Di dời cơ sở chế biến thủy sản khỏi khu dân cư: Vướng ở đâu?

Thứ Sáu, 06/05/2022, 20:57 [GMT+7]
In bài này
.

Nhằm chấm dứt tình trạng ô nhiễm do chế biến hải sản trong khu dân cư, cơ quan chức năng đang đẩy nhanh việc di dời  các cơ sở  này vào CCN tập trung. Tuy nhiên, những vướng mắc trầm kha xem ra chưa thể giải quyết.

Đa số các khu chế biến hải sản trên địa bàn TT. Phước Hải hiện khá thô sơ, gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Đa số các khu chế biến hải sản trên địa bàn TT. Phước Hải hiện khá thô sơ, gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Gây ô nhiễm nghiêm trọng

Huyện Đất Đỏ hiện có 59 cơ sở sản xuất thuộc đối tượng di dời, gồm 4 tổ chức và 55 hộ kinh doanh cá thể chế biến hải sản. Trong đó, có 58 cơ sở được xác định theo tiêu chí không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của huyện Đất Đỏ và thuộc danh mục các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. 1 cơ sở được xác định theo tiêu chí môi trường và tiêu chí không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của huyện. Các cơ sở này dự kiến sẽ được di dời vào CCN chế biến thủy sản Lộc An (huyện Đất Đỏ).

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Đất Đỏ, trong số 59 cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản thuộc đối tượng di dời do không phù hợp với quy hoạch của huyện Đất Đỏ và thuộc danh mục các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường theo quyết định số 1611/2018 của UBND tỉnh, thì TT.Phước Hải có 54 cơ sở. Trước đó, hầu hết các cơ sở này đã từng di dời từ khu dân cư sang khu vực Mộ Ông (TT. Phước Hải) để sản xuất, chế biến. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất hằng ngày tại đây diễn ra khá thô sơ. Cá được thu mua từ ghe, tàu, chế biến đơn giản ngay tại bãi cát, phơi khô và mang đi tiêu thụ. Hoạt động này khiến cả khu vực ven biển ô nhiễm, mất vệ sinh trầm trọng.

Việc các khu chế biến hải sản nằm trong khu vực dân sinh làm ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân.
Việc các khu chế biến hải sản nằm trong khu vực dân sinh làm ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân.

Đồng thuận di dời

Sau nhiều nỗ lực tuyên truyền, vận động các cơ sở chế biến hải sản, đến nay, UBND TT.Phước Hải đã vận động được 51 cơ sở sản xuất đồng ý thực hiện di dời, 3 cơ sở còn lại đã ngưng hoạt động và chuyển đổi nghề khác.

Để các hộ sản xuất có thể vào được cụm chế biến thủy sản Lộc An, UBND TT.Phước Hải đã vận động các cơ sở tham gia và thành lập HTX, vừa thuận lợi trong công tác quản lý, vừa giúp bà con nâng cao giá trị sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất…

Bà Nguyễn Thị Thảo (KP.Hải Tân, TT.Phước Hải, huyện Đất Đỏ), hiểu được việc sản xuất gây ảnh hưởng tới môi trường chung quanh nên khi được chính quyền địa phương vận động di dời vào khu chế biến tập trung, bà nghiêm túc chấp hành. “Việc di dời là điều cần làm. Tuy nhiên, lên chỗ mới việc đầu từ cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc vô cùng tốn kém. Do đó, nếu được Nhà nước hỗ trợ một phần nào đó chúng tôi sẽ yên tâm sản xuất hơn”, bà Thảo cho hay.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đất Đỏ cho biết, để thực hiện tốt việc di dời, UBND tỉnh cùng địa phương đã thống nhất quy hoạch các cơ sở vào CCN Lộc An. Nơi đây cũng đã được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, gồm: hạ tầng kỹ thuật, đường dây trung thế, trạm điện, hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhà quản lý điều hành và giao cho công ty Izico làm chủ đầu tư và quản lý dự án. Hiện đã có 15 cơ sở đăng ký triển khai dự án, chiếm diện tích hơn 23ha trong tổng số 24,57ha, tỷ lệ lấp đầy 93,77%.

Cũng theo ông Dũng, di dời các cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư vào khu quy hoạch tập trung là chủ trương lớn của huyện Đất Đỏ trong giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, hiện nay CCN Lộc An chỉ còn 1ha đất chưa giao, cũng chỉ đủ cho một số cơ sở chế biến hải sản ở khu vực Mộ Ông. Huyện đã đề xuất quy hoạch thêm CCN Phước Long Thọ nhằm di dời toàn bộ hơn 200 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ còn lại ra khỏi khu dân cư, nhằm trả lại môi trường sống an toàn cho cộng đồng dân cư, cũng là để giúp các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

;
.