.

Phát triển ngành công nghiệp hóa chất theo hướng bền vững

Cập nhật: 18:43, 23/12/2021 (GMT+7)

Ngày 23/12, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội thảo phát triển chuỗi cung ứng ngành hóa chất tỉnh BR-VT. Tham dự có ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh, đại diện các sở, ngành và một số DN tại các KCN.

Nhà máy Hyosung do Công ty Hyosung Hàn Quốc đầu tư với số vốn 1,35 tỷ USD mới đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ tạo sức lan tỏa tới sự phát triển của ngành công nghiệp hóa dầu.
Nhà máy Hyosung do Công ty Hyosung Hàn Quốc đầu tư với số vốn 1,35 tỷ USD mới đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ tạo sức lan tỏa tới sự phát triển của ngành công nghiệp hóa dầu.

Thu hút nhiều dự án lớn

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, BR-VT là tỉnh ven biển có lợi thế về cảng biển nước sâu, về phát triển công nghiệp và có hạ tầng giao thông thuận lợi. Những lợi thế này là điều kiện quan trọng để thu hút các công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới về hóa chất đầu tư tại tỉnh. Điển hình là Tổ hợp hóa dầu Miền Nam do Tập đoàn SCG của Thái Lan đầu tư khoảng 5,4 tỷ USD, Nhà máy Hyosung do Công ty Hyosung Hàn Quốc đầu tư với số vốn 1,35 tỷ USD.

Hai dự án này khi đi vào hoạt động sẽ tạo sức lan tỏa tới sự phát triển của ngành công nghiệp hóa dầu, ngành công nghiệp nhựa và các ngành công nghiệp hạ nguồn khác. Với việc hình thành các dự án sản xuất sản phẩm thượng nguồn trong lĩnh vực hóa dầu như polypropylene, ethylene, propylene, HDPE, LLDPE… cùng với cơ sở hạ tầng các KCN, hệ thống đường ống khí gas sẵn có và hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, BR-VT đang là địa phương giàu tiềm năng trong việc trở thành trung tâm cung cấp nguyên vật liệu cơ bản, đặc biệt là hóa chất cơ bản cho các tỉnh khu vực phía Nam.

Ông Piboon Sirinantanakul, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn cho biết, dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam dự kiến sẽ hoàn thành năm 2022, là tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên tại Việt Nam có công suất sản xuất olefin đạt tới 1,6 triệu tấn/năm. Tổ hợp có tổng diện tích trên 460ha, nằm trong KCN dầu khí Long Sơn. Trong đó, 398ha được dùng cho xây dựng nhà máy (gồm 10 nhà máy, công suất chế biến đạt 2,7 triệu tấn nguyên liệu/năm, sử dụng nguồn khí Etan trong nước) và 66 ha đất xây dựng cảng.

Dự án được thiết kế để sản xuất đa dạng các sản phẩm hóa dầu, bao gồm những sản phẩm là nguyên liệu cần thiết cho ngành nhựa như polyetylen, polypropylen và các sản phẩm khác với công suất hơn 2,3 triệu tấn/năm. Đến năm 2023, Tổ hợp hóa dầu miền Nam dự kiến sẽ hoạt động để giúp thay thế và giảm dần việc nhập khẩu các sản phẩm hóa dầu, cung cấp nguồn nguyên nhiên liệu quan trọng cho các ngành công nghiệp sản xuất nội địa.

Mặt khác, dự án còn tạo ra cơ hội xuất khẩu các mặt hàng hàng hóa dầu, giúp Việt Nam có mặt trên bản đồ các nước xuất khẩu sản phẩm hóa dầu. Dự án sau khi vận hành sẽ góp phần lan tỏa lớn để các ngành công nghiệp, từ hóa chất đến ô tô, điện tử, thiết bị điện, bao bì cũng như các ngành dịch vụ khác, giúp cho kinh tế của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển. Các sản phẩm của tổ hợp này là nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác như: bao bì, tơ sợi, ô tô, điện tử… 

Để phát triển chuỗi cung ứng ngành công nghiệp hóa chất, nhiều ý kiến cho rằng, tới đây tỉnh cần tập trung xây dựng khu Tổ hợp hóa dầu Long Sơn để có thể đi vào hoạt động như dự kiến, nhằm cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp khác. Đồng thời hoàn thiện và đưa vào hoạt động các dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tỉnh cũng cần chú trọng thu hút các dự án sản xuất vật liệu tổng hợp, các dự án công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành công nghiệp hóa chất như: sản xuất các sản phẩm nhựa (chi tiết, phụ tùng nhựa cho ôtô, xe máy, đồ điện tử, viễn thông), sản xuất bao bì cao cấp (màng phức hợp đa lớp), sản xuất ống và phụ tùng nhựa các loại, sản xuất màng định hướng OPP, CPP, sản xuất bao bì nhựa sinh học tự huỷ và các dự án sản xuất thiết bị y tế. Phát triển các ngành công nghiệp hóa dầu để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của ngành hóa chất trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Sử dụng công nghệ hiện đại

Kết luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, lãnh đạo tỉnh BR-VT đã xác định ngành công nghiệp là một trong bốn trụ cột thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững. Trong giai đoạn tới, BR-VT định hướng phát triển ngành công nghiệp hóa chất theo hướng thân thiện với môi trường, sử dụng công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, không thâm dụng lao động. Việc thu hút các dự án hóa chất phải tuân theo các quy định của pháp luật, cũng như các quy chế, quy định của địa phương. Các cơ sở hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung trong các KCN, có hệ thống xử lý nước thải theo quy định. Quan điểm về đầu tư của tỉnh, hình thành KCN hóa chất (chuyên sâu), các tổ hợp công nghiệp hóa chất với quy mô lớn hiện đại, an toàn theo hướng hóa học xanh và kinh tế tuần hoàn.

“Tỉnh luôn nỗ lực đồng hành cùng các DN trong việc phòng chống dịch COVID-19; tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đặc biệt là công tác cải cách thủ tục hành chính, đầu tư cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại, triển khai công tác đào tạo nguồn nhân lực, chuẩn bị các điều kiện về dịch vụ tiện ích đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư khi đến với BR-VT”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Công Vinh khẳng định.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

.
.
.