Kỳ 1: Tạo nền tảng vững chắc Phát huy tiềm năng, thế mạnh
Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng hơn 58% trong cơ cấu kinh tế của BR-VT, trong 30 năm qua, ngành công nghiệp có bước phát triển nhanh, tạo được nhiều sản phẩm mới giá trị cao.
30 năm qua ngành công nghiệp chế biến chế tạo của BR-VT đã có những bước phát triển vượt bậc. Trong ảnh: Chế biến hải sản xuất khẩu tại Công ty Baseafood. |
Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế phía Nam đang phát triển, gần trung tâm kinh tế lớn là TP. Hồ Chí Minh và là cửa ngõ thông thương ra biển của vùng kinh tế Đông Nam Bộ; với thềm lục địa có nhiều khoáng sản quý như dầu mỏ, khí đốt… đã giúp BR-VT có điều kiện và cơ hội để hình thành và phát triển kinh tế công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất hàng tiêu dùng… Những lĩnh vực chủ yếu như khai thác dầu khí, cảng biển, vận tải biển, khai thác và chế biến hải sản, dịch vụ du lịch khẳng định thế mạnh của BR-VT về công nghiệp, dịch vụ. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III cũng đề ra mục tiêu có tính chiến lược, đó là huy động mọi nguồn nội lực, hợp tác chặt chẽ với các ngành, các địa phương khác, trước hết là các tỉnh, thành phố trên địa bàn kinh tế trọng điểm, đồng thời ra sức thu hút vốn đầu tư nước ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa...
Với chủ trương đúng đắn, quy mô các ngành sản xuất công nghiệp tăng đáng kể, từ năm 1992 chỉ có khai thác dầu khí đến năm 2020 đã phát triển nhiều ngành sản xuất quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu công nghiệp như: khí, điện, đạm, thép, nhựa, hóa chất, phân bón… Nhiều dự án công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Nhiều ngành sản xuất không chỉ có vị thế trong tỉnh mà còn đóng vai trò quan trọng của cả nước. Trong đó, Trung tâm điện lực Phú Mỹ hiện chiếm gần 40% tổng sản lượng điện quốc gia hàng năm; Nhà máy Đạm Phú Mỹ chiếm thị phần 40% phân đạm toàn quốc, nếu kể cả hoạt động phân bón nhập khẩu thì chiếm đến 60% thị phần. Đặc biệt, sản phẩm tháp gió chỉ có tại BR-VT, là mặt hàng đem lại lợi ích kinh tế cao và cũng là sản phẩm thân thiện với môi trường. Tỉnh thu hút được các dự án sản xuất nguyên vật liệu cần thiết của nền kinh tế như: Chế biến khí, chế biến condensate, sản xuất bột nhựa PVC, sợi, dệt, da thuộc…
Tăng tỷ trọng ngành chế biến chế tạo
Qua 30 năm thành lập và phát triển, cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh chuyển dịch theo đúng định hướng giảm tỷ trọng ngành khai thác, tăng dần tỷ trọng ngành sản xuất chế biến, chế tạo. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP (trừ dầu thô và khí đốt) đến năm 2020 chiếm 35,82%, trong cả giai đoạn 2016-2020 chiếm 33,96%. Đến nay, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 87,85% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp trừ dầu khí. Đồng thời có sự kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng nội địa của sản phẩm công nghiệp. Một số ngành hiện đang sử dụng công nghệ tiên tiến nhất trong cả nước như thép, xi măng, đóng tàu...
Các kỹ sư làm việc tại Phòng điều khiển trung tâm - Nhà máy Đạm Phú Mỹ. |
Ngoài ra, tỉnh đã có quy hoạch phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ để tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. Sản phẩm của các dự án này là nguồn nguyên liệu, nhiên liệu cho các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo hạ nguồn, tạo tác động tích cực thu hút, thúc đẩy nhiều dự án sản xuất sản phẩm thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ đầu tư vào tỉnh. Mặt khác, một số dự án chế biến thực phẩm như cà phê, dự án sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, phân bón cũng tạo hiệu ứng tốt cho sản xuất nông nghiệp…
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 1.552 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, trong đó có 23 dự án hoạt động về lĩnh vực công nghiệp chất lượng cao; 77 cơ sở hoạt động về công nghiệp hỗ trợ. Một số ngành sản xuất sản phẩm đầu vào công nghiệp (thép, nhựa, hóa dầu, cơ khí) được lựa chọn để trở thành ngành công nghiệp chủ lực phục vụ cho chuỗi sản xuất công nghiệp hiện đại. Nhiều tập đoàn, công ty có thương hiệu lớn đã lựa chọn BR-VT là điểm đến để đầu tư như: Kyoei, Sojitz, Nitori, Lock & Lock, Posco, Nippon, Marubeni, Hyosung, Austal, BlueScope, CJ Cheiljedang, Sojitz, Nitori, Thép Pomina, Tổng Công ty Viglacera, Tập đoàn Hoa Sen,… |
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công thương cho biết, 30 năm qua, ngành công nghiệp phát triển ổn định theo hướng bền vững, có chọn lọc và bảo vệ môi trường, tiếp tục duy trì vai trò là ngành động lực, đóng góp lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Giá trị sản xuất, chỉ số sản xuất công nghiệp trừ dầu thô và khí đốt ước tăng bình quân 8,56%/năm (Nghị quyết 7,6%/năm). Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác. Đến nay, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 87% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp trừ dầu khí.
(Còn nữa)
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN
Kể từ khi KCN Đông Xuyên đầu tiên được thành lập vào năm 1996, hiện toàn tỉnh đã có 15 KCN với tổng diện tích 8.511,17ha; thu hút 469 dự án đầu tư với số vốn đăng ký trong nước là 102.774,83 tỷ đồng, FDI là 13,67 tỷ USD. Quy hoạch, không gian các KCN được điều chỉnh phù hợp với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp của tỉnh, trong đó đã điều chỉnh diện tích KCN B1- Conac, thay đổi công năng KCN dầu khí Long Sơn, thành lập mới KCN ứng dụng công nghệ cao Hắc Dịch; KCN Phú Mỹ 3, KCN Đá Bạc cơ bản đã hoàn thiện hạ tầng và thu hút được nhiều dự án công nghệ hiện đại, năng lượng sạch, thân thiện với môi trường. Song song đó, các CCN cũng được đầu tư phát triển để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. |