Thị trường bất động sản đối mặt nhiều áp lực

Thứ Năm, 05/05/2022, 21:05 [GMT+7]
In bài này
.

Thị trường bất động sản (BĐS) những tháng đầu năm 2022 tuy được đánh giá có nhiều cơ hội khởi sắc nhưng áp lực về dòng vốn đang khiến DN gặp không ít rào cản.

Khách hàng tìm hiểu dự án The Light City tại Văn phòng giao dịch Sales Gallery.
Khách hàng tìm hiểu dự án The Light City tại Văn phòng giao dịch Sales Gallery.

Tiếp tục đầu tư dự án trọng điểm

Theo báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 cho thấy, một số DN BĐS lợi nhuận trước thuế tăng trưởng mạnh, vượt xa kế hoạch đề ra. Công ty CP Phát triển nhà BR-VT (Hodeco) là ví dụ điển hình. Năm 2021, Hodeco đạt doanh thu 1.410 tỷ đồng, bằng 108% so với kế hoạch; lợi nhuận trước thuế hơn 390 tỷ đồng, đạt 122% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế hơn 311 tỷ đồng, đạt 121% kế hoạch. Theo lãnh đạo Hodeco, nguồn doanh thu của công ty chủ yếu đến từ các dự án The Light City, Khu nhà ở Đồi Ngọc Tước II.

Còn đối với Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng - DIC Corp, năm 2021 là năm đầu tiên DN có lợi nhuận vượt 1.000 tỷ đồng. Cụ thể, tổng doanh thu hợp nhất 3.492 tỷ đồng, đạt 125% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.282 tỷ đồng, tăng 42,4% so với thực hiện năm 2020.

Dù năm 2022 vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng các DN liên tục công bố những kế hoạch táo bạo. Theo đó, DIC Corp đặt mục tiêu vào các dự án trọng điểm trải dài từ Bắc đến Nam. DIC Corp dự kiến đầu tư 9 dự án với tổng vốn hơn 6.205 tỷ đồng tại BR-VT và Đồng Nai. Tại khu vực miền Tây, công ty dự kiến đầu tư 807,6 tỷ đồng vào dự án DIC Victory City Hậu Giang; khu vực phía Bắc sẽ đầu tư 1.491 tỷ đồng tại dự án khu đô thị DIC Nam Vĩnh Yên City Vĩnh Phúc (192,91ha), 937 tỷ đồng tại dự án DIC Lantana City Hà Nam (13,55ha).

“Nhờ có nguồn vốn huy động trong năm 2021, DIC Corp sẽ tăng tốc đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư dự án, chuẩn bị mở bán các sản phẩm mới, tăng nguồn thu, doanh thu, lợi nhuận trong năm 2022 và các năm tiếp theo”, ông Hoàng Văn Tăng, Tổng Giám đốc DIC Corp khẳng định.

Năm 2022, Hodeco cũng sẽ tập trung đầu tư các dự án có trọng điểm, cơ cấu lại danh mục dự án. Trong đó, tiếp tục hoàn thành thi công dự án The Light City (dự kiến doanh số bán hàng đạt hơn 1.600 tỷ đồng); xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các thủ tục liên quan tại dự án khu biệt thự đồi Ngọc Tước II (dự kiến doanh số bán hàng đạt hơn 450 tỷ đồng); điều chỉnh tổng thể quy hoạch 1/500, giấy phép xây dựng condotel, villa, khách sạn, hạ tầng kỹ thuật của dự án Khu du lịch Đại Dương (Antares).

Một số DN xây dựng - BĐS ngoài địa phương dự kiến cũng tập trung đầu tư các dự án lớn tại tỉnh. Theo đó, Tập đoàn Novaland sẽ giới thiệu khoảng 15.000 sản phẩm trong năm 2022. Trong đó, 80% trữ lượng sản phẩm đến từ 3 dự án trọng điểm đang triển khai là Aqua City, NovaWorld Ho Tram, NovaWorld Phan Thiet; 20% sản phẩm đến từ một số dự án mới như: Grand Sentosa tại khu Nam Sài Gòn. Bên cạnh đó, Tập đoàn tiếp tục ra mắt phân kỳ mới dự án Long Island khoảng 30ha tại NovaWorld Ho Tram; bàn giao và vận hành khu second home phân kỳ The Tropicana, phân kỳ Wonderland cùng nhiều tiện ích lớn như: công viên giải trí Tropicana Park, khu phố mua sắm - ẩm thực dọc tuyến ven biển, phòng khám Nova Clinic Hồ Tràm.

Áp lực về nguồn vốn

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), ngay từ đầu năm 2022, thị trường BĐS đã dần hồi phục, tuy nhiên, trong dài hạn vẫn sẽ đối mặt với nhiều áp lực về nguồn vốn, yếu tố đầu vào tăng cao.

Cụ thể, xung đột Nga - Ukraine có những ảnh hưởng gián tiếp khi giá xăng dầu tăng mạnh. Các lệnh cấm vận được ban hành với Nga cũng gây nên sự khan hiếm hàng hoá và tạo thêm áp lực lạm phát, dẫn tới giá các loại nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, vận chuyển... vốn là yếu tố đầu vào của thị trường BĐS cũng tăng theo. Trong đó, giá thuê và mua BĐS sẽ phải điều chỉnh và chịu áp lực tăng giá.

Thêm vào đó, ngành BĐS và hệ thống ngân hàng thương mại đang đối đầu với rủi ro tài chính lớn nhất là tính thanh khoản của thị trường địa ốc. Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, dù hiện nay giá BĐS tăng và quy mô thị trường đã lớn hơn rất nhiều nhưng trên thực tế, nguồn vốn đầu tư vào thị trường BĐS phần lớn vẫn dựa vào các ngân hàng thương mại dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh vốn vay ngân hàng, thị trường BĐS vẫn đang huy động dòng tiền thông qua nhiều kênh khác nhau, nhất là trái phiếu DN.

Tuy nhiên, nguồn vốn nào cũng tiềm ẩn những rủi ro cho thị trường BĐS. Vì vậy, nếu việc một số ngân hàng dừng khẩn cấp việc cho vay BĐS và từng bước thắt chặt cho vay lĩnh vực này hoặc áp lực trả nợ từ nguồn vốn trái phiếu DN sẽ khiến các DN BĐS lâm vào cảnh khó khăn và thị trường sẽ bị đóng băng.

Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết, sự đa dạng về nguồn vốn giúp các DN BĐS có thêm nhiều lựa chọn về các kênh huy động vốn để đầu tư phát triển phù hợp với từng giai đoạn thị trường và mang lại lợi nhuận. Tuy nhiên, để thị trường BĐS phát triển bền vững, ổn định, các DN cần tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ, tiết giảm chi phí, tăng năng suất. DN cũng cần chủ động tìm hiểu, tiếp cận Chương trình phục hồi; phục hồi xanh, tăng trưởng xanh bởi BĐS xanh đang là xu thế, chuyển đổi số, đón đầu xu hướng mới liên quan đến hành vi thay đổi của khách hàng.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.