MỖI NGÀY 1.000 LƯỢT XE TẢI RA VÀO KCN

Không thể chủ quan trong phòng, chống dịch

Thứ Ba, 02/11/2021, 21:29 [GMT+7]
In bài này
.

Theo đánh giá của Tổ kiểm tra giám sát điều kiện bảo đảm an toàn phòng chống dịch, tại một số DN trong KCN đã xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch, nhất là việc quản lý người lao động lái xe, phụ xe vận tải hàng hóa liên tỉnh.

Người lao động Công ty vận chuyển Khí miền đông Nam Bộ tuân thủ nghiêm 5K tại.
Người lao động Công ty vận chuyển Khí miền đông Nam Bộ tuân thủ nghiêm 5K tại.

Quản lý chặt tài xế, phụ xe vào nhà máy

Ước tính trung bình một ngày tại các KCN trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000 lượt xe tải ra vào vận chuyển hàng hóa, trong đó nhiều xe từ các tỉnh, thành phố khác đến. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan từ lái xe và các phương tiện vận tải hàng hóa, nhiều DN đã xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh chặt chẽ, hiệu quả. Đối với xe chở hàng khi đến cổng, lái xe phải đến khu cách ly riêng biệt, không được tiếp xúc với công nhân. Sau đó, toàn bộ xe sẽ được phun thuốc khử trùng. DN sẽ sử dụng lái xe riêng của DN đưa xe vào khu bốc xếp hàng hóa. Khi bốc xếp xong hàng, lái xe của DN tiếp tục đưa xe ra cổng và bàn giao xe.

Ông Nguyễn Minh Trung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH bao bì nước giải khát Crown Vũng Tàu, KCN Mỹ Xuân B1 - Tiến Hùng, TX. Phú Mỹ cho biết, công ty quán triệt các tài xế thực hiện nghiêm “1 cung đường 2 điểm đến”.  Đối với tài xế bên ngoài phải ngồi trong buồng lái, sau khi được bảo vệ hỗ trợ thực hiện các bước như khai báo y tế, đo nhiệt độ, kiểm tra giấy xét nghiệm SARS-CoV-2  sẽ chạy qua buồng khử khuẩn tự động trước khi vào bốc xếp hàng hóa. 

Tính đến ngày 30/10, Ban Quản lý các KCN đã phối hợp với ngành chức năng và địa phương có KCN kiểm tra công tác phòng chống dịch tại 295/370 DN đang hoạt động. Qua kiểm tra cho thấy, đa số DN đã xây dựng và thực hiện kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 và phương án xử trí các trường hợp mắc COVID-19, thực hiện các quy định giãn cách trong lúc làm việc; thường xuyên thực hiện theo dõi, giám sát, đo thân nhiệt, thực hiện quét mã QR code việc ra vào của người lao động, thực hiện tốt công tác tổ chức xét nghiệm cho người lao động; phân khu vực ăn uống, sinh hoạt sử dụng riêng dành cho tài xế chở hàng, có bố trí các khu vực cách ly y tế tạm thời.

Ông Lê Xá, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, KCN có rất nhiều phương tiện ra vào vận chuyển hàng hóa. Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan từ lái xe đường dài, Ban Quản lý các KCN tỉnh thường xuyên tuyên truyền tới các DN, tổ chức ký cam kết phòng chống dịch COCVID-19, yêu cầu các DN quản lý chặt chẽ đội ngũ lái xe ra vào các KCN. Các DN bố trí khu vực cách ly lái xe, người đi theo xe vận chuyển hàng hóa trong thời gian chờ xếp dỡ hàng hóa, bảo đảm không tiếp xúc gần với người tại điểm giao nhận hàng. Trường hợp không bố trí được khu vực cách ly thì lái xe và người đi theo xe không được rời khỏi xe trong thời gian chờ xếp dỡ hàng hóa. Khi giao hàng xong phải đi ngay, không được ở lại.

Xe tải vận chuyển nguyên vật liệu ra vào tại dự án Nhà máy sản xuất hóa chất ngành giấy do Công tyTNHH Seiko PMC Việt Nam
Xe tải vận chuyển nguyên vật liệu ra vào tại dự án Nhà máy sản xuất hóa chất ngành giấy do Công tyTNHH Seiko PMC Việt Nam

Vẫn còn sự chủ quan, lơ là

Theo Ban Quản lý các KCN, qua kiểm tra cho thấy vẫn còn một số DN có từ 200-1.000 người lao động đi làm hàng ngày bằng phương tiện cá nhân, tiềm ẩn nguồn lây lan từ cộng đồng vào nhà máy. Một số DN còn lơ là trong phòng chống dịch, nhất là việc quản lý người lao động, lái xe, phụ xe. Đơn cử như tại Công ty TNHH CJ Foods Việt Nam, KCN Mỹ Xuân B1 - Tiến Hùng, tại thời điểm kiểm tra DN vẫn còn để cho các lái xe, phụ xe đến giao hàng tại công ty sử dụng chung nhà vệ sinh với người lao động trong nhà máy. Ngoài ra, một số DN xây dựng kế hoạch phòng chống dịch còn hình thức, rập khuôn theo mẫu, chưa thực sự phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế tại đơn vị. Trong kế hoạch chưa đánh giá, phân vùng nguy cơ cho từng phân xưởng sản xuất, vị trí làm việc để xây dựng kịch bản ứng phó tương ứng với nguy cơ; chưa xây dựng được kịch bản diễn tập tình huống và chưa tiến hành tổ chức diễn tập. DN còn lúng túng trong việc nắm bắt các quy trình xử lý trong trường hợp có ca nghi nhiễm COVID-19 trong quá trình tổ chức test nhanh.

Trước thực trạng trên, Ban Quản lý các KCN tỉnh vừa có văn bản 3873 /BQL-DN về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các DN trong các KCN. Theo đó, Ban Quản lý các KCN tỉnh yêu cầu các DN có trách nhiệm thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định; khuyến khích tổ chức test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho tài xế, người cung cấp dịch vụ khi ra vào hàng ngày tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, người lao động ngoài tỉnh vào làm việc tại DN. Đồng thời, người lao động phải thực hiện khai báo y tế hàng ngày bằng cách quét mã QR-code. Các DN cần trương thành lập bộ phận y tế tại DN. Ban Quản lý các KCN cũng yêu cầu các DN xây dựng và triển khai phương án phòng, chống dịch theo nguyên tắc “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”; có kế hoạch tự kiểm tra việc thực hiện phương án phòng, chống dịch để xác định các nội dung còn hạn chế và đưa ra biện pháp khắc phục; xây dựng và diễn tập kịch bản khi có ca nghi ngờ F0 trong DN để chủ động ứng phó, xử lý khi có tình huống thực tế phát sinh. Đối với các DN không có phương án phòng, chống dịch COVID-19 hoặc phương án phòng, chống dịch COVID-19 không đáp ứng yêu cầu thì phải đóng cửa, không được phép hoạt động.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.