ông Nguyễn Văn Tuyến, Chủ tịch Hội CCB xã Bông Trang, trung bình mỗi năm Tổ đổi công của xã có hơn 200-300 lượt người tham gia. Điều này không chỉ giúp các thành viên trong tổ mà còn giúp người dân trong xã kịp thời thu hoạch nông sản, bảo đảm đúng thời vụ.

Ông Nguyễn Xuân Sửu, Chủ tịch Hội CCB huyện Xuyên Mộc cho hay, phong trào đổi công được hình thành và phát triển theo nhu cầu thực tế của địa phương, giúp các hộ dân phát triển kinh tế, góp phần thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ CCB phát triển kinh tế bền vững. Từ đó, đời sống nhiều hội viên có bước chuyển biến tốt hơn, ngày càng thu hút được nhiều CCB tham gia vào Tổ đổi công.

“Đây là mô hình Hội CCB huyện muốn nghiên cứu và nhân rộng trong thời gian tới để giải quyết vấn đề giá thuê nhân công ngày càng tăng trên địa bàn”, ông Sửu nhấn mạnh.

Bài, ảnh: NHUNG HOA

 
;
.