.
CÔNG NGHIỆP KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ NGÀNH KINH TẾ CHỦ LỰC

Kỳ 2: Phát triển công nghiệp có chiều sâu

Cập nhật: 20:19, 17/12/2021 (GMT+7)

Với mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh kiểu mẫu về phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, BR-VT tiếp tục lựa chọn các dự án công nghiệp lớn, công nghệ hiện đại, không thâm dụng lao động.

KCN Phú Mỹ 3 trên địa bàn TX. Phú Mỹ là KCN chuyên sâu đầu tiên của tỉnh, chỉ thu hút các dự án có công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
KCN Phú Mỹ 3 trên địa bàn TX. Phú Mỹ là KCN chuyên sâu đầu tiên của tỉnh, chỉ thu hút các dự án có công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Hình thành một số sản phẩm công nghệ cao

Ðể nâng cao chất lượng các dự án đầu tư, tháng 7/2017, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-TU về nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Theo đó, tỉnh kiên trì mục tiêu đầu tư có chọn lọc, với các dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, có sức lan tỏa. Nhờ việc định hướng rõ ràng, số lượng và chất lượng các DN ngành công nghiệp của tỉnh tăng cao, tích cực sử dụng các công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, trở thành nhà cung cấp cho các công ty đa quốc gia.

Trong 5 năm gần đây, BR-VT đã thu hút đầu tư và triển khai xây dựng nhiều dự án quy mô lớn như: Tổ hợp Hóa dầu miền Nam với vốn đầu tư 5,4 tỷ USD; Nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) của Tập đoàn Hyosung với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD; nhà máy sản xuất tôn mạ kẽm, tôn mạ màu và ống thép màu, quy mô 600.000 tấn/năm; dự án đầu tư xây dựng nhà máy kính nổi siêu trắng; nhà máy giấy Marubeni… Sản phẩm của các dự án này cung cấp nguồn nguyên liệu, nhiên liệu dồi dào cho các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo hạ nguồn, thúc đẩy nhiều dự án sản xuất sản phẩm thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ đầu tư vào tỉnh.

Nhà máy kính nổi siêu trắng đầu tiên tại Việt Nam (KCN Phú Mỹ 2 mở rộng)  với công nghệ hiện đại, tiên tiến, tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện môi trường.  Trong ảnh: Công nhân Nhà máy kính nổi siêu trắng trong giờ sản xuất.
Nhà máy kính nổi siêu trắng đầu tiên tại Việt Nam (KCN Phú Mỹ 2 mở rộng) với công nghệ hiện đại, tiên tiến, tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện môi trường. Trong ảnh: Công nhân Nhà máy kính nổi siêu trắng trong giờ sản xuất.

Ông Na Jong Hyun, Giám đốc Thương mại và Hành chính, Công ty TNHH Zinc Oxide Corporation Việt Nam (KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3) cho biết, Nhà máy xử lý bụi lò thép Zinc Oxide đi vào hoạt động từ năm 2019. Nhà máy có dây chuyền hiện đại, thực hiện  chức năng tái chế bụi lò thép để sản xuất oxit kẽm HZO, loại 65% có thể thay thế kẽm cô đặc, giúp BR-VT giải quyết được bài toán xử lý bụi lò thép phát sinh tồn tại gây bức xúc về vấn đề ô nhiễm môi trường nhiều năm qua. Ngoài ra, nhà máy còn sản xuất oxit kẽm có độ tinh khiết cao, làm nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất vỏ xe hơi, gốm sứ tại thị trường nội địa và quốc tế.

Ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, việc kiên định mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc không những giúp loại bỏ những dự án không phù hợp, công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng đến môi trường, tiêu tốn nhiều nguyên liệu mà quan trọng hơn là tỉnh đã và đang tạo ra hệ sinh thái để những DN công nghệ cao, có tiềm lực tài chính, có uy tín tin tưởng và mạnh dạn đầu tư. Ðây chính là động lực giúp địa phương duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của 4 trụ cột kinh tế là: công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, để từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào ngành dầu khí.

Khơi thông các nguồn lực cho phát triển công nghiệp bền vững
BR-VT kiên trì thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án quy mô lớn, có công nghệ cao, không thâm dụng lao động, không xâm hại môi trường. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để DN, nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tỉnh thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung, công khai danh mục dự án kêu gọi đầu tư; chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng về quy hoạch, đất đai, hạ tầng, thủ tục để thu hút các nhà đầu tư; khơi thông các nguồn lực cho phát triển công nghiệp bền vững.
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Đồng bộ nhiều giải pháp

Trong giai đoạn 2020-2025, công nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh kiểu mẫu về phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Trong đó, phát triển công nghiệp chất lượng cao và công nghiệp hỗ trợ là nhiệm vụ trọng tâm. Để thực hiện mục tiêu trên, theo định hướng phát triển ngành công nghiệp tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, BR-VT sẽ tập trung hình thành mối liên kết các ngành công nghiệp giữa các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 trong sản xuất công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường.

Giai đoạn 2021-2025, BR-VT đặt mục tiêu phấn đấu thu hút các dự án có thương hiệu đẳng cấp, thân thiện với môi trường, bền vững, tạo sự lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội, đem lại giá trị cho người dân thụ hưởng; trong đó, thu hút mới 150 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 3,2 tỷ USD và 185 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư khoảng 100 ngàn tỷ đồng.

Song song đó, tỉnh chú trọng hỗ trợ các dự án công nghiệp lớn đang triển khai để sớm hoàn thành, đưa vào hoạt động nhằm gia tăng năng lực, tốc độ tăng trưởng cho ngành như: Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, Nhà máy sản xuất PP và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng của Tập đoàn Hyosung; thúc đẩy tiến độ đầu tư KCN dầu khí Long Sơn; quan tâm triển khai các dự án điện khí, dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn… Đồng thời tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch các KCN theo hướng thu hút đầu tư có chọn lọc gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả quỹ đất và hình thành các CCN liên kết với nhau, tạo nguồn hàng cho hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải, thực hiện điều chỉnh ngành, nghề nhằm thu hút đầu tư vào các KCN.

Để công nghiệp hỗ trợ là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, tỉnh sẽ nghiên cứu thành lập khu nghiên cứu công nghệ cao, liên kết với trường đại học hoặc các viện chuyên ngành với vai trò hỗ trợ đầu vào cũng như đầu ra cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; có chính sách thúc đẩy DN công nghiệp hỗ trợ sản xuất, từ đó tạo ra sự kết nối giữa các DN địa phương và vùng trong cùng chuỗi cung ứng…

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

.
.
.