.

Xuất khẩu vươn ra biển lớn

Cập nhật: 20:13, 17/12/2021 (GMT+7)

30 năm qua, hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc. Từ một tỉnh có kim ngạch và sản lượng xuất khẩu thấp ở vài thị trường thuộc khu vực châu Á những năm đầu thành lập tỉnh, đến nay kim ngạch xuất khẩu đã tăng mạnh, sản phẩm khá đa dạng và vươn xa đến hầu hết các thị trường thế giới.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH LT Garment (TP. Bà Rịa).
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH LT Garment (TP. Bà Rịa).

Vượt khó để tìm thị trường

Là một trong những DN đầu tiên của tỉnh có sản phẩm xuất khẩu, Công ty CP chế biến xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh BR-VT (Baseafood) đã mở rộng thị trường, nâng cao sản lượng và kim ngạch xuất khẩu trở thành đơn vị nằm trong top đầu của tỉnh trong hoạt động xuất khẩu. Qua đó không chỉ giúp DN tạo được lòng tin nơi bạn hàng quốc tế mà còn đóng góp vào sự tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh trong 30 năm qua.

Nhớ lại chặng đường phát triển 40 năm qua, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Baseafood cho biết, sau khi thành lập tỉnh BR-VT năm 1991, khi chuyển từ Đồng Nai về BR-VT, Baseafood trực thuộc Sở Thủy sản với 2 nhà máy chế biến gồm: nhà máy ở Bà Rịa có mã xuất khẩu F34 và một nhà máy tại Vũng Tàu. Thời điểm đó, công ty là DN nhà nước mới hình thành nên việc quản lý còn khó khăn, công nhân ít, chỉ khoảng 300 người nên kim ngạch xuất khẩu của 2 nhà máy này chỉ đạt kim ngạch từ 5-7 triệu USD/năm, sản lượng khoảng 1.000 tấn nhưng chủ yếu là sản phẩm đông lạnh xuất thô. Vì vậy, giá trị sản phẩm thấp chỉ đạt 2-4USD/kg. Thị trường xuất khẩu lúc đó cũng chỉ ở một vài nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Trung Quốc… còn các nước xa hơn như châu Âu, Bắc Mỹ… chưa vươn tới.

Có thể thấy, trong những năm đầu thành lập tỉnh, lĩnh vực xuất khẩu còn khá hạn chế, kim ngạch xuất khẩu còn thấp. Các mặt hàng xuất khẩu của địa phương còn đơn điệu, hàm lượng công nghệ và chất xám trong sản phẩm xuất khẩu chưa cao, chưa đủ sức cạnh tranh với thị trường khu vực và thế giới, thị trường xuất khẩu còn giới hạn, chưa mở rộng được thị trường. Bên cạnh đó, máy móc thiết sản xuất còn cũ kỹ, lạc hậu; phương tiện vận tải, năng lực tài chính hạn chế. Hàng xuất khẩu chỉ trông chờ vào các nước trung gian nên giá thường rất thấp, thiệt thòi rất lớn trong xuất khẩu. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh thời điểm này cũng chủ yếu là thủy sản và mới xuất được sang một vài thị trường ở châu Á.

Nhờ chú trọng đẩy mạnh xuất khẩu theo lợi thế so sánh của tỉnh và theo hướng công nghiệp hóa, giảm dần tỷ trọng xuất khẩu hàng thô và sơ chế, nâng dần tỷ trọng của các mặt hàng đã qua chế biến nên chất lượng hàng xuất khẩu được nâng lên và một số mặt hàng đã có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới như: hải sản, may mặc, giày da... Tỉnh cũng đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu ở các mặt hàng khác, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa trên cơ sở đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ, dây chuyền thiết bị sản xuất hàng xuất khẩu. Chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu đa dạng hóa bạn hàng; tiếp tục giữ và củng cố các thị trường truyền thống, tích cực mở rộng thêm thị trường mới; chú trọng phát triển các thị trường có dung lượng lớn, đặc biệt coi trọng thị trường Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ…

Khẳng định tiềm năng và vị thế

Thực hiện chủ trương chủ động hội nhập quốc tế, trong bối cảnh nước ta tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, đến nay, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh khá đa dạng như: dầu thô, sắt thép và các sản phẩm bằng sắt thép, tàu bè gia công sản xuất xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, khô dầu các loại, ngũ cốc, hạt điều, máy móc thiết bị; cơ khí chế tạo và các sản phẩm gia công xuất khẩu (da giày, dệt may, da thuộc, giả da, bông sợi, thủy hải sản chế biến).

Hàng hóa xuất khẩu của tỉnh đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng và khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc... giảm dần việc xuất khẩu qua thị trường trung gian, củng cố và mở rộng thị trường lớn như Mỹ và EU...

Ông Trần Văn Dũng cho biết, từ những thị trường xuất khẩu đầu tiên với các sản phẩm xuất khẩu thô, đến nay Baseafood đã có quan hệ làm ăn với hơn 40 nước và vùng lãnh thổ; sản phẩm xuất khẩu cũng chuyển dần từ thô sang tinh chế, chế biến sâu. Kim ngạch xuất khẩu hiện đã tăng gấp 8 lần so với thời điểm những năm 1992 (khoảng 40 triệu USD/năm). Công ty cũng đã đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao tay nghề cho công nhân để đáp ứng nhu cầu của đối tác.

Bên cạnh các mặt hàng chủ lực truyền thống, hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh gồm: hồ tiêu, chuối, thanh long, nhàu, ca cao, cà phê, cao su… đang được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Australia, Dubai, Hàn Quốc, Trung Quốc…, với sản lượng xuất khẩu từ 10 - 203 tấn/năm, tùy loại hàng.

Ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH TM DV SX ca cao Thành Đạt (huyện Châu Đức) cho biết, công ty đã xây dựng nhà máy chế biến với dây chuyền sản xuất, lên men đạt chuẩn ISO 9001-2000 tại xã Xà Bang để sản xuất các sản phẩm như: bột ca cao, bơ ca cao, rượu ca cao, chocolate. Hiện nay, mỗi năm Công ty xuất khẩu sang Hà Lan, Mỹ 200 tấn sản phẩm các loại; 29 tấn hạt ca cao rang, thổi vỏ (cocoa nibs) và ca cao nhão (coca mass) mỗi tháng sang Hàn Quốc và Nhật Bản.

Năm 2019, sau khi xây dựng vùng nguyên liêu ca cao organic, giữa tháng 12/2020, 1,5 tấn hàng đầu tiên về sản phẩm chocolate organic được xuất sang thị trường Nhật Bản theo đường chính ngạch. Năm 2021 công ty đã có thêm các hợp đồng xuất khẩu ca cao và các sản phẩm từ ca cao organic đi Nhật Bản, châu Âu.

Giá trị xuất khẩu toàn tỉnh giai đoạn 1992-2020 đạt 182 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng bình quân 8,47%/năm, trong đó, giá trị xuất khẩu trừ dầu thô đạt hơn 40,1 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng bình quân 17,89%/năm. Giá trị nhập khẩu giai đoạn 1992-2020 đạt hơn 54,5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 18,69%/năm. Riêng giai đoạn 2015-2020, giá trị xuất khẩu trên địa bàn đạt gần 37 tỷ USD, giá trị xuất khẩu trừ dầu thô đạt khoảng 22,1 tỷ USD; tăng 10,87%/năm. Giá trị nhập khẩu đạt gần 31 tỷ USD, tăng 11,37%/năm. Năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu trên địa bàn gần 8,2 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu trừ dầu thô đạt hơn 5,8 tỷ USD, tăng 15,32% so với năm 2020, đạt 103,22% kế hoạch năm.
(Nguồn: Sở Công thương)

Đặc biệt, vài năm trở lại đây, các DN đã tận dụng tốt cơ hội, ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực mà Việt Nam là thành viên để đẩy mạnh xuất khẩu sang những thị trường có nhiều tiềm năng.

Bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, trong giai đoạn tiếp theo (2021-2030), phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng.

Vì vậy tỉnh tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, cơ sở hạ tầng tại các cảng biển, hệ thống kho bãi dịch vụ hậu cần cảng; tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư phát triển các KCN trong tỉnh để phát triển nguồn hàng hóa xuất khẩu...

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cập nhật thông tin thị trường, các chính sách chế độ mới liên quan đến xuất khẩu nhằm giúp, các hiệp định thương mại tự do giúp DN tiếp cận thị trường, ngành hàng xuất khẩu; tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức về phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật, các quy định của pháp luật về cạnh tranh, chống phá giá, chống trợ cấp và tự vệ cho DN trên địa bàn tỉnh, nhằm ứng phó hiệu quả và bảo vệ lợi ích của DN để duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

.
.
.