Nhiều giải pháp ứng phó thiếu nước mùa khô

Thứ Tư, 23/03/2022, 18:21 [GMT+7]
In bài này
.

Hằng năm, vào cao điểm mùa khô, một số vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có nguy cơ thiếu nước cục bộ. Để chủ động nguồn nước tưới, bà con nông dân đã thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống hạn cho cây trồng. Nhiều hộ dân đã chủ động đào ao, khoan giếng, xây dựng bể chứa, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho cây trồng.

 Để đảm bảo việc tưới nước mùa khô cho toàn bộ diện tích rau, ông Nguyễn Văn Du, ấp Sông Cầu, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức đã đầu tư 2 giếng khoan cùng hệ thống tưới nước tiết kiệm để tránh khô hạn.
 Để đảm bảo việc tưới nước mùa khô cho toàn bộ diện tích rau, ông Nguyễn Văn Du, ấp Sông Cầu, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức đã đầu tư 2 giếng khoan cùng hệ thống tưới nước tiết kiệm.
Để chủ động nguồn nước tưới, nhiều nông dân tại huyện Xuyên Mộc đã dẫn nguồn nước từ suối hoặc giếng, ao hồ để phục vụ sản xuất.
Nhiều nông dân tại huyện Xuyên Mộc đã dẫn nguồn nước từ suối hoặc giếng, ao hồ để phục vụ sản xuất.Chủ động  nguồn nước tưới

Tại các vùng trồng cây ăn trái ở huyện Xuyên Mộc như: Bông Trang, Bưng Riềng, Hòa Hiệp... vào cao điểm mùa khô rất dễ rơi vào tình trạng thiếu nước cục bộ. Bởi, ngoài nguồn nước từ các kênh mương cung cấp vẫn còn hạn chế; đây còn là thời điểm nông dân cần nhiều nước cho các loại cây ăn trái trái vụ.

Bà Phạm Thị Hiền, ấp Trang Hoàng, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc cho biết, gia đình bà canh tác khoảng 1,2ha nhãn và thanh long. Những năm trước, cứ tới cuối tháng 3 âm lịch, khu vực của gia đình bà ở luôn trong tình trạng thiếu nước, muốn tưới nước phải theo lịch 1 tuần/2 lần. Nếu rơi vào thời điểm xử lý ra trái cho cây sẽ không cung cấp đủ nguồn nước.

 Nhờ chủ động nguồn nước tưới, vườn sầu riêng của gia đình ông Hữu Bê, ấp Sông Xoài 2, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức luôn đủ nước tưới.
Nhờ chủ động nguồn nước tưới, vườn sầu riêng của gia đình ông Hữu Bê, ấp Sông Xoài 2, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức luôn đủ nước tưới.

Do đó, gia đình bà đã chủ động tìm nguồn nước tưới để ứng phó với mùa khô. Ngoài nguồn nước từ các công trình thủy lợi tỉnh đầu tư, gia đình bà đã chủ động tìm nguồn nước tưới tự nhiên từ suối cách nhà khoảng 1km; đầu tư hệ thống ống dẫn, đưa nước về tận vườn để tưới cho cây trồng. Bên cạnh đó, bà cũng đầu tư hơn 20 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước.

“Nhờ chủ động được nguồn nước, 2 năm trở lại đây, nguồn nước tưới cây trồng của gia đình tôi đã được bảo đảm hơn, không còn tình trạng thiếu nước như trước.  Cây trồng được cung cấp nước đầy đủ nên năng suất, chất lượng sản phẩm cũng tốt hơn”, bà Hiền nói.

Tại huyện Châu Đức, ngoài nguồn nước tự nhiên từ sông, suối, ao, hồ, các công trình thủy lợi thì nông dân còn đầu tư hệ thống giếng khoan để chủ động nguồn nước tưới trong mùa khô.

Ông Nguyễn Văn Du, ấp Sông Cầu, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức cho biết, để chủ động nguồn nước tưới cho 7 sào trồng rau ngót, gia đình ông đã đầu tư khoan thêm 2 giếng để lấy nước phục vụ tưới rau. Theo chia sẻ của ông Du, rau ngót là loại cây trồng cần khá nhiều nước, do vậy ông đã đã thuê thợ về khoan giếng để không phụ thuộc vào nguồn nước kênh mương vào mùa khô.

Gia đình ông Du cũng đầu tư hơn 40 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, nhờ đó vài năm trở lại đây, toàn bộ diện tích rau của gia đình ông được cung cấp nước đầy đủ, bảo đảm năng suất.

Qua nhiều mùa khô phải xoay xở tìm nguồn nước phục vụ sản xuất, rút kinh nghiệm nên ông Hữu Bê, ấp Sông Xoài 2, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức đang canh tác 3,2 ha sầu riêng đã chuẩn bị nhiều giải pháp ứng phó.

Ông Bê cho biết, diện tích trồng sầu riêng của gia đình khá lớn, trong khi đó địa hình vườn lại khá dốc. Mấy năm trước, vườn cây của ông bị ảnh hưởng do thiếu nước, đến cao điểm mùa khô thì nguồn nước càng khó khăn. Sau khi nghiên cứu, ông đã chủ động đầu tư hệ thống dẫn nguồn nước từ con suối cách vườn 500m, cùng với hệ thống tưới tiết kiệm vừa đủ cung cấp nguồn nước, hệ thống tưới giàn đều tiết kiệm thời gian, nhờ đó bảo đảm cung cấp nước tưới cho vườn cây.

“Sầu riêng đang trong thời kỳ phát triển, cho ra trái nên việc bảo đảm nguồn nước tưới rất quan trọng. Mùa khô thường kéo dài 6 tháng, nếu không duy trì độ ẩm, sầu riêng dễ bị khô rễ, rụng lá, thậm chí chết khô”, ông Bê thông tin.

Vào mùa khô, mương nước đi qua gia đình bà Phạm Thị Hiền, ấp Trang Hoàng, xã Bông Trang,
Vào mùa khô, mương nước đi qua gia đình bà Phạm Thị Hiền, ấp Trang Hoàng, xã Bông Trang,

Nhiều biện pháp ứng phó khô hạn

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, trước tình hình thời tiết ngày càng nắng nóng nên công tác ứng phó và vận động nhân dân thực hiện tưới tiết kiệm vẫn đang được các cấp chính quyền địa phương tích cực triển khai. Tính đến ngày 10/3, trữ lượng nước tại các công trình là 132/308 triệu m3 tương ứng 43% so với dung tích thiết kế và bằng 92,67% so với cùng kỳ năm 2021.

Để đảm bảo nguồn nước tưới cho mùa khô, đặc biệt là thời điểm nông dân trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai các vụ Đông Xuân, Hè Thu,… Sở NN-PTNT đã phối hợp cùng UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các địa phương tổ chức sửa chữa, nạo vét, phát quang tạo thông thoáng dòng chảy, bảo đảm các hệ thống kênh tưới hoạt động tối ưu nhất.

Khi xảy ra nắng hạn kéo dài, một số công trình thủy lợi có thể điều phối nước cho nhau. Cụ thể: Hồ chứa nước Sông Ray bổ sung nước cho đập dâng Sông Ray, hồ chứa nước Suối Giàu, Lồ Ồ, Suối Môn, Đá Bàng, Đá Đen, Xuyên Mộc, đập dâng Suối Sỏi và đập dâng Sông Dinh. Hồ chứa nước Đá Đen bổ sung nước cho đập dâng Sông Xoài.

Bên cạnh việc phối hợp với các địa phương tập trung sửa chữa, nạo vét,… ngành nông nghiệp đã tiến hành kiểm tra khu tưới để kịp thời điều phối nước phù hợp tránh nơi thừa, nơi thiếu. Đồng thời, lập lịch tưới cụ thể cho từng công trình và từng khu vực sản xuất cụ thể.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng chuẩn bị máy bơm để chống hạn cục bộ khi cần thiết; thành lập, củng cố các tổ hợp tác dùng nước trên địa bàn; nạo vét, phát quang hệ thống kênh cấp II và nội đồng. Thông tin tới người dân lịch tưới nước từ các trạm quản lý, khai thác công trình thủy lợi các huyện, thành phố, thị xã cung cấp.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

;
.