.
THAY ĐỔI TÍCH CỰC VỀ THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Kỳ 2: Nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách

Cập nhật: 20:16, 17/12/2021 (GMT+7)

Mấy năm gần đây, số thu ngân sách nội địa không ngừng tăng lên, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách. Đây là sự chuyển biến tích cực, mang tính đột phá, khẳng định nội lực mạnh mẽ của các DN, nhất là DN thuộc các lĩnh vực kinh tế trụ cột của tỉnh như công nghiệp, cảng biển, dịch vụ logistics…

Đến nay, dự án tổ hợp hoá dầu miền Nam đã đạt 87% tiến độ xây dựng. Đây là dự án có đóng góp NSNN lớn.
Đến nay, dự án tổ hợp hoá dầu miền Nam đã đạt 87% tiến độ xây dựng. Đây là dự án có đóng góp NSNN lớn.

Nhiều khoản thu nội địa vượt xa kế hoạch

Theo báo cáo UBND tỉnh, giai đoạn 2016-2020, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) gồm 3 nguồn thu chính là dầu thô, xuất khẩu và nội địa. Trong 3 nguồn thu này, có 2 nguồn thu giảm là dầu thô và xuất khẩu. Cụ thể, tỷ trọng thu từ dầu thô giảm 10,6% so với năm 2016, tỷ trọng thu xuất khẩu giảm 0,4%; trong khi đó, tỷ trọng thu nội địa tăng 11,1%. Kết quả trên cho thấy, tỷ trọng thu NSNN (phần nội địa) có sự đóng góp ngày càng lớn trong tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh.

Năm 2021, được xem là năm khó khăn của nền kinh tế do ảnh hưởng bởi COVID-19. Tuy nhiên, số thu NSNN của tỉnh vẫn đạt được khả quan, gần 75.163 tỷ đồng, tăng  gần 9.258 tỷ đồng so với dự toán. Trong đó, thu về dầu thô 20.400 tỷ đồng, xuất nhập khẩu gần 19.058 tỷ đồng, Thu ngân sách nhà nước (phần nội địa) gần 35.705 tỷ đồng.

Một số khoản thu nội địa vượt xa so với dự toán. Chẳng hạn, thu từ khu vực công thương nghiệp dịch vụ ngoài quốc doanh, vượt gần 18%; với số tăng 580 tỷ đồng so với kế hoạch. Có nhiều DN nộp ngân sách cao hơn so với năm ngoái như: Công ty TNHH MTV vật liệu xây dựng Hoa Sen 170 tỷ đồng (cùng kỳ nộp 77 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam 50 tỷ đồng (cùng kỳ 33 tỷ đồng), ... Công ty TNHH xây dựng Đông Nam 70 tỷ đồng (cùng kỳ nộp 47,4 tỷ đồng), Tổng Công ty CP đầu tư phát triển xây dựng 277 tỷ đồng (cùng kỳ 204,3 tỷ đồng), Công ty CP khu công nghiệp Tín Nghĩa - Phương Đông ước nộp 104 tỷ đồng (cùng kỳ 22,4 tỷ đồng),...

Thu tiền sử dụng đất cũng tăng cao, vượt gần 78% so với dự toán với số thu 1.319 tỷ đồng. Thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước vượt gần 19%, tăng gần  183 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong nhiều nằm liền, BR-VT luôn năm trong Top 10 địa phương dẫn đầu về thu NSNN. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, BR-VT  đứng thứ 5/63 tỉnh, thành trong cả nước đóng góp ngân sách, sau TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng và Bình Dương.

Khẳng định nội lực mạnh mẽ

Nhìn vào bức tranh tổng thể thu ngân sách của tỉnh cho thấy, năm 2021 số thu ngân sách nội địa tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn. Theo đánh giá của UBND tỉnh, có được kết quả như trên là nhờ BR-VT thu hút đầu tư có chọn lọc. Lấy kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài làm rường cột, giảm được áp lực cho tỉnh khi nguồn thu từ dầu khí sụt giảm.

Ghi nhận tại một số DN lớn cho thấy, trong quá trình đầu tư, xây dựng và hoạt động tại BR-VT, các DN, nhất là DN thuộc các lĩnh vực như công nghiệp, cảng biển, du lịch... cũng đã thể hiện được vai trò kinh tế trụ cột của tỉnh.

Điển hình như dự án Nhà máy sản xuất Polypropylene  của Công ty TNHH Hóa chất Hyosung Vina với tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD. Ông Choi Young Gyo, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hóa chất Hyosung Vina cho biết, sau 3 tháng chạy thử, giữa tháng 12 vừa qua, dự án nhà máy sản xuất Polypropylene 2 của Công ty đã chính thức đi vào hoạt động. Trước đó, Nhà máy sản xuất Polypropylene 1 công suất 300 ngàn tấn/năm đã hoàn thành, vận hành từ tháng 3/2020, doanh thu hơn 9 tháng năm 2021 đạt 239 triệu USD; nộp ngân sách nhà nước 1.389 tỷ đồng.

Hay như Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam Việt Nam (SCG) có tổng mức đầu tư gần 5,4 tỷ USD. Đến nay, dự án đã đạt 87% tiến độ xây dựng. Mặc dù đang trong quá trình xây dựng, nhưng số tiền nộp ngân sách của SCG khá lớn. Năm 2019, số tiền nộp ngân sách của dự án này đã lên tới gần 1.600 tỷ đồng, bằng 650,4% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2020, riêng số tiền thuế thu nhập DN mà SCG nộp là 440 tỷ đồng. Công ty TNHH Nhà máy Bia Heniken Việt Nam - Vũng Tàu, năm 2020, chỉ riêng thuế tiêu thụ đặc biệt, DN đã nộp tới 5.630 tỷ đồng…

Với những kết quả đạt được như trên, mục tiêu của tỉnh trong thời gian tới là tiếp tục thực hiện chủ trương phát triển kinh tế không phụ thuộc vào dầu khí, trong đó chú trọng các lĩnh vực trụ cột kinh tế của tỉnh như: công nghiệp, kinh tế cảng biển, du lịch… Đặc biệt, tỉnh tập trung các nguồn lực phát triển hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải thành cảng trung chuyển quốc tế và hệ thống dịch vụ hậu cần cảng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu tiếp nhận đội tàu biển quốc tế, chia sẻ lượng hàng hóa thông qua cảng biển TP. Hồ Chí Minh và dần dần đóng vai trò cảng chính, cảng cửa ngõ quốc tế của khu vực phía Nam.

Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Nhằm phấn đấu đạt mức cao nhất dự toán thu, chi ngân sách, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo điều hành kịp thời. Tổ chức họp giao ban tài chính địa phương định kỳ hàng quý.

Đồng thời, thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại, gặp gỡ, xúc tiến đầu tư với các DN trong và ngoài nước để kịp thời thông tin, tuyên truyền về thu hút đầu tư, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN hoạt động kinh doanh.

Bài, ảnh: PHAN HÀ

.
.
.