Giá dê giảm sâu, người nuôi gặp khó
2 tháng trở lại đây, giá dê thịt trên địa bàn tỉnh liên tục giảm sâu, có thời điểm chỉ còn 60 ngàn đồng/kg - mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Không chỉ giá giảm, việc tiêu thụ thịt dê cũng gặp khó khăn.
Người nuôi dê lo lắng vì giá dê giảm sâu. Trong ảnh: Ông Bùi Văn Hảo, ấp Suối Lúp, xã Bình Ba, huyện Châu Đức chăm sóc đàn dê của gia đình. |
Lỗ 1 triệu đồng/con
Từ đầu năm đến nay, gia đình ông Phan Thanh Giã, ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba, huyện Châu Đức vẫn chưa bán được con dê nào. Ông Giã cho hay, dịch bệnh COVID-19 kéo dài thời gian qua khiến việc tiêu thụ dê bị ngừng trệ. Khi hết giãn cách xã hội, giá dê và sức mua vẫn không tăng. Đàn dê 45 con của gia đình ông đã tới kỳ xuất chuồng nhưng khi gọi, thương lái cũng từ chối mua. Chưa kể, giá dê đang giảm sâu còn khoảng 60-65 ngàn đồng/kg, thấp hơn phân nửa so với cùng thời điểm năm ngoái.
Theo ông Giã, dê ở mức trọng lượng 40kg là phù hợp để xuất chuồng, nếu để nuôi càng lâu càng khó bán. Ngoài ra, chi phí nuôi cũng tốn kém hơn. “Tôi đang lo lắng khi đàn dê đã tới kỳ xuất chuồng, nếu khoảng 10 - 15 ngày nữa mà không bán được, lúc đó dê tăng trọng lượng lại càng khó bán, dễ bị thương lái ép giá”, ông Giã than thở.
Tương tự, gia đình ông Lê Tuấn, ở ấp Liên Đức, xã Xà Bang, huyện Châu Đức cũng đang nuôi hơn 70 con dê, trong đó có 35 con dê sinh sản, gần 40 con dê thịt đã quá lứa xuất chuồng nhưng chưa bán được. Với giá dê hơi tại thời điểm này chỉ từ 60-70 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí giống và tiền mua cám, chưa tính công nuôi thì người chăn nuôi đang lỗ khoảng 1 triệu đồng/con.
“Người nuôi dê chịu thiệt đơn thiệt kép. Ngoài giá bán giảm sâu, cách tính kg khi thu mua của thương lái cũng khiến người chăn nuôi thiệt thòi. Cụ thể, dù con dê có trọng lượng hơn 50kg nhưng người mua chỉ trả tiền 40kg mà không tính số kg vượt hơn. Theo cách tính này, mỗi con dê bán dưới giá thành sản xuất, người nuôi còn mất trắng từ một vài kg đến cả chục kg dê hơi”, ông Tuấn cho hay.
Tìm cách giảm chi phí
Hiện nay, hoạt động sản xuất đã trở lại bình thường, song người nuôi dê vẫn như “ngồi trên lửa” vì thương lái chỉ thu mua nhỏ giọt. Hộ nuôi ít cũng cả chục con, hộ nhiều khoảng 70-80 con nên việc không tiêu thụ được dê khiến các hộ chăn nuôi vô cùng lo lắng.
Ông Bùi Văn Hảo, ấp Suối Lúp, xã Bình Ba cho biết, nuôi dê khá dễ, nguồn thức ăn cũng dồi dào nhưng với giá thành như hiện tại, lợi nhuận từ nuôi dê của gia đình ông giảm hơn 50%. Những người nuôi lần đầu, phải mua dê nái thì đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng, bởi chi phí dê giống, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá dê giảm còn phân nửa so với năm ngoái. Để giảm bớt chi phí nuôi, gần 1 tháng qua, gia đình ông Hảo đã ngừng cho dê ăn cám, thay bằng các loại thức ăn có sẵn như lá cây, bắp, mít non.
Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Mùi, thôn Phước Chí, xã Cù Bị đang nuôi 10 con dê thịt và 5 con dê nái. Giá dê xuống quá thấp nên gia đình bà cũng chưa muốn bán. Để giảm bớt chi phí chăn nuôi, bà tận dụng các nguồn thức ăn cỏ, cây lá trong vườn trong khi chờ đợi giá dê tăng.
Nuôi dê từng là mô hình đem lại lợi nhuận tốt cho người chăn nuôi vì dê dễ nuôi, người nuôi lấy công làm lời khi nguồn thức ăn chính của vật nuôi này là các loại lá, cỏ có sẵn tại địa phương. Khi thị trường tiêu thụ tốt, 1kg dê hơi có thể bán được với giá 130-140 ngàn đồng thì người nuôi dê có lãi từ 700 - 900 ngàn đồng/con.
Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tới nhiều ngành sản xuất nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi dê. Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân không nên tăng đàn ồ ạt mà cần chú ý tới việc nâng cao kỹ thuật và chất lượng trong quá trình nuôi; điều chỉnh thời vụ và số lượng nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường. Ngoài ra, người chăn nuôi nên tận dụng các loại thức ăn lá cây có sẵn trong vườn như mít, bắp… để thay thế cho các loại thức ăn công nghiệp trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.
Bài ảnh: PHONG HIẾU - ĐÌNH HÙNG
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, tổng đàn dê trên địa bàn tỉnh là 90 ngàn con, tăng khoảng 2,8% so với năm 2020. Ðây là mô hình phù hợp với nông dân do dễ nuôi, chịu được thời tiết khắc nghiệt, không cần nhiều vốn, đất canh tác và tận dụng được nhiều nguồn thức ăn. Do vậy, những năm gần đây, mô hình được nhiều người dân lựa chọn để phát triển kinh tế, khiến đàn dê tăng nhanh. |