BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG - Kỳ 1: Nỗ lực xóa "điểm nóng"
Nếu như trước đây, BR-VT có nhiều “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường quanh các KCN, CCN thì hiện nay, tình trạng này không còn phổ biến. Nơi đây đã được các cơ quan chức năng sớm nhận diện, khoanh vùng và kiểm soát chặt.
Người dân sống ven kênh Bến Đình (TP. Vũng Tàu) dán bản cam kết không xả rác xuống kênh. |
Kiểm soát "điểm nóng"
Trước đây, ô nhiễm chăn nuôi tại huyện Châu Đức là một trong những "điểm nóng" về ô nhiễm môi trường. Nhưng 2 năm nay, câu chuyện người chăn nuôi trên địa bàn huyện tự nguyện xây hầm biogas, di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực hành lang an toàn nguồn nước đã trở nên phổ biến. Từ đó giúp huyện Châu Đức xóa được các "điểm nóng" về ô nhiễm môi trường liên quan đến chăn nuôi heo.
Theo Sở TN-MT, trong năm 2020, cơ quan chức năng đã thực hiện di dời 31 trại nuôi heo và 24 trại chăn nuôi gà. Trong năm 2021, UBND tỉnh đã cấp kinh phí thực hiện di dời, chấm dứt hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cho 4 địa phương gồm: TP. Bà Rịa, TX. Phú Mỹ, huyện Châu Đức và huyện Xuyên Mộc với tổng kinh phí hơn 6,8 tỷ đồng. Tính đến tháng 8/2021, huyện Châu Đức có 7/7 trại chăn nuôi đã chấm dứt hoạt động; huyện Xuyên Mộc có 2 trại chăn nuôi gà chấm dứt hoạt động; TP. Bà Rịa đang triển khai các thủ tục để chấm dứt hoạt động 1 trại gà; TX. Phú Mỹ đang tiến hành các thủ tục, hồ sơ để chấm dứt hoạt động, hỗ trợ kinh phí cho 10/10 trại chăn nuôi, dự kiến hoàn thành trong năm 2021.
Ngoài ô nhiễm trong chăn nuôi, ô nhiễm từ kênh Bến Đình, từ hoạt động chế biến thủy sản, hoạt động chế biến bột mì… cũng được tỉnh kiểm soát, dần đưa ra khỏi danh sách các "điểm nóng" về môi trường. Nếu như năm 2017, toàn tỉnh có 12 "điểm nóng" về môi trường, năm 2018 còn 10 "điểm nóng" thì đến nay toàn tỉnh chỉ còn 6 "điểm nóng". Các "điểm nóng" còn lại cũng đang có chuyển biến tích cực như: kiểm soát tốt các hoạt động chế biến mủ cao su, khắc phục cơ bản ô nhiễm khu vực cổng số 6 (xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ) không để ảnh hưởng đến nghề nuôi trồng thủy hải sản trên sông Chà Và…
Riêng Khu chế biến hải sản tại xã Tân Hải sau khi xảy ra sự cố môi trường hồi tháng 3/2021, Sở TN-MT và cơ quan chức năng đã xử lý 9 cơ sở vi phạm về xây dựng, trong đó 1 cơ sở thu hồi diện tích đất cho thuê, 1 cơ sở đình chỉ hoạt động và xử phạt 372 triệu đồng, 4 cơ sở yêu cầu chấm dứt hoạt động, 3 cơ sở tự dừng hoạt động. Hiện chỉ còn 3 cơ sở đang hoạt động. UBND tỉnh đã thống nhất di dời tất cả các cơ sở chế biến hải sản đang hoạt động tại xã Tân Hải sang vị trí khác theo quy hoạch hoặc phải chuyển đổi ngành nghề hoạt động khác phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Hiện nay, UBND TX. Phú Mỹ đang rà soát, hoàn thiện danh sách các cơ sở phù hợp với tiêu chí di dời trên địa bàn.
Đây là những chuyển biến tích cực mà địa phương đã làm được trong thời gian qua nhằm nỗ lực xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp. Theo ông Trần Thượng Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, đến nay công tác BVMT của tỉnh đã đạt một số kết quả khả quan như: Bảo vệ nghiêm ngặt, chặt chẽ nguồn nước các hồ cấp nước sinh hoạt (Đá Đen, Sông Ray...); kiểm soát chặt chẽ nước thải từ các KCN, CCN; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải khí thải, nước thải lớn; các "điểm nóng" về môi trường thường xuyên được rà soát, xử lý, dần kiểm soát tốt; công tác quan trắc môi trường và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường được tăng cường…
Theo quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020, tỉnh BR-VT có 28 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xử lý triệt để. Đến nay, 28/28 cơ sở đã thực hiện các biện pháp xử lý, đạt tỷ lệ khoảng 100%. |
Không để phát sinh ô nhiễm
Theo ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT, thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh tập trung ở các lĩnh vực: Chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm; chế biến hải sản; luyện, cán thép… Sau khi triển khai Chỉ thị 27-CT/TU (từ tháng 4/20218), công tác quản lý, BVMT đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các nhiệm vụ, giải pháp đang tiếp tục được thực hiện theo tiến độ, chủ yếu liên quan đến nhiệm vụ, dự án, đề án để cải thiện, khắc phục ô nhiễm, phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Trong số đó, kênh Bến Đình (TP.Vũng Tàu); khu vực Cửa Lấp, ao Hải Hà (huyện Long Điền); khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (TX. Phú Mỹ); các cơ sở sản xuất có lưu lượng xả thải lớn… được Sở TN-MT xếp vào nhóm ô nhiễm chất thải cấp bách cần được ưu tiên khắc phục.
Ngoài ra, các địa phương đã rà soát 66 "điểm đen" về ô nhiễm môi trường gồm: 36 "điểm đen" là hoạt động của các DN, hộ chăn nuôi và 30 "điểm đen" công cộng. Đến nay, đã có 4 địa phương cơ bản đã hoàn thành được kế hoạch gồm huyện Châu Đức, Đất Đỏ, Xuyên Mộc và TP. Bà Rịa; 3 địa phương còn lại (TX. Phú Mỹ, TP. Vũng Tàu và huyện Long Điền) đã thực hiện được hơn 50% kế hoạch. Để triển khai có hiệu quả kế hoạch phòng ngừa, cải thiện và khắc phục ô nhiễm môi trường tại các “điểm nóng” và "điểm đen" về ô nhiễm môi trường, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt trong toàn hệ thống chính trị thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về BVMT theo tinh thần Chỉ thị số 27-CT/TU về công tác quản lý, BVMT. Tập trung thực hiện xử lý các "điểm đen" về môi trường như khu vực ao Hải Hà, khu vực kênh Rạch Bà... Tổ chức thực hiện di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP. Bà Rịa vào các CCN Hòa Long, Long Phước; di dời các cơ sở chế biến hải sản vào các CCN Lộc An, Bình Châu. Điều tra, khảo sát thực trạng từng cơ sở cơ sở chăn nuôi thuộc diện phải di dời, chuyển đổi ngành nghề hoặc chấm dứt hoạt động để đánh giá, xác định, lập danh sách, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện và dự trù kinh phí thực hiện chi tiết giai đoạn tiếp theo...
(Còn nữa)
Bài, ảnh: QUANG VŨ