Hoàn thiện hạ tầng, sẵn sàng đón "sóng" đầu tư

Thứ Ba, 28/12/2021, 20:14 [GMT+7]
In bài này
.

Mặc dù chịu nhiều tác động bởi dịch COVID-19 nhưng kết thúc năm 2021, BR-VT vẫn là một trong những điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Kết quả này là nhờ tỉnh đã tập trung xây dựng hạ tầng các KCN đồng bộ, hiện đại, tạo quỹ đất sạch thu hút các nhà đầu tư.

KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 là một trong những điểm đến thu hút các nhà đầu tư lớn. Trong ảnh: Một góc KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 nhìn từ Công ty CP Nippon Sanso Việt Nam.
KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 là một trong những điểm đến thu hút các nhà đầu tư lớn. Trong ảnh: Một góc KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 nhìn từ Công ty CP Nippon Sanso Việt Nam.

Thu hút nhiều dự án lớn

Cuối tháng 9/2021, Công ty TNHH Nội thất Wanek Việt Nam đã được thông báo chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3. Dự án có diện tích 16ha, tổng mức đầu tư 130 triệu USD, chuyên sản xuất đồ nội thất. Ông Yamada Kuniharu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nội thất Wanek Việt Nam cho biết, DN đã hoàn tất hồ sơ xin giấy phép xây dựng. Ngay khi có giấy phép, DN sẽ tiến hành xây dựng, trong khoảng 13 tháng, để quý I/2023 nhà máy đi vào hoạt động.

“Chúng tôi cảm thấy rất may mắn khi được đầu tư tại tỉnh BR-VT, vì nơi đây có hệ thống cảng nước sâu hiện đại, giúp DN thuận tiện xuất khẩu hàng hóa. Ngoài ra, tỉnh còn có KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 với các dịch vụ hạ tầng đạt tiêu chuẩn quốc tế, nguồn điện ổn định, nguồn nước sạch dồi dào để phục vụ cho công nghiệp nặng như ngành sản xuất giấy của chúng tôi”, ông Yamada Kuniharu nói.

Dự án sản xuất giấy của Công ty TNHH Kraft of Asia Paperboard & Packaging của Nhật Bản đang được xây dựng tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3.
Dự án sản xuất giấy của Công ty TNHH Kraft of Asia Paperboard & Packaging của Nhật Bản đang được xây dựng tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3.

Trước đó, Công ty TNHH Iguacu Việt Nam cũng đã được tỉnh hoàn tất thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án Nhà máy sản xuất cà phê hòa tan với tổng vốn đầu tư 115 triệu USD tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3. Dự án dự kiến có sản lượng 16 ngàn tấn/năm và tương lai sẽ tăng lên gấp đôi. Đây là dự án sản xuất bột cà phê hòa tan thứ hai thế giới của Marubeni sau nhà máy Iguacu tại Brazil.

Năm 2021, KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 đã thu hút 5 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 8.800 tỷ đồng. Trong đó có 4 dự án FDI, do các tập đoàn đa quốc gia, nổi tiếng trên thế giới đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Đức, Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư.

Tại các KCN khác, nhiều dự án FDI đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang triển khai xây dựng như: KCN Phú Mỹ 1 có 4 dự án, KCN Đất Đỏ 1 có 5 dự án.

Cùng với các nhà đầu tư mới đổ vốn vào tỉnh BR-VT, nhiều nhà đầu tư hiện hữu cũng bổ sung vốn để mở rộng nhà máy. Đơn cử, Công ty CP Hóa chất hiếm Việt Nam chuyên sản xuất zirconium đã điều chỉnh tăng vốn 150 triệu USD để xây dựng nhà máy mới.

Hạ tầng KCN được đầu tư đồng bộ, hiện đại

Báo cáo từ Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, năm 2021, các KCN đã thu hút được 18 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 224 triệu USD. Đánh giá về tình hình thu hút đầu tư FDI trong thời gian qua, ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho rằng, việc đầu tiên các nhà đầu tư đến BR-VT hay bất cứ địa phương nào là khảo sát tìm hiểu hạ tầng, gồm hạ tầng xây dựng nhà máy và hạ tầng giao thông kết nối để thuận tiện đầu tư, thuận tiện vận chuyển sản phẩm.

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh xác định mục tiêu tiếp tục thu hút đầu tư có chọn lọc, trong đó chú trọng thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động và không xâm hại môi trường, đồng thời phát huy tiềm năng lợi thế của cảng nước sâu. Với mục tiêu đó, việc đầu tư hạ tầng của các KCN phải mang tính hiện đại, bảo đảm với điều kiện mà tỉnh đặt ra.

Do đó, nhiều KCN đã tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả quỹ đất, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà máy của các nhà đầu tư quốc tế khó tính. Cụ thể, KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, KCN Đất Đỏ 1, KCN Sonadezi Châu Đức… đã chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch và đầu tư cơ sở hạ tầng tốt nhất để chờ đón các nhà đầu tư thứ phát.

Sau hơn 5 năm đầu tư hoạt động có hiệu quả tại BR-VT, DN đã quyết định tăng vốn lên gấp 3 lần để đầu tư thêm nhà máy mới. Lý do chúng tôi tiếp tục chọn BR-VT vì hạ tầng các KCN của tỉnh được xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ, có hệ thống bảo vệ môi trường rất tốt. Đặc biệt, trong thời gian tới, BR-VT còn triển khai xây dựng hệ thống giao thông liên vùng rất thuận tiện cho việc kết nối giao thương.
(Ông Kodama Keita, Tổng Giám đốc Công ty CP Hóa chất hiếm Việt Nam)
Tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 các dịch vụ điện nước, khí gas đã được phục vụ đến hàng rào nhà máy. Nhờ đó, KCN đã thu hút được 25 nhà đầu tư với tổng vốn gần 32 ngàn tỷ đồng. Hiện KCN đang liên tục tiếp các nhà đầu tư từ các quốc gia như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… tìm hiểu và nghiên cứu các dự án sẽ triển khai trong thời gian tới.
(Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ, đơn vị chủ đầu tư KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3)

KCN Sonadezi Châu Đức với diện tích 1.556ha cũng dành ra 1.100ha đất đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho thuê đất công nghiệp. Đồng thời, KCN còn xây dựng thêm các nhà xưởng cho các nhà đầu tư có quy mô vừa và nhỏ thuê. Đến nay, KCN này đã thu hút được 80 DN từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ… Dự kiến đến năm 2022 sẽ có khoảng 80 - 120 ngàn kỹ sư, chuyên gia và công nhân về làm việc, với tỷ lệ lấp đầy 80%.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Sonadezi Châu Đức chia sẻ, bên cạnh cung cấp hạ tầng kỹ thuật KCN, Công ty cũng triển khai xây dựng một khu đô thị để đáp ứng cho người lao động sinh sống tại đây, ngoài ra còn xây dựng nhà cho người thu nhập thấp để giúp người lao động an cư, làm việc trong khu vực này.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.