Thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do dịch COVID-19, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Xuyên Mộc đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, kịp thời giải ngân cho những khách hàng đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn nhằm giảm bớt khó khăn cho DN.
Đại diện NHCSXH huyện Xuyên Mộc trao hợp đồng tín dụng cho vay trả lương ngừng việc cho DN tại địa phương. |
Công ty TNHH Mai Anh (xã Xuyên Mộc), kinh doanh lĩnh vực mua bán nông sản. Trong thời gian giãn cách xã hội toàn tỉnh, Công ty phải tạm dừng hoạt động. Bà Chế Thị Thùy Vân, Phó Giám đốc Công ty cho biết, thời điểm đó, 25 lao động làm việc tại đơn vị ở bộ phận gián tiếp và tài xế phải tạm nghỉ việc. Hoạt động của DN bị ảnh hưởng. Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay hơn 257 triệu đồng từ chính sách hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ mà DN có tiền trả lương cho 25 lao động. “Chúng tôi rất cảm kích trước sự quan tâm của Chính phủ khi chia sẻ khó khăn với DN. Nhờ sự hỗ trợ này, NLĐ yên tâm gắn bó với DN và DN có điều kiện phục hồi sản xuất ngay sau khi địa phương hết thời gian giãn cách”, bà Thùy Vân nói.
Tương tự, Công ty CP Cao su Hòa Bình có hơn 600 cán bộ, công nhân viên và NLĐ. DN đang quản lý khoảng 5.000ha cao su, trong đó 60% vườn cây đang độ khai thác. Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc kinh doanh của Công ty gặp nhiều khó khăn. Lực lượng lao động lớn, nhưng vẫn phải bảo đảm quỹ tiền lương trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh cũng là một gánh nặng tài chính đối với DN.
Công ty đã được giải ngân gói vay hơn 2 tỷ đồng với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho 598 NLĐ theo tinh thần Nghị quyết 68, Nghị quyết 126 và Quyết định số 23 của Chính phủ. Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Tổng giám đốc Công ty cho hay, việc tiếp cận nguồn vốn này là nguồn động viên rất lớn, giúp DN giải quyết kịp thời khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa. “Nhờ được tiếp cận nguồn vốn của NHCSXH, DN đã bảo đảm tiền lương cho NLĐ, tạo được sự tin tưởng, an tâm để họ cống hiến không chỉ trong thời gian dịch bệnh và sau thời gian giãn cách xã hội mà gắn bó lâu dài với công ty hơn, góp phần giúp DN đạt và vượt kế hoạch năm 2021”, ông Quang nói.
Hơn 10 năm là công nhân khai thác mủ tại Công ty CP Cao su Hòa Bình, ông Nguyễn Đức Thắng cho biết, trong thời gian qua, Công ty luôn kịp thời hỗ trợ cho NLĐ chế độ, chính sách. Từ hỗ trợ “3 tại chỗ” trong những ngày thực hiện Chỉ thị 15, 16 đến chi trả tiền lương. “Nhận thông tin Công ty được vay vốn tại NHCSXH để trả lương cho NLĐ, chúng tôi yên tâm làm việc và mong chờ một cái Tết ấm no”, ông Thắng nói.
Huyện Xuyên Mộc hiện có hơn 600 DN, trong đó 233 DN đang đóng bảo hiểm cho NLĐ (chiếm 37%). Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã chủ động tiếp cận và tuyên truyền đối với những DN có thực hiện đóng bảo hiểm cho NLĐ. Trên cơ sở đó, Phòng Giao dịch đã tham mưu cho Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện phối hợp Phòng Giao dịch NHCSXH huyện và đơn vị liên quan rà soát, xác minh nhu cầu vay vốn đối với DN. Kết quả, đến thời điểm này NHCSXH huyện Xuyên Mộc đã giải ngân cho 5 DN với tổng số tiền hơn 2,4 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ bị ảnh hưởng dịch COVID-19 có ý nghĩa nhân văn, thể hiện sự quan tâm kịp thời của Đảng, Nhà nước và góp phần quan trọng trong việc giảm gánh nặng tài chính cho các DN khi phải trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn phức tạp, làm giảm hoặc không có thu nhập của DN và NLĐ.
“Thời gian tới, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Xuyên Mộc sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị liên quan tuyên truyền chính sách cho vay trả lương theo Nghị quyết 68, Nghị quyết 126 để những đơn vị sử dụng lao động có nhu cầu biết, tiếp cận nguồn vốn”, bà Huỳnh Thị Mỹ Dung, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Xuyên Mộc nói.
Bài, ảnh: MAI NGỌC-THANH HỒNG