.
GIAO THÔNG HOÀN THIỆN THÚC ĐẨY KINH TẾ-XÃ HỘI PHÁT TRIỂN

Kỳ 3: Những con đường lớn đang mở...

Cập nhật: 23:16, 15/12/2021 (GMT+7)

Mục tiêu tổng quát của ngành GT-VT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là: "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đồng bộ, hiện đại, bền vững. Trong đó trọng tâm là phát triển giao thông vận tải đường bộ, đường thủy, sân bay để góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế”.

Việc triển khai đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giúp cho việc việc lưu thông giữa Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh trong khu vực thuận lợi, rút ngắn thời gian, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương.  Trong ảnh: Sơ đồ đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu..
Việc triển khai đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giúp cho việc việc lưu thông giữa Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh trong khu vực thuận lợi, rút ngắn thời gian, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương. Trong ảnh: Sơ đồ đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu..

Triển khai nhiều dự án lớn

30 năm qua, tỉnh BR-VT dành sự quan tâm lớn cho đầu tư phát triển GT-VT; trong đó, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã có bước phát triển mạnh mẽ. Chất lượng vận tải ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách đi lại giữa huyện, thị, thành phố. Một số công trình giao thông hiện đại được đầu tư xây dựng góp phần tạo diện mạo mới cho tỉnh.

Không dừng lại ở kết quả đạt được nêu trên, tỉnh BR-VT còn có nhiều kế hoạch đầu tư các dự án giao thông lớn, trọng điểm tạo lực đẩy cho kinh tế-xã hội phát triển. Cụ thể, ngoài những công trình đã hoàn thành đưa vào khai thác, ngành GT-VT tiếp tục phối hợp với các Ban QLDA triển khai thi công đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao - Hòa Bình; tỉnh lộ 328, 329 trên địa bàn huyện Xuyên Mộc; tỉnh lộ 765 đoạn Long Tân - Đá Bạc; đường 991B; đường Phước Hòa - Cái Mép; đường Long Sơn - Cái Mép; phát triển các tuyến trục dọc, ngang kết nối TX. Phú Mỹ, huyện Châu Đức, huyện  Xuyên Mộc...

Đối với giao thông kết nối vùng như: cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai IV TP. Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh BR-VT thuộc trách nhiệm của Trung ương, ngành GT-VT chủ động tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 nhằm giảm ùn tắc trên Quốc lộ 51 và nâng cao năng lực khai thác hệ thống cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải.

Ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GT-VT cho biết, tỉnh đang khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để triển khai đầu tư đường cao tốc Biên Hòa  - Vũng Tàu, đường Vành đai IV TP. Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh; triển khai xây dựng cầu Phước An kết nối đường liên cảng Thị Vải - Cái Mép với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Tiếp tục triển khai thi công hoàn thành các tuyến đường: 991B, Phước Hòa - Cái Mép, ven biển Vũng Tàu - Bình Châu, tỉnh lộ 328, tỉnh lộ 329, đường 765, Mỹ Xuân - Ngãi Giao - Hòa Bình để kết nối huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện phát triển du lịch, đô thị mới và vùng kinh tế nông nghiệp quan trọng của tỉnh. Thực hiện đầu tư đường Long Sơn - Cái Mép kết nối từ đường vào KCN hóa dầu Long Sơn với đường 991B; Đường sau cảng Mỹ Xuân - Thị Vải kết nối đường liên cảng Thị Vải - Cái Mép... 

Mở rộng hệ thống sân bay

Cảng hàng không Côn Đảo được xây dựng từ thời Pháp thuộc chủ yếu phục vụ các loại máy bay lên thẳng. Trước năm 2003, đường hàng không đến đảo chủ yếu đi bằng máy bay trực thăng từ sân bay Vũng Tàu ra Côn Đảo. Năm 2003, sân bay Côn Đảo được cải tạo, nâng cấp giai đoạn I đạt cấp 3C theo tiêu chuẩn ICAO, đường HCC có chiều dài 1.830m rộng 30m.

Đầu năm 2004, các chuyến bay thương mại từ TP. Hồ Chí Minh và Vũng Tàu ra Côn Đảo và ngược lại với tần suất 8 chuyến tuần được đưa vào khai thác. Hiện nay, 3 hãng hàng không gồm: Vasco, Bamboo Airways và Công ty Trực thăng miền Nam khai thác đường bay từ các địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Cần Thơ… đến Côn Đảo bằng máy bay ATR-72 (72 ghế), Embraer E195 (124 ghế), máy bay trực thăng Mi-17-1V và Mi-172 (22 người) với tần suất 10 - 20 chuyến/ngày tùy theo mùa. 

Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội, việc đầu tư nâng cấp cảng hàng không Côn Đảo là rất cần thiết. Theo điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐTTg ngày 23/2/2018, đến năm 2030, cảng hàng không Côn Đảo là cảng hàng không nội địa đạt cấp 4C; vai trò là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự (sân bay quân sự cấp II) có công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm.

Dự án nâng cấp cảng hàng không Côn Đảo đã được Thủ tướng Chính phủ bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, sẽ nâng cấp, mở rộng đường cất hạ cánh hiện hữu của sân bay này đạt 1.830 x 45m. Tổng mức đầu tư dự án gần 2.400 tỷ đồng bằng vốn ngân sách Nhà nước. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2023.

Sân bay Côn Đảo sẽ được nâng cấp để đón các máy bay cỡ lớn.
Sân bay Côn Đảo sẽ được nâng cấp để đón các máy bay cỡ lớn.

Ngoài việc nâng cấp, mở rộng sân bay Côn Đảo, tỉnh cũng chủ trương di dời sân bay Vũng Tàu qua đảo Gò Găng (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, tạo bước đột phá để khai thác, phát triển kinh tế xã hội, du lịch, mở rộng không gian đô thị, không gian kinh tế của Vũng Tàu.

Theo Sở GT-VT, trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh BR-VT phối hợp Bộ GT-VT, Cục Hàng không Việt Nam hoàn thành nâng cấp cảng hàng không Côn Đảo và hoàn thành di dời sân bay Vũng Tàu sang Gò Găng. Cùng đó, hoàn thiện quy hoạch, thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện sân bay Hồ Tràm.

Bài, ảnh: CHƯƠNG NGUYỄN

Sở GT-VT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, Bộ GT-VT nghiên cứu triển khai đồng bộ các đoạn tuyến nhằm bảo đảm tính kết nối của đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu với tuyến đường sắt Lộc Ninh - Chơn Thành - Dĩ An và đường sắt xuyên Á kết nối Việt Nam và Campuchia; điều chỉnh tiến độ quy hoạch đầu tư đoạn tuyến Biên Hòa - Phú Mỹ trong giai đoạn 2021 - 2030 và tiếp tục đầu tư khu đoạn Phú Mỹ - Vũng Tàu trong giai đoạn sau 2030 để phục vụ hỗ trợ vận chuyển hàng hóa khu cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu được hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ giúp hàng hóa xuất nhập khẩu khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam được kết nối tốt với hệ thống cảng Cái Mép -Thị Vải, từ đây hàng hóa tiếp tục được kết nối tốt nhất với thị trường thế giới.

(Ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GT-VT)

 

.
.
.