Tuy có không ít lợi thế nhưng cụm cảng Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) hiện vẫn chưa thu hút được nhiều hãng tàu lớn và chưa đủ điều kiện để trở thành cảng trung chuyển quốc tế.
Các tàu mẹ có sức chở lên đến 11.000 TEUs vào khu vực Cái Mép là tiền đề cơ bản và có sức thuyết phục nhất trong việc phát triển cụm CM-TV thành cảng trung chuyển quốc tế. Trong ảnh: Tàu trọng tải hơn 140 ngàn TEUs cập cảng Gemalink. |
Quy hoạch cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế
Với vị trí địa lý gần tuyến hàng hải chính, có điều kiện tự nhiên thuận lợi và hệ thống luồng hàng hải hiện đại, cụm cảng CM-TV đáp ứng được 6/8 tiêu chí cơ bản để hình thành cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế. Ngoài ra, hiện dự án đầu tư nâng cấp luồng hàng hải vào cụm cảng Cái Mép có độ sâu đến 15,5m vào năm 2022 đang được triển khai thì CM-TV có khả năng tiếp nhận mọi tàu mẹ. Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2021 cũng khẳng định, cụm cảng CM-TV có chức năng là một cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế.
Theo đánh giá của Bộ GT-VT, 5 năm qua cụm CM-TV đã và đang làm tốt vai trò cảng cửa ngõ của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời cũng là đầu tàu kinh tế của cả nước. Cảng đã thu hút, liên kết được với nhiều tập đoàn vận tải biển, tập đoàn khai thác cảng lớn trên thế giới và đã có nhiều hãng tàu hàng đầu thế giới đưa tàu ghé cảng.
Đặc biệt 2 năm qua, tuy chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch COVID-19 nhưng tần suất các “tàu mẹ” cập cảng CM-TV tăng trưởng liên tục. Tại thời điểm này, hàng tuần có 33 chuyến tàu mẹ cập CM-TV, với đội tàu container có sức chở lớn nhất thế giới, chuyên chở lượng hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam thường xuyên ra vào khu vực cụm cảng như: Tàu Margrethe Maersk, trọng tải 214.121 tấn, chiều dài 399,23m, chiều rộng 59m; tàu Cosco Shipping Aquarius, trọng tải 197.049 tấn DWT, chiều dài lớn nhất 400 m, chiều rộng 58,6m…
Từ những dẫn chứng đó cho thấy, cụm CM-TV đã thông qua những tàu hàng siêu trường, siêu trọng để kết nối một cách tốt nhất hàng hóa sản xuất trong nước ra nước ngoài, tạo ra giá trị gia tăng và tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam, hơn hẳn hàng xuất khẩu của một số nước trong khu vực như: Thái Lan, Indonesia, Philippines...
Đánh giá từ các chuyên gia cho thấy, nhờ tiềm năng và lợi thế của hệ thống cảng tại khu vực CM-TV mang lại, Chính phủ đã tiến hành quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển nhằm bảo đảm an toàn cho việc tiếp nhận các tàu container trọng tải trên 100 ngàn tấn ra vào làm hàng cũng như ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích… Tuy nhiên, cụm CM-TV hiện chưa thể đảm nhận vai trò là cảng trung chuyển quốc tế do thiếu “đòn bẩy pháp lý”.
Thu hút hàng trung chuyển quốc tế về cảng
Theo ông Lê Văn Thức, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, để đưa CM-TV phát triển thành cảng trung chuyển quốc tế, ngoài việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng công cộng cảng biển như mở rộng, nâng cấp luồng hàng hải, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách mang tính đột phá cho khu vực cảng biển nước sâu đặc biệt quan trọng này; thành lập Ban chỉ đạo để tổ chức nghiên cứu, chỉ đạo triển khai một số giải pháp. Trong đó, giải pháp đầu tiên là nghiên cứu, kêu gọi và khuyến khích các tập đoàn đầu tư có năng lực, kinh nghiệm để đầu tư, khai thác Trung tâm dịch vụ logistics tại khu vực Cái Mép hạ. Đồng thời, tổ chức nghiên cứu, đề xuất cấp thẩm quyền thí điểm xây dựng mô hình “Cảng trung chuyển Cái Mép” và áp dụng quy chế về thuế và hải quan như đối với “Khu kinh tế tự do” áp dụng cho khu cảng trung chuyển quốc tế này.
Ông Bruno Gutton, Tổng Giám đốc hãng tàu CMA CGM (thuộc liên minh hãng tàu Ocean Alliance) tại Việt Nam cho biết, mặc dù khối lượng hàng xuất nhập khẩu khu vực phía Nam chiếm tỷ trọng lớn trên cả nước nhưng “chân hàng” này rất khiêm tốn, chưa đủ sức hấp dẫn các hãng tàu, tập đoàn logistics lớn trên thế giới. Trong khi đó, nếu không thu hút được lượng hàng xuất nhập khẩu trung chuyển qua khu vực thì chưa thể đưa CM-TV thành cảng trung chuyển quốc tế.
Để thu hút, hấp dẫn chủ tàu, tập đoàn logistics lớn tập trung “chân hàng” trung chuyển quốc tế (hàng xuất phát từ nước ngoài, chỉ trung chuyển qua khu vực CM-TV, sau đó tiếp tục chuyển đi nước ngoài chứ không tiêu thụ tại thị trường trong nước), cần tham khảo chính sách, pháp luật hải quan tại những nơi có cảng trung chuyển quốc tế lớn như: Singapore, Thượng Hải, Hongkong, Rotterdam... Trên cơ sở đó, nghiên cứu, điều chỉnh pháp luật về hải quan ở Việt Nam áp dụng cho hàng hóa trung chuyển theo hướng đơn giản, thuận lợi bằng hoặc đơn giản hơn so với các nước trong khu vực nhằm cạnh tranh và thu hút hàng trung chuyển quốc tế qua các tàu mẹ về cảng biển trung chuyển tại Việt Nam.
Nhận định về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Xuân Sang cũng cho rằng, việc CM-TV chưa thể trở thành cảng trung chuyến quốc tế sẽ khiến cụm cảng nước sâu chưa thể phát huy hết tiềm năng và lợi thế vốn có và sánh vai với các bước trong khu vực cũng như trên thế giới. Do đó, Bộ GT-VT tới đây sẽ phối hợp với BR-VT quy hoạch hệ thống các cảng cạn, kho bãi, ICD (cảng cạn) vệ tinh để thực hiện việc gom hàng, thông quan và xử lý hàng hóa tạo thuận lợi, thu hút DN đưa hàng về cảng CM-TV. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị kiểm tra hàng hóa chuyên ngành bố trí lực lượng, trang thiết bị tại khu vực cảng CM-TV để hàng hóa được kiểm tra chuyên ngành và thông quan được nhanh chóng, thuận tiện.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN