GIAO THÔNG HOÀN THIỆN THÚC ĐẨY KINH TẾ - XÃ HỘI PHÁT TRIỂN

Kỳ 1: Từ những con đường mới mở

Thứ Hai, 13/12/2021, 22:53 [GMT+7]
In bài này
.

Trong 30 năm qua, đặc biệt sau ngày thành lập tỉnh đến nay, BR-VT chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo nên bước đột phá trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Thành tựu này góp phần đổi mới bộ mặt đô thị cũng như vùng nông thôn, nối liền tỉnh với nhiều địa phương khác và cả nước.

Sau 30 năm, hệ thống đường giao thông của tỉnh đồng bộ và phát triển, những tuyến đường quy mô đầu tư lớn kết nối các KCN, cụm cảng biển góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh phát triển. Trong ảnh: Đường Phước Hòa - Cái Mép tạo sự kết nối thông suốt, thuận lợi giữa đường liên cảng với Quốc lộ 51, phục vụ khai thác hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải và các khu công nghiệp.
Sau 30 năm, hệ thống đường giao thông của tỉnh đồng bộ và phát triển, những tuyến đường quy mô đầu tư lớn kết nối các KCN, cụm cảng biển góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh phát triển. Trong ảnh: Đường Phước Hòa - Cái Mép tạo sự kết nối thông suốt, thuận lợi giữa đường liên cảng với Quốc lộ 51, phục vụ khai thác hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải và các khu công nghiệp.

Từ 100km đường nhựa các loại, đến nay tỉnh BR-VT có 2.625 km đường nhựa, tăng gấp hơn 26 lần. Hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh phát triển nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa.

Giao thông thông suốt

Những ngày này, người dân đang hân hoan chào đón sự kiện kỷ niệm 30 năm thành lập tỉnh BR-VT. Nhưng niềm vui lớn hơn cả là chứng kiến sự đổi thay của tỉnh với vóc dáng một đô thị nhộn nhịp, hiện đại cùng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, thông suốt. Điển hình là xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu).  Cách đây 13 năm, để đến được đảo Gò Găng (xã Long Sơn) người dân Vũng Tàu phải đi qua TP.Bà Rịa rồi chạy theo tuyến QL51 đến TX.Phú Mỹ (trước là huyện Tân Thành), sau đó rẽ vào đường Láng Cát-Long Sơn mới đến được trung tâm xã Long Sơn. Từ đó đi lần theo trục lộ chính của xã để đến Gò găng. Thời điểm đó, để vượt hơn 45km đường, người dân phải mất gần cả giờ đồng hồ. Chưa kể quãng đường đi lại vừa xa lại vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Giao thông chưa thuận lợi nên lượng khách du lịch từ các nơi khác đến đảo Gò Găng hầu như rất ít.

Chính vì lẽ đó, người dân sinh sống ở đây luôn mong ước được Nhà nước đầu tư xây dựng con đường và cầu nối từ Gò Găng sang Long Sơn, với mục tiêu mở thêm cửa ngõ thứ 3 nối TP. Vũng Tàu với các tỉnh, thành khác trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (trước đây chỉ có cầu Cỏ May và cầu Cửa Lấp); đồng thời khai thác tiềm năng kinh tế, tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư vào khu vực này. Mong ước này đã trở thành hiện thực khi tháng 5/2009, tỉnh tổ chức khởi công xây dựng  đường và cầu từ đảo Gò Găng sang Long Sơn, dài hơn 9km. Sau nhiều năm thi công, công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Theo người dân xã Long Sơn, từ khi con đường này mở ra đã mang lại nhiều thay đổi về đời sống, kinh tế cho người dân đảo Gò Găng. Ông Võ Văn Mùi, nguyên Chủ tịch UBND xã Long Sơn nhớ lại, thời điểm khi chưa có đường, giá đất ở Gò Găng rất rẻ, tầm khoảng 400 – 500 triệu đồng/ha, còn khi hạ tầng giao thông thông suốt, giá đất 1ha tăng gấp nhiều lần. Dọc hai bên trục đường từ đảo Gò Găng sang Long Sơn, những ngôi nhà cấp 4 lụp xụp được thay bằng nhà kiên cố, khang trang. Gần như 100% người dân ở Gò Găng đều có phương tiện đi lại, mua sắm trang thiết bị phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

Đặc biệt, việc vận chuyển hải sản, nông sản, vật liệu xây nhà không còn khó khăn như trước kia. Đường xá thuận lợi, một số hộ nhà ở mặt tiền đầu tư mở dịch vụ ăn uống, buôn bán và vươn lên làm giàu từ chính mảnh đất này.

Về Đất Đỏ vào những ngày trung tuần tháng 12, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi về hệ thống cơ sở hạ tầng. Ai từng đến Đất Đỏ hơn chục năm về trước hẳn chưa quên được hình ảnh những con đường đất gồ ghề, khó đi với mặt đường đầy ổ gà. Hai bên đường là hình ảnh nhiều ngôi nhà tạm bợ chỉ đủ che nắng mưa. Sẽ khó lòng có một Đất Đỏ đổi thay như ngày hôm nay nếu như chính quyền tỉnh BR-VT không có những ưu tiên tập trung đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng ở địa phương. Nhiều con đường được đầu tư, hoàn thành như:  đường ven biển Phước Hải – Lộc An, Tỉnh lộ 52, cải tạo và nâng cấp QL55. Hầu hết xã đều có đường ô tô đến khu trung tâm, điểm dân cư.

Năm 2005, tuyến đường ven biển từ Vũng Tàu đến Bình Châu được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã tạo ra động lực phát triển kinh tế-xã hội của các huyện vùng sâu, xa. Hàng loạt dự án đầu tư về du lịch của tỉnh BR-VT hiện nay tập trung chủ yếu ở ven trục đường này. Tỉnh BR-VT cũng đã đưa vào khai thác hàng loạt đường giao thông trọng điểm của tỉnh như Hạ Long-Quang Trung, Trần Phú, 3/2, 2/9, 30/4, Nguyễn An Ninh, Lê Hồng Phong, Thùy Vân, Thống Nhất nối dài, đường trung tâm TT. Phước Bửu huyện Xuyên Mộc, đường ven biển Côn Đảo, các tuyến đường trung tâm TT. Long Điền, Đất Đỏ, Phú Mỹ, TP. Bà Rịa.

Hiệu quả từ sự sáng tạo

Tỉnh BR-VT là cửa ngõ quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và BR-VT. Do vậy, việc đầu tư xây dựng hoàn thiện mạng lưới giao thông đóng vai trò quan trọng trong phát triển các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh như: công nghiệp, cảng biển, thương mại, dịch vụ du lịch.

Đến thời điểm hiện tại, cơ sở hạ tầng kỹ thuật nói chung và mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh được đầu tư tương đối hoàn chỉnh. Để có được kết quả trên, 30 năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm đặc biệt, có nhiều chỉ đạo về việc hoàn thiện kết nối hạ tầng giao thông bao gồm cả đường bộ đường hàng không, đường sắt, đường thủy. Đặc biệt tỉnh BR-VT đã sáng tạo, đi đầu cả nước trong tìm kiếm nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông. “Đổi đất lấy hạ tầng” là một giải pháp tích cực trong huy động vốn được vận dụng đem lại hiệu quả rất cao để làm đường giao thông. Đơn cử, nhiều năm trước con đường đẹp nhất TP.Vũng Tàu là đường Hạ Long, chạy dọc theo bờ biển, dài 3,8km nhưng trong đó chỉ có khoảng gần 800m mặt đường tráng nhựa là khá tốt. Còn lại là đường đá dăm, đường ổ gà gồ ghề, lồi lõm”. Muốn thu hút du khách và tạo ra những dịch vụ đa dạng phục vụ khách du lịch, thì không thể không nâng cấp, cải tạo con đường này. Nhưng tiền ở đâu ra khi mà mỗi năm, ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp.

Vậy là chủ trương “đổi đất lấy hạ tầng” ra đời. Với mong muốn cải tạo hệ thống giao thông đường bộ càng nhanh càng tốt, nên khi được Chính phủ cho phép làm thí điểm, tỉnh BR-VT đã khẩn trương thực hiện.  Song song với việc sửa chữa, nâng cấp đường Hạ Long, tỉnh BR-VT bắt tay vào việc cải tạo mạng lưới giao thông nông thôn, mà cụ thể là đường Mỹ Xuân, Ngãi Giao từ TX.Phú Mỹ (trước là huyện Tân Thành) đi Châu Đức, Bà Tô, Xuyên Mộc. Sau nhiều năm đưa vào sử dụng, ngoài việc tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, con đường này còn được Bộ GTVT bình chọn là một trong những con đường giao thông nông thôn đẹp nhất Việt Nam. Hay như đường 51C, khi hoàn thành và đưa vào sử dụng đã góp phần giảm tải cho nội đô Vũng Tàu, đồng thời hạn chế tai nạn giao thông.

Theo Sở GT-VT, hệ thống giao thông đường bộ từ trước khi thành lập tỉnh BR-VT rất khiêm tốn, toàn tỉnh chỉ có khoảng gần 1.000km đường giao thông, trong đó phần lớn là đường đất đá, chiều rộng mặt đường nhỏ, hẹp và một vài tuyến đường nhựa đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng. Tuy nhiên sau 30 năm xây dựng và phát triển, hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh đã được đầu tư, nâng cấp mở rộng và xây mới với tổng chiều dài hơn 3.670km gồm 134km đường Quốc lộ, 617km đường Tỉnh lộ, 382km đường đô thị, 601km Huyện lộ, hơn 1.561km đường xã và 373km đường chuyên dụng. Hệ thống đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng với tổng chiều dài khoảng 2.162km. Hầu hết các huyện đã hoàn thành cơ bản việc đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn đến từng ấp, xã.
Hiện tỉnh BR-VT kết nối với các tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thông qua QL51, kết nối với các tỉnh Tây Nguyên thông qua QL56 và các tỉnh miền Nam Trung bộ thông qua QL55.

Từ sự sáng tạo này, giai đoạn 2001-2010, hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh đã được định hình rõ nét với tổng chiều dài là 3.670km, với 133,62km đường Quốc lộ, 617,34 km đường tỉnh, 381km đường đô thị, 572km đường huyện, 1562km đường xã và hơn 400km đường chuyên dùng. Các tuyến tỉnh lộ được hình thành kết hợp cùng với quốc lộ tạo thành mạng lưới đường trục ngang, dọc đan xen và trải đều trên toàn địa bàn tỉnh tạo điều kiện giao lưu vận chuyển hàng hoá nông sản, sản phẩm công nghiệp từ nơi sản xuất đến các nơi tiêu thụ.

Có đường, có điện là có phát triển. Một loạt các KCN, cảng biển, khu du lịch, các vùng kinh tế dân sinh ở tỉnh BR-VT phát triển như hiện nay là nhờ mạng lưới giao thông thủy, bộ. Giao thông tốt còn góp phần thu hút đầu tư và thúc đẩy du lịch, cảng biển “đột phá”.  Điều này có thể chứng minh hàng năm (thời điểm BR-VT chưa có dịch COVID-19), lượng khách xuống tham quan, nghĩ dưỡng tại địa phương tăng cao, nhiều khu du lịch cao cấp, hiện đại hình thành, trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách nước ngoài trong nhiều năm qua.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: SA HUỲNH

 
;
.